Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Những ân tình còn mãi

Hình ảnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mực thước, ít nói, nhưng sâu sắc, tình cảm đã và luôn khắc sâu trong tim những người lính Trường Sơn.

Một vị tư lệnh sát sao thực tế

Chiều cuối tháng 2, gần tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 – 1/3/2023), Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chính ủy Binh đoàn 12 và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm đầy ân tình với vị chỉ huy, người đồng đội tài ba, ân tình của mình.

Hai vị Thiếu tướng dù đều ở tuổi xưa nay hiếm nhưng có thể ngồi nói chuyện hàng giờ với biết bao kỷ niệm về tướng Nguyên.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đứng thứ 3 từ trái sang (ảnh tư liệu)

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đứng thứ 3 từ trái sang (ảnh tư liệu)

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại, lần đầu tiên ông được tiếp xúc trực tiếp với Tư lệnh là tại hội nghị tập huấn chuẩn bị cho chiến dịch vận tải mùa khô 1967-1968, khi ông đang là Đại đội phó, Đại đội 1, Tiểu đoàn 52.

"Tư lệnh lúc ấy trẻ lắm, độ hơn 40, vóc dáng, tầm thế phong độ, ông đội mũ mềm, mặc quân phục Tô Châu gọn gàng", Thiếu tướng Tuấn miêu tả.

Còn với Thiếu tướng Sở, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhiệm trọng trách Tư lệnh tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (từ năm 1967), ông làm Trưởng phòng Tổ chức, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nên thường xuyên tiếp xúc, làm việc cùng tướng Nguyên.

Thời điểm này, chiến tranh ác liệt, địch đang thực hiện chiến dịch phá hoại, huy động các loại máy bay, vũ khí, bom mìn tấn công hàng trăm căn cứ trọng điểm của ta. Chỉ trong thời gian ngắn, Trường Sơn trơ trụi, số ô tô vận tải của tuyến chi viện chiến lược bị máy bay Mỹ bắn cháy lên tới 52%.

Với nhiệm vụ chỉ huy lực lượng gồm 9 sư đoàn, 21 trung đoàn trực thuộc, với quân số lúc cao nhất lên tới hơn 14 vạn cán bộ, chiến sĩ, vừa phải mở đường, chi viện chiến lược vừa phải đảm bảo giảm thiểu thương vong, ngay khi nhận việc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lập tức tổ chức họp, đi thực tế.

Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chính ủy Binh đoàn 12

Theo Thiếu tướng Tuấn, qua chuyến đi khảo sát thực tế và làm việc với cán bộ chủ chốt các cấp kéo dài 10 ngày, Tư lệnh nhận thấy tư tưởng tiến công chưa được định hình rõ nét trong cán bộ, chiến sĩ, nên đã đề nghị triệu tập cuộc họp Đảng ủy, thẳng thắn chỉ rõ tồn tại, đề xuất cần phải khắc phục tư tưởng phòng tránh thụ động vốn chỉ phù hợp ở giai đoạn đầu và thay bằng tư tưởng tiến công.

"Đề xuất này được Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đồng ý ngay. Sau đó, để thay đổi tư tưởng của toàn bộ anh em chiến sĩ từ tất cả các binh chủng, Tư lệnh đã tổ chức các cuộc tập huấn, họp cán bộ tất cả các cấp để tạo được sự đồng thuận cao", Thiếu tướng Tuấn nhớ lại.

Lãnh đạo phải làm gương

Nhằm thể hiện đúng tư tưởng tiến công, làm gương cho toàn lực lượng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu cán bộ chỉ huy các cấp phải làm hầm bám trụ ngay trọng điểm.

Các cơ quan và chỉ huy các đơn vị không chui sâu vào rừng mà phải bám đường, bám xe, bám trọng điểm, sống chết với các chiến sĩ lái xe cao xạ để làm gương cho các Binh trạm và các đơn vị trực thuộc.

