Trung tướng Phạm Hồng Cư: Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập!

93 tuổi, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vẫn hết sức minh mẫn. Khi chúng tôi gọi điện thoại liên hệ xin phép được có cuộc trò chuyện cùng ông nhân dịp thống nhất đất nước 30/4/1975, ông vui vẻ nhận lời.

Vui sao nước mắt lại trào

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Một vinh dự trong cuộc đời tôi, đó là ngày 30/4/1975, tôi cùng với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 có mặt tại Dinh Độc Lập, một giờ đồng hồ sau khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cửa của Dinh. Tôi đi theo Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải với tư cách là phái viên của Tổng cục Chính trị. Đến Xuân Lộc, tôi được biết từ ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 do anh Hoàng Cầm làm Tư lệnh, anh Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy, đã mở cuộc tiến công vào “cánh cửa thép” trên tuyến phòng ngự phía đông Sài Gòn.

Trung tướng Phạm Hồng Cư

Bộ Chính trị đồng ý đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh, anh Phạm Hùng là Chính ủy. Tôi đi theo cánh quân hướng đông gồm Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 (Quân khu 5), do anh Lê Trọng Tấn chỉ huy.

Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, 5 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng anh Lê Trọng Tấn đề nghị cho cánh quân phía đông nổ súng sớm từ 18 giờ ngày 29/4 vì phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ đến không kịp. Đề nghị này được Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch đồng ý.

Ngày 30/4, Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 qua cầu Sài Gòn đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng 843 dẫn đầu đến cổng dinh dừng lại. Xe tăng 390 vượt lên húc đổ cổng Dinh. Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chính ủy Lữ đoàn 203 xe tăng Bùi Văn Tùng thảo lời đầu hàng và đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc lời đầu hàng. Nhà báo Von Boris Gallasch người Đức đã cho mượn chiếc cát-xét thu lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng.

Một giờ sau đó, anh Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2 vào kiểm tra về mặt quân sự. Anh Lê Linh - Chính ủy Quân đoàn 2 vào kiểm tra về mặt Chính trị. Tôi bước qua thảm cỏ trước sân bước vào thềm của Dinh Độc Lập và 3 chúng tôi ôm lấy nhau. Khi ấy anh Lê Linh - một trong những người giơ tay thề độc lập đã ghé vào tai tôi và nói rằng: “Chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập”. Chỉ chừng ấy câu thôi mà nước mắt trào ra, sung sướng.

Khi đó ông có suy nghĩ gì không?

Chỉ có trào nước mắt vì vui sướng mà không kịp nghĩ đến điều gì.

Vậy là ông đã bước đi 10.000 ngày để hoàn thành lời thề độc lập?

Đúng vậy. Cách mạng Tháng Tám 1945, khi ấy tôi 20 tuổi và là Trung đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hà Nội. Tôi có vinh dự cùng đơn vị tham gia bảo vệ Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945). Chúng tôi đã giơ tay thề giữ vững nền tự do và độc lập của dân tộc vừa giành được. Từ đó, tôi mang trong mình lời thề độc lập đi suốt 30 năm, trải qua hai cuộc kháng chiến.

Trên chặng đường 10.000 ngày để hoàn thành lời thề độc lập ấy, còn có một người bạn đồng hành khá đặc biệt cùng ông đó là Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Hai ông cùng một đơn vị là Trung đoàn 36 - Đại đoàn Quân Tiên Phong (F308). Hai ông lại cùng là con rể vị học giả nổi tiếng - Giáo sư Đặng Thai Mai. Ông có thể chia sẻ một vài cảm nhận về Trung tướng Phạm Hồng Sơn?

Nét đặc sắc của Trung tướng Phạm Hồng Sơn là anh dũng và thông minh. Anh luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ tình hình thực tiễn, tìm ra cách đánh sáng tạo giành được thắng lợi lớn nhất mà thương vong ít nhất. Một trong những cách đánh sáng tạo ấy là “đánh lấn” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đánh Điện Biên Phủ, anh Hồng Sơn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, còn tôi là Phó Chính ủy. Trung đoàn 36 được lệnh đánh các cứ điểm 106 và 206 ở hướng Tây để phối hợp với các đơn vị bạn tiến công 5 cao điểm phía Đông là then chốt phòng ngự của địch. Đêm 1/4/1954, áp dụng cách “đánh lấn”, Trung đoàn 36 đã chiếm được cứ điểm 106, tiêu diệt tiểu đoàn 1 - trung đoàn 2 lê dương. Từ kinh nghiệm “đánh lấn” cứ điểm 106, anh Hồng Sơn đã phát triển thành chiến thuật “đánh lấn” để đêm 22/4/1954, Trung đoàn 36 đánh chiếm nốt vị trí 206 ở phía tây sân bay Mường Thanh.

