Trung tướng Trần Văn Vệ: Cấp chứng minh nhân dân không cần đơn xin nữa

Trung tướng Trần Văn Vệ - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: 'Cấp chứng minh nhân dân không cần đơn xin nữa. Sau này, khi có số định danh cá nhân không cần sổ hộ khẩu nữa'.

Để giúp độc giả có đầy đủ thông tin về một số nội dung quan trọng trong Nghị quyết 112/NQ-CP vừa được ký ban hành, Báo Nhân Dân điện tử phối hợp Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức tọa đàm trực tuyến "Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu" vào chiều nay (15/11), tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội.

Trung tướng Trần Văn Vệ nói về sự việc.

Trong buổi tọa đàm, Trung tướng Trần Văn Vệ lý giải: "Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an”.

Bên cách đó Trung tướng Trần Văn Vệ cũng thông tin: “Tại Điều 2 Nghị quyết có quy định: “Giao Bộ Công an căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Bên cạnh đó, Trung tướng Trần Văn Vệ chia sẻ: “Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. Vì vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay. Nửa phút là chúng tôi có số định danh rồi, chính vì vậy rất thuận lợi tiện cho người dân”.

Trung tướng Trần Văn Vệ cũng cho biết: "Vừa qua thực hiện lộ trình cải cách hành chính, Chính phủ đã giao cho các bộ ban ngành rà soát, ví dụ Bộ Công an liên quan đến hộ chiếu, căn cước, hộ khẩu, các ngành kinh doanh có điều kiện.

Chính phủ giao cho mọi bộ, ngành rà soát, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì loại bỏ bao nhiêu giấy tờ. Đến nay đã bỏ được hơn 800 thủ tục hành chính. Tôi hy vọng khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bỏ thêm nhiều thủ tục không cần thiết, phiền hà nữa, tạo thuận lợi cho người dân. Như hồ sơ đi học của các cháu học sinh sẽ không cần giấy khai sinh gốc nữa".

Còn Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành rà soát các thủ tục hành chính có liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân”.

Thượng tá Trần Hồng Phú thông tin với báo chí.

"Đến nay, tổng số 124 TTHC có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, có phương án đơn giản hóa đối với 120 TTHC, trong đó, đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 25 TTHC, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 12 TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ của 81 TTHC, sửa nội dung 02 mẫu đơn, 13 tờ khai và đơn giản hóa 31 giấy tờ công dân. Theo đó, đã đề xuất rà soát bổ sung đối với 28 TTHC” - Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết thêm.

Cũng trong buổi tọa đàm, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát cho biết: “Hiện tại chúng ta đang quản lý dân cư thủ công thông qua sổ hộ khẩu; mọi giao dịch, xác thực, chứng thực cho công dân thì các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chính quyền đều yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, CMND để làm căn cứ thực hiện. Qua rà soát của Bộ Công an đến nay có 124 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, vì vậy đã gây phiền hà cho nhân dân”.

Đại tá Phùng Đức Thắng ở buổi tọa đàm.

Ngoài ra, Đại tá Phùng Đức Thắng cho biết: “Việc quản lý dân cư bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân đối với từng công dân là bước tiến vượt bậc trong công tác quản lý dân cư chuyển từ quản lý thủ công sang quản lý bằng công nghệ cao. Việc cập nhật thường xuyên, nhanh chóng việc thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú của công dân giúp cho công tác quản lý dân cư được tốt hơn.

Các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về Dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính công, các giao dịch mà không cần yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ có liên quan đến nhân thân khác của công dân.

Số định danh công dân được cấp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số định danh này như một địa chỉ số hóa của công dân, có thể lưu trữ và cung cấp mọi thông tin của cư dân một cách chính xác, điều này tạo thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính, không còn rườm rà, mất thời gian như trước đây.

Khi công dân có sự thay đổi về nơi thường trú, chúng ta có thể thực hiện thủ tục thay đổi nơi cư trú thông qua thông tin dựa trên mã số định danh này một cách nhanh hơn và chính xác hơn”.

Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội cho biết: “Sau khi Nghị quyết 112 của Chính phủ ban hành về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đó có vấn đề liên quan đến bỏ hình thức quản lý đăng ký thường trú bằng hộ khẩu thay thế bằng mã số định danh cá nhân, qua trao đổi và ý kiến trưc tiếp của người dân liên quan chức năng quản lý cư trú, nhiều người dân vui mừng vì được hạn chế, giảm bớt thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng về bảo đảm quyền lợi của mình khi không còn sổ hộ khẩu. Nhiều người dân lo lắng khi không còn sổ hộ khẩu thì con em mình học tập tại các trường như thế nào. Hiện trẻ em chưa được cấp căn cước công dân thì giấy tờ nào chứng minh thường trú tạm trú tại khu vực mình nhập học.

Vấn đề nữa người dân lo lắng là khi thông tin được điện tử hóa, tính chất bảo đảm bí mật cá nhân có được bảo mật không khi chia sẻ trên internet. Đó là những lo lắng mà chúng tôi ghi nhận thời gian qua".

Tiến Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-tuong-tran-van-ve-cap-chung-minh-nhan-dan-khong-can-don-xin-nua-post244678.info