Năm 1972, Binh trạm 19 được thành lập để tổ chức vận chuyển hàng từ Đồng Hới vào Bắc Quảng Trị. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn được giao giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật

"Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dặn tôi phải về dời sở chỉ huy binh trạm ra lô cốt cũ của Pháp gần nhà thờ Tam Tòa, Đồng Hới để chỉ huy. Lúc ấy, thị xã Đồng Hới bị phá tan nát tất cả, Tư lệnh nhấn mạnh: "Tôi sẽ ra làm việc với các anh ở đấy!", ông Tuấn cho hay.

Thực hiện mệnh lệnh, Sở chỉ huy Binh trạm 19 cách trọng điểm máy bay thường xuyên đánh là khoảng 400m. Khi địch thả xong một tọa độ bom, ca-nô phải lao ngay vào bốc hàng. Xong xuôi, ca-nô khởi hành thì cũng là lúc địch chuẩn bị thả bom lần tiếp theo. Chỉ chậm một chút, lệch thời gian địch thả tọa độ bom là không lấy được hàng hoặc thương vong.

Nhiệm vụ đầy khó khăn và nguy hiểm, nhưng chính những lời chỉ đạo đanh thép, quyết liệt và sẵn sàng xuống tận nơi đồng hành cùng Binh trạm của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã "truyền lửa" để ông vững tin, đương đầu với mọi gian khó.

Nhờ chuyển đổi chiến lược hiệp đồng tác chiến, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi hơn 2.400 máy bay, bằng một nửa số máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn rơi.

Trong 16 năm, toàn tuyến đường Trường Sơn đã vận chuyến hơn 1 triệu vật chất, vũ khí vào chiến trường, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Quan tâm cán bộ, chiến sĩ từ ăn mặc tới tinh thần

Đanh thép và quyết liệt trong chỉ đạo, nhưng tướng Nguyên quan tâm, thấu hiểu với cán bộ, chiến sĩ.

Thiếu tướng Võ Sở kể: Đời sống của các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sơn rất được Tướng Nguyên quan tâm. Tư lệnh hiểu thấu nhu cầu đặc thù của mỗi binh chủng để có sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực. Chẳng hạn, bộ đội lái xe phải di chuyển cả chặng đường dài nên được trang bị đầy đủ từ áo giáp sắt, mũ; hai bên xe có "giàn mướp" bằng tre nứa để ngăn bom đạn; bảo đảm lái xe được ưu tiên nhất về lương thực, bi đông nước của lái xe có dung tích tới 5 lít (gấp 5 lần của các binh chủng khác).

Trong khi đó, biết đặc điểm bộ đội công binh thường xuyên phải đi lại nên Tướng Nguyên đề nghị ưu tiên về áo giáp, giày dép, mỗi người có đến 2-3 đôi giày.

Ngoài ra, Tư lệnh chỉ đạo từ đại đội trở lên đều có quân y, tổ chức 3 bệnh viện trên toàn tuyến; mỗi sư đoàn, binh trạm đều có 1 bệnh xá; có đội phẫu thuật cố định và cả lưu động dọc tuyến. Đặc biệt, bộ đội Trường Sơn còn được phép thực hiện cả trung phẫu, đại phẫu thay vì chỉ được tiểu phẫu như thông thường từ đó có thể cấp cứu kịp thời, cứu được nhiều người.

Kể đến đây, vị tướng 95 tuổi trầm giọng, khóe mắt rưng rưng. "Ở Trường Sơn, sốt rét rất kinh khủng. Bản thân tôi cũng từng bị sốt rét ác tính đến mức nằm liệt cả tháng trời và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người rất quan tâm tới vấn đề này, ông tổ chức hệ thống cứu chữa, tổ chức ăn ở, diệt muỗi triệt để… nên từ sau năm 70, tình trạng bị sốt rét giảm hẳn", Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên (giữa) chụp cùng ông Hoàng Anh Tuấn khi đó là Chính ủy Trung đoàn 515 (phải) và Chính ủy Sư đoàn 473 Nguyễn Sỹ Chia. Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm: "Tư lệnh để ý, quan tâm kỹ, từ cái nhỏ nhất. Biết được chuyện anh em lái xe chúng tôi trước đây hay phải dùng bao tải gạo còn thừa chế làm võng nằm, bác đã xin ý kiến cấp trên để cấp luôn tăng võng cho anh em".

