Trung thu về khi tình yêu thương chạm vào trái tim những đứa trẻ

Trung thu khiến trẻ con luôn háo hức, nhưng những đứa trẻ ở vùng cao ấy càng hân hoan hơn với những chiếc bánh nướng bánh dẻo và đèn lồng lấp lóe ánh sáng của tình yêu thương.

Bọn trẻ - đâu phải trâu mà buộc chúng lại?

Văn Nguyễn Hồng Trân và Vương Tuấn Minh là 2 nhà hảo tâm còn rất trẻ nhưng trong suy nghĩ của 2 bạn làm thiện nguyện là mang lại niềm hạnh phúc cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trân chia sẻ: “Cứ mỗi mùa Trung Thu, tôi luôn muốn làm 1 việc thiện gì đó nhưng tôi mong muốn những món quà ấy sẽ được tặng đúng nơi đúng chỗ. Và năm nay, chúng tôi đã tìm được 1 nơi như thế - Trường phổ thông dân tộc bán trú– THCS Hội Nga, thuộc huyện Quỳ Châu, ở miền núi Tây bắc Nghệ An”.

Học sinh trường PTDTBT Hội Nga trong đêm chia sẻ Yêu thương.

Từ nguyện vọng của Trân và Minh, nhờ có duyên lành, tôi có dịp cùng 2 em và đoàn thiện nguyện đến thăm các học sinh ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Hội Nga. Qua những cánh rừng, những con suối và những cây cầu, mất khoảng 6 giờ đi đường, chúng tôi đến trường Hội Nga nằm ngay cạnh con sông lớn.

Cô Giáo Lê Thị Hưng, Hiệu trưởng trường Hội Nga chia sẻ: “Vào những ngày mưa lũ, nước sông lên, học sinh trong trường sẽ không thể về nhà dù đó là những ngày cuối tuần. Khi đó, các thầy cô lại thay bố mẹ túc trực chăm lo học hành, ăn ở chờ khi lũ qua”.

Học sinh ở ngôi trường này là con em các dân tộc thiểu số tại các bản của 2 xã Châu Nga, Châu Hội. Hầu hết, các em phải vượt trên 10km để đến trường học tập và không thể trở về trong ngày. Vì vậy, những học sinh nơi đây được Nhà nước tạo điều kiện sinh hoạt ăn ngủ tại trường với trợ cấp hàng tháng 562 ngàn đồng/cháu. Ngoài ra, mỗi cháu được cấp 15kg gạo/tháng.

Với số tiền ấy, thầy cô trong trường phải “cân đong đo đếm” để đảm bảo các bữa ăn của các con đủ chất. Tuy vậy, tính ra mỗi bữa vẫn chỉ là 8 ngàn đồng/cháu, chưa tính tiền gạo. Nhìn số tiền cho mỗi bữa ăn, chúng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng.

Trong năm học 2018-2019, toàn trường có 450/13 lớp. Trong đó học sinh ở bán trú 237/450 em, Học sinh bán trú châu Nga là 121; xã Châu Hội là 116 học sinh. Gọi là bán trú, nhưng các con ăn ngủ tại trường, chỉ cuối tuần, mới về nhà với gia đình.

Với ngần ấy học sinh nhưng chỉ có 28 giáo viên tham gia giảng dạy trên tổng số 35 cán bộ nhân viên. Điều đáng nói là các thầy cô giáo ở trường Hội Nga vừa làm thầy vừa làm “cha mẹ”.

Vì vậy, nỗi vất vả càng đội lên gấp bội phần. Tôi chợt nghĩ, mình chỉ có 2 đứa con, đến trường đã có thầy cô dạy dỗ cả ngày, chiều tối mới về với gia đình mà việc chăm sóc, dạy bảo chúng đã khá vất vả. Vậy mà ở đây, các thầy cô giáo phải dạy học, “dạy sống” cho ngần ấy đứa trẻ ở nơi khó khăn còn trăm bề: Điều kiện sống vật chất và cả những phương tiện tinh thần. Vậy mà, thầy cô và học trò nơi đây không ngừng sống đẹp, sống vui.

Một cô giáo khi gặp tôi đã không ngần ngại kể: “Bọn trẻ con nơi đây khi ở nhà còn khổ hơn ở trường, măng rừng là thực phẩm chủ yếu….Khi học ở đây con được ăn đủ chất hơn, điều kiện sinh hoạt tốt hơn ví dụ đơn giản như có cái nhà vệ sinh sạch sẽ hơn …”.

Ấy vậy mà, khi ngôi trường mới thành lập cách đây vài năm, việc vận động học sinh dân tộc đến học không phải dễ. Các thầy cô đã lặn lội đến nhà học sinh để “xin” cho các con đến trường học tiếp cấp THCS.

Do dân trí thấp, nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng con ở nhà là có thêm nguồn lực lao động, chứ để con đi học thì ai làm việc nhà, ai đi làm thêm có tiền giúp đỡ gia đình? Thậm chí, có cháu đã đến trường rồi, nhưng vì nhớ nhà, không thích học nên bỏ học. Thấy sĩ số lớp giảm cháu nào, thầy cô nhà trường theo dõi và đến tận nhà xem tình hình vì sao con nghỉ để vận động con trở lại trường.

