Trung tâm TP Đà Lạt sẽ thông thoáng hơn

y là quan điểm của ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng khi đề cập đến sự tác động của đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt khi được triển khai.

Quy hoạch chỉnh trang trung tâm Hòa Bình là cần thiết

Đề cập đến hiện trạng khu vực trung tâm Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung cho biết: Trung tâm Hòa Bình hiện đã quá tải về mật độ xây dựng. Dân cư và du khách tập trung khá cao. Kiểu dáng kiến trúc của nhiều công trình dịch vụ, công cộng và nhà ở trong khu vực chưa tương xứng với giá trị, vị trí quỹ đất tại khu trung tâm chính của đô thị. Đa số công trình được cải tạo nâng cấp từ nguyên trạng nhà ở, chuyển đổi công năng, nâng tầng. Nhiều công trình còn hiện tượng cơi nới, chắp vá tùy tiện, kém thẩm mỹ…

Khu vực trung tâm Hòa Bình đồng thời là điểm tập trung đầu mối giao thông của nhiều con đường hướng tâm nhưng quy hoạch phân luồng tuyến giao thông chưa thuận tiện, thiếu diện tích sân bãi đậu xe.

Cũng theo ông Trung, trung tâm Hòa Bình tuy có được chỉnh trang, cải tạo xây dựng tại một vài công trình công cộng, khách sạn, dịch vụ… nhưng vẫn chưa tạo được nét đặc trưng cho diện mạo kiến trúc đô thị của khu trung tâm chính TP Đà Lạt trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Đơn cử, khối công trình rạp Hòa Bình với chức năng chiếu phim, kết hợp bố trí nhiều cửa hàng buôn bán, khu triển lãm, đồng thời là một “đảo giao thông”…, không đảm bảo an toàn giao thông và không phù hợp khuynh hướng quy hoạch đô thị hiện đại.

Khu vực chợ Đà Lạt là một thung lũng, được bao bọc bởi 3 sườn đồi, giáp các đường Lê Đại Hành, Lê Thị Hồng Gấm, Phan Bội Châu, do bị lấn chiếm lối ra vào phụ nên thiếu lối thoát hiểm nhanh nếu chẳng may gặp sự cố…

Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng đang bị xuống cấp do nhiều lần thay đổi công năng và qua nhiều đơn vị quản lý sử dụng. Phần diện tích đất khuôn viên đã bị người dân quanh khu vực xây dựng, lấn chiếm đất. Công trình có vị trí trên đồi cao, nhưng chưa được khai thác yếu tố tầm nhìn cảnh quan…

Khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương đã có thiết kế đô thị được UBND tỉnh phê duyệt nhưng nhiều công trình chưa được đầu tư, nâng cấp đúng tầm…

Như đã đề cập, tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình từ năm 2009 và đã tổ chức cuộc thi tuyển Quy hoạch và thiết kế đô thị Khu Trung tâm Hòa Bình và Chợ Đà Lạt lần 1, vào năm 2010.

Việc triển khai quy hoạch Trung tâm Hòa Bình vừa là nhằm thực hiện định hướng “xây dựng trung tâm thương mại cấp vùng tại khu vực khu trung tâm Hòa Bình” đã được xác định tại đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014); vừa là chỉnh trang đô thị, làm cơ sở để thu hút đầu tư và quản lý các hoạt động xây dựng và quản lý đô thị trong khu vực.

Diện tích xây dựng mới giảm, diện tích giao thông tăng

Ngày 12/02/2019, tại Quyết định số 229/QĐ-UBND, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm. Theo đó, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30ha, thuộc P.1, TP Đà Lạt và chia thành 5 phân khu.

Phân khu I (khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai), diện tích khoảng 6,95ha, có chức năng chợ truyền thống kết hợp với quảng trường hoa mang tính chất đặc trưng của TP Đà Lạt, khu phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm của phân khu I.

