Trung tướng Vũ Xuân Vinh và những dấu ấn với ngành đối ngoại quốc phòng

55 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước và quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt là danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân dịp tháng 5 này. Thành tích ấy là kết quả của những đóng góp, cống hiến, sự hy sinh và nỗ lực của thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác tại cục qua các thời kỳ.

Trong đó có dấu ấn ba nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị Cục trưởng Cục Đối ngoại của Trung tướng Vũ Xuân Vinh. Người mà lúc sinh thời, tôi có may mắn hai lần được trò chuyện.

Đi qua hai cuộc kháng chiến

Cuộc đời quân ngũ của Trung tướng Vũ Xuân Vinh bắt đầu từ khi ông là học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1 năm 1946. Vốn tốt nghiệp tú tài Trường Bưởi năm 1944, lại giỏi tiếng Pháp nên ông nhanh chóng tiếp thu kiến thức quân sự, là một trong những học viên xuất sắc của khóa. Kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ ông đều để lại dấu ấn, nhất là ở hai chiến dịch quyết định.

 Trung tướng Vũ Xuân Vinh.

Trung tướng Vũ Xuân Vinh.

Năm 1954, trong đội hình Đại đoàn 308, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ở Geneve ta tiến hành đàm phán thắng lợi thì ở trong nước, Hội nghị Quân sự Trung Giã-cuộc gặp tại chỗ giữa đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ tổng chỉ huy lực lượng liên hiệp Pháp bàn về các vấn đề ngừng bắn, trao trả tù binh và thực thi Hiệp định Geneve cũng diễn ra. Tham mưu trưởng Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) Vũ Xuân Vinh được cử làm thư ký trong phái đoàn của ta do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm trưởng đoàn. Nhận xét về ông, Đại tá Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, sĩ quan liên lạc kiêm phiên dịch tại Hội nghị Quân sự Trung Giã từng nói: “Anh Vinh là người quân sự, được đào tạo bài bản, lại kinh qua thực tế chiến đấu, nhưng khi làm công tác ngoại giao cũng rất chuyên nghiệp...”.

Việc chuyển sang làm “đối ngoại” của đồng chí Vũ Xuân Vinh như “tiên đoán” trước đó hơn 20 năm của nhà ngoại giao lão thành Lưu Văn Lợi. Bởi khi hoàn thành nhiệm vụ tại Hội nghị Quân sự Trung Giã, ông trở lại đơn vị một thời gian ngắn, được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh, rồi sang Liên Xô đào tạo tại Học viện Pháo binh-Tên lửa Leningrad và đã tốt nghiệp loại xuất sắc. Ông là một trong số ít sinh viên được học viện tặng huy chương vàng. Ông giữ nhiều cương vị quan trọng ở các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Và rồi lại ghi dấu ấn trong Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Đặc biệt, ông tham gia nghiên cứu, xây dựng tập tài liệu mang tên “Cuốn sách đỏ”-cẩm nang về cách đánh B-52 của Bộ đội PK-KQ. Thời điểm này, ông là Phó Tham mưu trưởng quân chủng.

Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ ngày đó là thành viên tổ biên soạn cuốn sách, kể: "Từ tháng 4-1972, khi không quân Mỹ đưa máy bay B-52 ra đánh phá Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... các đơn vị tên lửa của ta đã vào tận miền Trung nghiên cứu, phục kích, nhưng chưa bắn rơi chiếc máy bay B-52 nào. Thế rồi đồng chí Vũ Xuân Vinh được Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Tổ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 và huấn luyện tên lửa phòng không. Tổ gồm nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm. Nhiệm vụ rất khẩn trương, anh Vinh chỉ đạo chúng tôi rất sát sao, đồng thời yêu cầu tranh thủ ý kiến của chuyên gia Liên Xô và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng. Kết quả áp dụng thực tế thành công, Bộ tư lệnh quân chủng tiếp tục giao anh phụ trách “gánh hát rong” đến huấn luyện bổ sung cho các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trên giao trong thời gian gấp rút như vậy có đóng góp không nhỏ của anh”.

Và dấu ấn 15 năm…

Sau khi rời cương vị Chủ nhiệm Khoa Phòng không, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) đồng chí Vũ Xuân Vinh có 15 năm liên tục (từ năm 1980 đến khi nghỉ hưu năm 1995) đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Liên lạc đối ngoại (sau này là Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng). Ông cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy cục lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần củng cố tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em và mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cùng hoạt động đối ngoại của cả nước, khẳng định, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trung tướng Vũ Xuân Vinh cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng đón tiếp các đoàn khách quốc tế. Ảnh do gia đình cung cấp.

