Trung thu nhớ về Báo Đáp

Những ngày Trung thu đang cận kề, những chiếc đèn ông sao được bày bán ngập tràn phố Hàng Mã của Thủ đô Hà Nội và khắp các phiên chợ quê từ vùng đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi. Tuy nhiên, ít ai biết được những chiếc đèn này là sản phẩm truyền thống của làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trải qua bao thế hệ, làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp đã trở thành một thương hiệu "có một không hai" gắn liền với tuổi thơ mỗi con người.

Cách TP Nam Định hơn 10km, theo quốc lộ 21, làng nghề Báo Đáp - nơi có hàng chục ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, tự hào là nơi sản xuất những chiếc đèn ông sao cho cả nước mỗi dịp Tết Trung thu.

Cứ mỗi dịp Tết Trung thu về dân làng Báo Đáp lại rộn ràng làm đèn ông
sao. Khắp các đường thôn, ngõ xóm đâu đâu cũng cảm nhận không khí
của một làng nghề truyền thống làm đèn ông sao đã có lịch sử lâu đời...

Theo các cụ cao niên, truyền thống làm đèn ông sao của làng Báo Đáp đã
có từ rất lâu đời, từ các bậc ông cha ngày xưa nối truyền nhau cho đến
ngày nay.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với tình yêu với nghề, lòng tự hào
quê hương (địa phương duy nhất làm đèn ông sao phục vụ cả nước) thời
kì đầu chưa có nhiều người chơi, nên đèn ông sao dịp Tết Trung thu nên
chưa phát triển.

Tuy nhiên, khoảng 7 năm trở lại đây lượng người trên khắp cả nước biết
đến và chơi nhiều nên lượng sản phẩm ngày càng gia tăng…

Những sản phẩm được làm ra với niềm đam mê. Ngày nay công đoạn của
việc làm ra một chiếc đèn ông sao vẫn được làm thủ công.

Mặc dù vậy, chất lượng sản phẩm vẫn bền đẹp, tạo được ấn tượng mạnh
đối với thị hiếu người tiêu dùng với đa dạng mẫu mã.

Đèn lồng ông sao ở làng Báo Đáp cũng chứa đựng tình cảm bao la đối với
quê hương đất nước, với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!

Nhiều sản phẩm được làm ra đến với người chơi đèn có sự làm việc kì
công, miệt mài, tỉ mỉ chăm chỉ và khéo tay của người dân nơi đây.

Hiện nay, làng Báo Đáp có gần 1.000 hộ thì có tới 300 hộ làm nghề truyền
thống. Làm đèn ông sao tuy được coi là nghề phụ nhưng lại là nguồn thu
nhập chính của nhiều gia đình.

Hàng năm trung bình hộ dân bình thường cũng xuất được khoảng 2-3 vạn
chiếc đèn, hộ làm lớn cũng khoảng 10 vạn chiếc, trung bình mỗi chiếc đèn
khoảng 2.800-5.000 đồng với các loại cỡ. Cỡ lớn nhất, công phu và đẹp
nhất khoảng 70.000 chiếc.

Vật liệu làm đèn đơn giản gắn liền với làng quê Việt Nam, gồm: tre nứa,
giấy bóng kính, hồ dính làm bằng bột gạo nếp nấu nhuyễn và xương cây
đay làm cán. Chọn cây nứa, phải là những cây nứa già rồi đem ngâm, đến
cách phơi nguyên liệu để có thể chống được ẩm mốc…

Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa được cột lại với nhau bằng dây
thép, dập khuôn trang trí lên giấy bóng kính sau đó dán lên. Làng Báo Đáp
có nghề nhuộm, nên người dân mua giấy bóng kính màu trắng, rồi tự tay
ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh, đỏ, vàng.

Làng Báo Đáp có 7 xóm thì xóm nào cũng làm đèn ông sao. Đến gia đình
nào ở Báo Đáp vào dịp trước Tết Trung thu cũng thấy lỉnh kỉnh nào giấy
màu, những bó cọc đay được sơn rõ màu và xếp đống cẩn thận.

Ngày nay, bất chấp sự du nhập của đồ chơi hiện đại, chiếc đèn ông sao
truyền thống vẫn được nhiều trẻ em ưa thích trong đêm rằm và các “nghệ
nhân” ở làng Báo Đáp vẫn đang miệt mài sản xuất để mang lại niềm vui cho
thế hệ trẻ thơ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/trung-thu-nho-ve-bao-dap/136614.bld