Phân khu II (khu trung tâm Hòa Bình), diện tích khoảng 3,37ha, là khu trung tâm phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch. Các công trình có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, đặc sắc phù hợp với cảnh quan của khu vực. Trong đó, các tầng hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe. Các tầng nổi từ 3-5 tầng có chức năng dịch vụ hỗn hợp.

Phân khu III (khu vực đồi Dinh), diện tích khoảng 4,43ha, là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng tạo điểm nhấn và phù hợp với cảnh quan khu vực. Dinh Tỉnh trưởng sẽ được dời nguyên khối sang vị trí mới trong khuôn viên.

Phân khu IV, diện tích khoảng 9,19ha, là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch.

Phân khu V (khu vực ven hồ Xuân Hương), diện tích khoảng 6,06ha, gồm các công trình dịch vụ - du lịch, lưu trú - khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương, với các giải pháp quy hoạch kiến trúc công trình, tôn tạo cảnh quan phù hợp với cảnh quan chung và kết nối với các phân khu chức năng trong khu vực quy hoạch.

Cũng theo nội dung đồ án, có 2 công trình được bảo tồn, đó là chợ Đà Lạt và Dinh Tỉnh trưởng. Chợ Đà Lạt được giữ nguyên, không tác động. Dinh Tỉnh trưởng sử dụng phương án dịch chuyển vị trí, giữ nguyên kiến trúc công trình. Các công trình còn lại không có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa để thực hiện bảo tồn.

Rạp Hòa Bình theo các tài liệu thì công trình không được đánh giá, xếp loại là di sản, cần bảo tồn. Chức năng rạp chiếu bóng vẫn được xác định trong khu vực trung tâm thương mại với quy mô đảm bảo nhu cầu người dân địa phương và du khách.

Phân tích tác động của đồ án khi được triển khai, ông Lê Quang Trung cho rằng: Đồ án quy hoạch được thực hiện chỉnh trang sẽ làm cho khu vực trung tâm TP Đà Lạt thông thoáng, giảm tải và áp lực về hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, diện tích xây dựng công trình giảm so với hiện trạng xây dựng khoảng gần 50% (7.388,05/13.796,6m2). Tổng diện tích đường giao thông cải tạo mở rộng và mở mới trong phạm vi khu quy hoạch so với diện tích đường giao thông hiện trạng (đường nhựa và bê tông) là 96.415/60.596m2, tăng khoảng 1,5 lần.

Hệ thống giao thông được thông suốt hơn, kết nối giao thông theo trục Bắc Nam thông qua đường nối từ đường Phan Bội Châu đến Võ Thị Sáu - Lý Tự Trọng; đường Nguyễn Văn Trỗi được nối lên phía đồi Dinh.

Các trung tâm thương mại tập trung, quảng trường hình thành, đồng thời khai thác tối đa không gian ngầm làm bãi đậu đỗ xe. Khu vực xung quanh chợ Đà Lạt được chỉnh trang, các tuyến đường mở mới đảm bảo việc lưu thông và an toàn PCCC cho khu vực chợ.

Chức năng các công trình trong khu vực không thay đổi vì vậy giải pháp quy hoạch đưa ra vừa giải quyết được việc chỉnh trang đô thị, tạo không gian khu trung tâm hiện đại, vừa giữ được các chức năng hiện có, tạo ra các không gian kinh doanh nề nếp, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh công cộng mà vốn dĩ hiện nay rất lộn xộn.

Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh: Đây là đồ án quy hoạch chi tiết, không phải là dự án đầu tư, vì vậy việc tiếp tục thực hiện xây dựng theo quy hoạch sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Phương án kiến trúc công trình sẽ được xem xét lựa chọn theo phương án nhà đầu tư đề xuất nhưng phải tuân thủ các tiêu chí quy hoạch kiến trúc, đấu thầu được duyệt.

Tâm Huyền

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/trung-tam-tp-da-lat-se-thong-thoang-hon.html