Ngược dòng lịch sử trở lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi đồng chí Vũ Xuân Vinh nhận nhiệm vụ mới cũng là thời điểm đất nước đứng trước nhiều khó khăn và thử thách. Hai cuộc chiến tranh biên giới đồng thời xảy ra, nhiều nước chưa thể hiện rõ quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ Việt Nam; Cục Liên lạc đối ngoại đang trong lộ trình thực hiện Đề án kiện toàn xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại quân sự giai đoạn 1980-1985… Những điều này đặt ra nhiều yêu cầu đối với cá nhân Cục trưởng Vũ Xuân Vinh và ngành. Thế nhưng với bản lĩnh của người đứng đầu cơ quan tham mưu chiến lược của bộ về công tác đối ngoại, đồng chí Vũ Xuân Vinh đã nhanh chóng đưa mọi việc vào quỹ đạo, khẳng định vị trí trọng yếu của ngành đối với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Hình ảnh người thủ trưởng mỗi khi tiếp đoàn khách quốc tế thường kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ, chuyện quân và dân ta đánh thắng siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ hay những câu chuyện về đối ngoại quốc phòng qua các thời kỳ để lại ấn tượng sâu sắc cho những cán bộ trẻ, như: Lê Văn Cầu, Nguyễn Bích Hiền… Là người phiên dịch lời kể của Cục trưởng Vũ Xuân Vinh cho bạn, nhiều khi gặp thuật ngữ “bí”, họ lại được thủ trưởng nhắc khéo bằng một từ tiếng Pháp. “Qua những câu chuyện như thế, thủ trưởng Vinh truyền đi thông điệp, những việc mà thế hệ đi trước đã làm được, và chúng tôi cũng như lớp sau này có trách nhiệm tiếp nối, thực hiện tốt hơn”, Thiếu tướng Lê Văn Cầu, nguyên Phó cục trưởng Cục Đối ngoại chia sẻ.

Đương thời, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đặc biệt quan tâm đến xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Trên cơ sở đề án được Bộ Quốc phòng phê duyệt, từ năm 1980, ngoài gửi cán bộ đi đào tạo ở Trường Đại học Ngoại giao và nước ngoài, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh chỉ đạo tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại. Đặc biệt, ngoài bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại, cục tập trung đào tạo ngoại ngữ. Chủ trương do Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đề ra là: Những người đã biết một ngoại ngữ rồi thì học thêm ngoại ngữ thứ 2, 3. Vì thế, không khí thi đua “học thêm" ngoại ngữ diễn ra rất sôi nổi trong đơn vị. Thời kỳ đó, cán bộ, nhân viên của cục ai cũng có cuốn sổ nhỏ ghi ngữ pháp, từ vựng để tranh thủ học ngoại ngữ.

Nhiều đồng chí từng công tác dưới thời Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đều có chung cảm nhận, đó là một vị tướng quyết đoán, đồng thời cũng là nhà ngoại giao xuất sắc. Những năm ấy, đối ngoại quân sự tập trung xây dựng mối quan hệ toàn diện với Liên Xô và các nước XHCN; đồng thời tích cực tìm cơ hội mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế. Dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Vũ Xuân Vinh, Cục Liên lạc đối ngoại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này. Tuy nhiên, khi nước ta lâm vào cảnh bị bao vây cấm vận, đối diện với những khó khăn lớn, theo yêu cầu của trên, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đã tham mưu từng bước thực hiện công tác ngoại giao quốc phòng, tiến tới dần xóa bỏ rào cản này với nhiều giải pháp hết sức sáng tạo. Dần dần ta tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, các nước trong khu vực bắt đầu xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng với ta, như: Singapore, Thái Lan… Cũng chính thời kỳ công tác của Trung tướng Vũ Xuân Vinh cho đến năm 1995, đối ngoại quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, bắt đầu từ việc chuyển vấn đề POW (tù binh chiến tranh) sang tìm kiếm MIA (quân nhân mất tích trong chiến tranh) hay những vấn đề nhân đạo như chương trình phẫu thuật nụ cười, được thực hiện những ca đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

Bên cạnh những dấu ấn trong chuyên môn, Trung tướng Vũ Xuân Vinh còn được coi là “người xây dựng cơ đồ” của Cục Đối ngoại ngày nay khi quyết định đề xuất việc đơn vị tham gia “làm kinh tế”. Sau năm 1990, CNXH ở Liên Xô và một số nước Đông Âu tan rã, dẫn tới sự suy yếu của phe XHCN. Lúc này, ta chủ trương mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước trong và ngoài khu vực. Trong lúc kinh tế đất nước ta còn khó khăn, việc đón tiếp khách nước ngoài diễn ra thường xuyên, ngân sách quốc phòng lại có hạn. Cục Đối ngoại đề xuất và được bộ cho phép mở nhà khách. Như vậy, vừa phục vụ được nhiệm vụ chính trị, lại tận dụng công năng kết hợp làm kinh tế tạo thêm kinh phí đóng góp cho ngân sách quốc phòng, tạo thêm việc làm cho một số nhân viên của cục nằm trong quân số giảm biên chế. Kết quả, từ 600 triệu tiền vốn “vay” của bộ, chưa đến 3 năm (theo yêu cầu), cục đã hoàn trả rồi nộp ngân sách ngày một phát triển. Công ty dịch vụ đối ngoại (một đơn vị làm kinh tế của Cục Đối ngoại) phát triển ổn định như ngày nay bắt nguồn từ nền tảng ban đầu từ những quyết định táo bạo của Trung tướng Vũ Xuân Vinh...

BÍCH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/trung-tuong-vu-xuan-vinh-va-nhung-dau-an-voi-nganh-doi-ngoai-quoc-phong-575138