Với những chỉ đạo toàn diện đó, các chiến sĩ từ công binh cao xạ, đặc biệt là các chiến sĩ lái xe ngồi trong ca-bin trên đường vận chuyển không cảm thấy "lạnh lưng", "hở sườn", "đơn phương độc mã" như trước.

Không chỉ chuyện ăn mặc, thuốc thang, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn chú trọng vào đời sống tinh thần cho anh em ở Trường Sơn bom đạn ác liệt, căng như dây đàn. Gần như tất cả đội văn công các tỉnh đều đến Trường Sơn biểu diễn.

"Khi mở chiến dịch nào, Tư lệnh cũng đều mời các nhà thơ, nhà văn, nhà báo tham gia sáng tác để động viên chiến sĩ và chính các văn nghệ sĩ cũng có cơ hội sáng tác sát với thực tế. Thậm chí đoàn cải lương Quyết Tiến ở Thái Nguyên nổi tiếng cũng vào. Hát cải lương ở chiến trường khó lắm, phải múa hát, cần sân khấu nhưng họ vẫn được tạo điều kiện, động viên để thể hiện. Các nhà thơ còn có cả lều riêng độ 4m vuông, có chiếc bàn nứa ngồi được 4 người cùng 1 chiếc đèn nhỏ đựng trong ống bơ để chuyên tâm sáng tác", Thiếu tướng Tuấn nhớ lại.

Theo Thiếu tướng Tuấn, cứ khoảng tháng 10 Âm lịch, chuẩn bị tổng công kích, rào thế trận xong, là Tư lệnh và các đồng chí chỉ huy khác đi xuống các đơn vị, hầu như lần nào bác cũng xuống khu vực cửa khẩu đường 20 nơi Thiếu tướng Tuấn làm việc, có cả đội văn nghệ xung kích đi theo động viên anh em.

"Cứ nghe tin Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến là anh em đều vui mừng. Ai ai cũng tin chỉ huy đến đâu thì ở đó dứt khoát sẽ thắng lợi", Thiếu tướng Tuấn kể.

Sau này, khi chiến tranh kết thúc, các vị tướng đã "gác súng, treo gươm" trở về cuộc sống đời thường, hai vị tướng vẫn thường xuyên đến thăm "người anh cả" Đồng Sỹ Nguyên, cùng ôn lại kỷ niệm năm xưa, được Tư lệnh giao nhiệm vụ, động viên trong công việc và cả cuộc sống.

Tầm nhìn xa trông rộng, phong cách quyết liệt, nói là làm, đã làm là phải mạnh dạn, dám dấn thân đến nơi khó khăn nhất là những điều mà cả hai vị Thiếu tướng Võ Sở và Hoàng Anh Tuấn đều khắc cốt ghi tâm và lấy đó làm bài học để răn dạy lại con cháu thời sau.

Đặc biệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất quan tâm tới công tác của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam vì đây là nơi sinh hoạt của hàng vạn cựu chiến binh, thanh niên xung phong và cựu dân công hỏa tuyến, những con người đã từng anh dũng chiến đấu, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa mà tướng Nguyên cùng vào sinh ra tử.

"Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dặn tôi: Qua Hội Trường Sơn, chú cố gắng, quan tâm những cựu chiến binh, thanh niên xung phong và cựu dân công còn nghèo khổ. Năm xưa đã vất vả, đừng để thời bình họ lại phải vật lộn với cuộc sống khó khăn", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trung-tuong-dong-sy-nguyen-nhung-an-tinh-con-mai-d582587.html