Chiến thuật “đánh lấn” đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương trước toàn mặt trận: “Với cách đánh lấn, Trung đoàn đã mở ra một chiến thuật mới táo bạo và sáng tạo”.

Chính anh Hồng Sơn là người đã phát hiện ra sáng kiến này từ các chiến sĩ của mình. “Đánh lấn” là đào chiến hào lấn dũi luồn qua các lớp hàng rào của địch, vừa đào vừa xây dựng trận địa hỏa lực, bắn phá các lô cốt đầu cầu của địch. Khi bắt đầu tiến công, từ các chiến hào đã chui qua hàng rào dây thép gai, quân ta bất ngờ vọt lên, từ các hướng chia cắt tiêu diệt địch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các trợ lý: Đại tá Phạm Chí Nhân, ông Bùi Đình Kế, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhà văn Hữu Mai (1964)

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông vừa là cấp dưới, vừa là người em, vợ ông - PGS Đặng Thị Hạnh là em gái ruột PGS Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng. Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về Đại tướng từ góc độ gia đình?

(Đứng lên gỡ tấm ảnh trên tường đem xuống). Trong tấm ảnh này, có Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Phạm Chí Nhân, anh Hữu Mai, anh Bùi Đình Kế - thư ký của Anh Văn và tôi. Đó là khoảng năm 1960, chúng tôi được Đại tướng giao nhiệm vụ viết hồi ký về chặng đường hoạt động cách mạng. Anh Hữu Mai đã hoàn thành ngay từ sớm các tập hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”. Đó là giai đoạn hoạt động cách mạng của Anh Văn từ năm 1940 đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Anh Phạm Chí Nhân hoàn thành hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” từ năm 1972 đến năm 1975.

Còn một “khoảng trống” mà nhiều người tò mò muốn biết đó là tuổi thơ và tuổi trẻ của Đại tướng. Tôi được giao nhiệm vụ viết về thời gian này. Tuy nhiên, phải tới khi về hưu vào năm 1995, tôi mới thật sự có thời gian để chuyên tâm cho công việc.

“Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập, thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng đất nước” (Trung tướng Phạm Hồng Cư ).

Là người thân trong gia đình, cho nên tôi đã được tiếp xúc với những người thân của Anh Văn ở quê nhà Quảng Bình. Họ chia sẻ với tôi nhiều kỷ niệm gần gũi về Đại tướng hồi nhỏ. Tôi cũng có thời gian tiếp xúc với ông Võ Thuần Nho, em ruột Đại tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Những câu chuyện về gia đình, họ hàng Đại tướng chủ yếu là do ông Nho kể. Ông Võ Thuần Nho cho biết gia đình Đại tướng có tất cả 7 anh chị em, trong đó 2 người mất sớm vì bệnh và thiên tai, 2 người khác cũng mất trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, ngoài 2 anh em trai Đại tướng, trong nhà chỉ còn lại cô út là bà Võ Thị Lài, sau này làm nhân viên coi kho của một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp.

Người anh của “Màu tím hoa sim”

“Nàng có ba người anh đi bộ đội”. Câu mở đầu trong bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Không phải cũng ai biết, ông là anh trai của nhân vật “nàng” trong bài thơ nổi tiếng này?

Đúng thế. Tôi là người anh thứ hai của “nàng” trong bài thơ “Màu tím hoa sim”. Em tôi là Lê Đỗ Thị Ninh, vợ nhà thơ Hữu Loan.

Vậy ba người anh đi bộ đội ngoài ông ra hai người anh còn lại là?

Người anh thứ nhất là Lê Đỗ Khôi, anh cả của chúng tôi, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Anh Khôi hy sinh tại Điện Biên Phủ trước giờ chiến thắng đúng 5 tiếng đồng hồ. Khi đó tôi cũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Hai anh em tôi hẹn nhau giờ chiến thắng sẽ gặp ở hầm Đờ-cát-tơ-ri.