Có phụ huynh nói với cô giáo: “Đi học hay không là do con, chúng nó có phải con trâu con bò đâu mà buộc mà trói chúng”.

Lời nói này của phụ huynh khiến cô hiệu trưởng Lê Thị Hưng nhớ mãi. Cô và các thầy cô trăn trở làm sao để bọn trẻ thích đi học, chỉ khi chúng thấy vui và hạnh phúc vì được yêu thương. Và từ đó, cô cùng các giáo viên trong trường không ngừng tìm cách để bọn trẻ yêu trường yêu lớp.

Tình yêu thương: Thứ níu giữ con người chặt nhất!

Cô Hưng kể, các con khối 7,8,9 đã quen với trường lớp nên vào năm mới, chúng sẽ vui vẻ đến trường. Còn những con lớp 6 mới vào trường chưa quen lớp, tuần đầu tiên, trong phòng có vài đứa khóc, thế rồi cả phòng khóc. Khóc 1 hôm rồi khóc cả tuần.

Những màn múa dân tộc do học sinh biểu diễn

Các thầy cô phải tìm cách vừa dạy học, vừa dạy cho các quen với nếp sinh hoạt mới rồi động viên nâng đỡ các con. Dần dần, bọn trẻ đã hòa nhập với nơi ở mới.

Cô hiệu trưởng nhớ lại: Có lần, hai học sinh đùa nhau, đập đầu, có vết chảy máu nhỏ ở mặt, nghe học sinh báo, cô cấp tốc chạy xuống xem tình hình. Lúc ấy, cô chỉ lo học sinh bị làm sao. Rất may, vết thương do va chạm nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe các con. Không chỉ thế, mỗi khi các con ốm đau, các thầy cô lại thay nhau chăm sóc.

Để học sinh vui khỏe, nhà trường tổ chức hoạt động đá bóng, đá cầu, trồng rau để cho các con vừa trau dồi kỹ năng vừa có thêm nguồn quỹ sau khi bán rau cho chính nhà bếp của trường. Ngày Tết, các con được tham gia thi làm bánh Chưng, được quây quần nấu những món ăn ngon. Điều quan trọng là giúp các con có một cuộc sống vui.

Ngoài ra, các thầy cô cũng không ngừng kết nối với các nhà hảo tâm để cho các con có thêm cái chăn, tấm áo và nhân dịp Trung thu này là những chiếc bánh và những chiếc đèn lồng truyền thống.

Tối 14/9, tại sân trường Hội Nga, các con tề tựu đông đủ, áo quần xúng xính với khuôn mặt rạng rỡ trong đêm “Chia sẻ Yêu thương với học sinh trường PTDTBT Hội Nga”. Những đứa trẻ háo hức trước những tiết mục múa hát, những màn múa sạp của những vị khách… không biết múa khiến chúng ôm bụng cười. Nhưng vui!

Em Lương Thị Hiền, lớp 9C không ngại ngần, đứng lại gần tôi kể: Nhà con cách trường 14km nhưng con rất thích ở trường vì có bạn nên rất vui. Ngoài giờ đi học, chiều về các con tổ chức chơi trò chơi. Con được học tập, được vui chơi giải trí ở một môi trường tốt”.

Còn em Lim Thị Tươi, dân tộc Thái vừa tham gia tiết mục văn nghệ cũng góp vào câu chuyện: “Được ở đây, chúng con sẽ cố gắng học thật giỏi”.

Cô hiệu trường, các thầy cô cùng các nhà hảo tâm trong đêm "Chia sẻ Yêu thương"

Khi nhà hảo tâm Văn Nguyễn Hồng Trân và Vương Minh cùng các thầy cô, khách mời tặng 237 suất quà, bọn trẻ háo hức xếp hàng nhận quà, háo hức lấy đèn lồng ra chơi.

Đó là những học sinh lớp 9, các con đã quen với trường, còn những em lớp 6 thì vẫn khá rụt rè. Khi tôi bước vào phòng các con ở, mỗi phòng có 6 giường tầng, mỗi giường cho 2 học sinh.

Văn Nguyễn Hồng Trân và Vương Tuấn Minh là 2 nhà hảo tâm cùng với các em lớp 6

Với những đứa trẻ này, ban đầu, ngay lúc nhận quà, các con cũng e dè, nhưng chỉ bằng cái ôm và nụ cười, tôi thấy bọn trẻ dường như cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương trong đêm nay. Thế nên, chúng không còn ngần ngại mà hòa mình vào đêm chia sẻ yêu thương này.

Dù mấy tuần trước, các con còn khóc vì nhớ nhà, giờ các con đã tươi vui quen thầy, quen lớp.

Chúng quây lại gần tôi, nghe tôi trò chuyện. Bởi tôi biết, dù có thể là người xa lạ nhưng chúng sẽ cảm nhận được sợi dây yêu thương mà các nhà hảo tâm mang đến cho chúng như những gì, các thầy cô nơi trường Hội Nga đã trao đi rất, rất nhiều…

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/trung-thu-ve-khi-tinh-yeu-thuong-cham-vao-trai-tim-nhung-dua-tre-a244207.html