Nhưng sau ngày đó, tôi đã chờ suốt cả đêm mà không thấy anh tôi đến. Sáng hôm sau, tôi đi tìm Chính ủy của Trung đoàn 165 (Trung tướng Trần Quang Khánh sau này - PV) thì mới được biết tin anh tôi đã mất. Anh tôi bị thương trong trận chiến đấu trên đồi 506. Trở ra, khi gần đến đồi Him Lam thì gặp đội oanh tạc của quân Pháp ném bom vào đội hình của những người chở thương binh. Thi thể anh tôi được đưa về nghĩa trang đồi A1. Năm 2004, đúng 50 năm sau, kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mới có dịp về để thắp hương cho anh.

Người anh thứ ba là Lê Đỗ An, sau này là Bí thư Thường trực của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mang bí tên mới là Nguyễn Tiên Phong.

Tôi là người anh thứ hai trong bài thơ.Tên khai sinh là Lê Đỗ Nguyên.

Trung tướng Phạm Hồng Cư và sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” (bản tiếng Anh)

Vậy tên gọi Phạm Hồng Cư là bí danh của ông khi hoạt động?

Tôi vào bộ đội, tôi ở tiểu đội Phạm Hồng Thái nên tất cả anh em trong tiểu đội đều đổi họ Phạm Hồng. Do vậy, tôi có cái tên thứ hai là Phạm Hồng Cư.

Ông biết tin em gái mình mất như thế nào?

Anh Hữu Loan đã viết rất chân thực trong bài “Màu tím hoa sim” đấy. “Một chiều rừng mưa/ Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng”. Cả ba anh em tôi cùng ra Hà Nội học trung học ở trường Bưởi rồi tham gia kháng chiến chống Pháp chứ không về nhà. Khi kháng chiến, liên hệ giữa chúng tôi ở Việt Bắc với gia đình ở Thanh Hóa rất khó khăn. 9 năm kháng chiến chống Pháp tôi cũng chỉ về nhà có một lần thôi. Vì thế, tôi không hề biết em tôi lấy chồng và cũng không hề biết em tôi đã mất.

Phải một năm sau, năm 1949, Bộ Quốc phòng triệu tập các Chính ủy, Chính trị viên về hội nghị. Tôi gặp anh Võ Trí Sơn, bạn của anh Hữu Loan và cũng là bạn của gia đình tôi. Gặp tôi, anh Võ Trí Sơn mới nói: “Cô Ninh đã mất rồi”! Tôi bàng hoàng hỏi: "Mất thế nào?" Anh Sơn kể chuyện cô Ninh đã lấy nhà thơ Hữu Loan và mất “Gió sớm thu về rờn rợn nước sông”.

Chắc rằng ông có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Hữu Loan?

Anh Hữu Loan là thầy dạy bốn anh em tôi. Anh hơn tôi 10 tuổi. Ở Thanh Hóa, nhà tôi mở hiệu sách Hòa Yên. Anh Hữu Loan cùng với nhiều người học trò nghèo khác thường ra đọc nhờ sách. Mẹ tôi, bà Đái Thị Ngọc Chất, thường gọi là bà Tham Kỳ, xuất thân trong gia đình khoa bảng, yêu văn chương, hiền lành, tốt bụng nên rất rộng rãi với những người học trò nghèo như Hữu Loan. Mẹ tôi quý những người ham học, lại biết tính tình cương trực của anh Hữu Loan nên bàn với bố tôi mời anh về làm gia sư. Bố tôi khi đó làm Tổng thanh tra xứ Đông Dương. Chính anh Hữu Loan đã truyền cho tôi tình yêu văn học.

Về sau tôi cũng biết anh Hữu Loan bị kỷ luật vì tham gia “Nhân văn - Giai phẩm”. Anh về quê, đục đá làm kế sinh nhai. Năm anh Hữu Loan đã mất, tôi không về đưa tang được. Anh Hữu Loan là một con người cương trực, có bản lĩnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trung tướng Phạm Hồng Cư sinh năm 1926, quê ở xã Đông Cương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu Đông, đánh thắng quân Pháp trận đầu trên Sông Lô (1947), Phó chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, tham gia các chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ (1951 - 1954), Phái viên Tổng cục Chính trị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Phó tư lệnh Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2 (1978 - 1986), Phó Chủ nhiệm TCCT (1986 - 1995). Ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1983), Trung tướng (1988).

KIỀU MAI SƠN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-tuong-pham-hong-cu-the-he-chung-toi-da-hoan-thanh-loi-the-doc-lap-post216987.html