Trung ương bàn những gì trong 15 hội nghị của khóa XII?

Trong 15 hội nghị Trung ương của khóa XII, 7 hội nghị tập trung cụ thể hóa, đưa nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống và 8 hội nghị bàn về công tác chuẩn bị Đại hội XIII.

Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XII có thể thấy dấu ấn trong hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương được thể hiện rõ qua 15 hội nghị Trung ương - nhiều hơn các khóa trước một hội nghị.

Theo đó, Trung ương tập trung vào hai nội dung chính: Các hội nghị nửa đầu nhiệm kỳ (từ Hội nghị Trung ương 2 đến 8) tập trung cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII để ban hành các nghị quyết chuyên đề, đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Từ Hội nghị 8 và 9, Trung ương bắt đầu bàn công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.

Zing ghi lại tổng kết, đánh giá của ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) về toàn bộ các hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ khóa XII.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII lần thứ nhất họp ngày 27/1/2016, diễn ra ngay trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Kết quả được công bố trước khi đại hội bế mạc.

Bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 2 (tháng 3/2016), Trung ương chính thức bắt đầu cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội XII để lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong đó, tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược.

Ngay ở Hội nghị Trung ương lần thứ 2, Trung ương đã thông qua Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước trung hạn, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Đồng thời, lúc này Trung ương giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước để kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII bầu và phê chuẩn, kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Đây là điểm mới so với Đại hội XI.

Hội nghị Trung ương 3 (tháng 7/2016) đã bổ sung, sửa đổi và ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; bổ sung, sửa đổi Quy định 45, Quyết định 46 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và ban hành Quy định 29 về Thi hành Điều lệ Đảng; Quyết định 30 về Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Cùng với đó, Trung ương giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 để kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV bầu và phê chuẩn.

'Trung ương có sự thống nhất, đồng thuận cao về nhân sự khóa mới' Ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) tin tưởng Đại hội XIII sẽ thành công trên cả 3 phương diện nhân sự, văn kiện và tổ chức phục vụ Đại hội.

Diễn ra vào tháng 10/2016, Hội nghị Trung ương 4 bắt đầu ban hành các nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII. Theo đó, Trung ương đã ban hành 3 nghị quyết, gồm:

Nghị quyết 04 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết 05 về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; Nghị quyết 06 về “Thực hiện có hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Tức là lúc này, Trung ương tập trung bàn về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) tiếp tục ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, gồm:

Nghị quyết 10 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Nghị quyết 11 về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Nghị quyết 12 về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả Doanh nghiệp nhà nước”.

Cả 3 nghị quyết này đều tập trung cho việc phát triển kinh tế.

Hồi tháng 10/2017, Hội nghị Trung ương 6 ban hành 4 nghị quyết chuyên đề là: Nghị quyết 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết 20 về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”; Nghị quyết 21 về “Công tác Dân số trong tình hình mới”.

Trong số này có 2 nghị quyết về xây dựng Đảng, 2 nghị quyết về văn hóa xã hội, phát triển con người.

Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5/2018) ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, trong đó một nghị quyết về xây dựng Đảng, hai nghị quyết liên quan cải cách tiền lương, BHXH, gồm: Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết 27 về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT, người lao động trong các doanh nghiệp” và Nghị quyết 28 về “Cải cách Chính sách Bảo hiểm xã hội”.

Đến tháng 10/2018, Hội nghị Trung ương 8 ban hành nghị quyết chuyên đề cuối cùng là Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cũng tại hội nghị này, Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đây là việc cụ thể hóa để thực hiện nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà nghị quyết Đại hội XII đề ra.

Đồng thời, Trung ương bắt đầu công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng bằng việc thành lập thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban và Tiểu ban Tổ chức, phục vụ Đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban.

Ngay sau đó, các tiểu ban bắt tay ngay vào làm việc với tinh thần, trách nhiệm rất cao. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng được tiến hành rất sớm, khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ và bài bản, bảo đảm dân chủ, khách quan.

Như vậy, đến Hội nghị Trung ương 8, Trung ương đã ban hành 14 nghị quyết chuyên đề và một quy định, trong đó 6 nghị quyết về phát triển kinh tế; 4 nghị quyết, một quy định về xây dựng Đảng và 4 nghị quyết về các lĩnh vực khác.

Việc ban hành các nghị quyết chuyên đề của Trung ương được tập trung vào các kỳ họp nửa đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XI và XII, nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương đều tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giải quyết đồng bộ cả 4 nội dung của công tác xây dựng Đảng là: Chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn tổ chức, chỉnh đốn cán bộ và công tác cán bộ, xây dựng Đảng về đạo đức.

Điều đó cho thấy, từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Từ Hội nghị Trung ương 8 đến Hội nghị Trung ương 15, Ban Chấp hành Trung ương tập trung vào việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng với nhiều nội dung mới cả về văn kiện và nhân sự so với Đại hội XII.

Hội nghị Trung ương 9 (tháng 12/2018) là hội nghị đột xuất để Trung ương bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đến Hội nghị lần thứ 10, Trung ương đã thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, gồm: Báo cáo Chính trị; Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung phát triển năm 2011); Báo cáo Kinh tế - xã hội 5 năm qua và phương hướng 5 năm tới; Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới (2021-2030); Báo cáo Tổng kết Công tác xây dựng Đảng và Thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Nội dung này tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 11 (10/2019).

Công tác nhân sự là nội dung được Hội nghị Trung ương 12 (tháng 5/2020) tập trung bàn thảo.

Sau khi có Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Ngoài ra, có 5 ủy viên Bộ Chính trị khác.

Đây cũng là một điểm mới so với khóa XII.

Tại Hội nghị lần thứ 12, Trung ương thông qua phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; quyết định số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng để sau đó Bộ Chính trị phân bổ về các cấp. Việc Trung ương có quy định rõ cụ thể, chi tiết tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội XIII cũng là một nét mới.

Ngoài ra, tại Hội nghị Trung ương 12 còn có nội dung ghi phiếu giới thiệu quy hoạch ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Tháng 5/2020, Hội nghị Trung ương 13 đã tiếp thu ý kiến và tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng trước khi gửi lấy ý kiến Quốc hội, MTTQ, các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Trung ương ghi phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đến Hội nghị Trung ương 14 (tháng 12/2020), Trung ương tiếp thu ý kiến của đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương; đại biểu Quốc hội; MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện để hoàn thiện lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng.

Song song với đó, Trung ương thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Chương trình làm việc, nội quy Đại hội XIII; quyết định thời gian tiến hành Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Diễn ra trong 1,5 ngày (16-17/1), Hội nghị Trung ương 15 là hội nghị cuối cùng của khóa XII để hoàn thiện các nội dung chuẩn bị cho Đại hội XIII.

Trong đó, Trung ương đã hoàn thiện công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các “trường hợp đặc biệt” và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước khóa XIII.

Cùng với đó, Trung ương xem xét báo cáo về các dự thảo Văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng; nhân sự Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội XIII của Đảng.

Qua 15 hội nghị Trung ương của nhiệm kỳ khóa XII có thể thấy công tác nhân sự của khóa mới được tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu rất kỹ lưỡng, chặt chẽ, bài bản, khoa học, đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch.

Đặc biệt, vì Bộ Chính trị chuẩn bị kỹ, Trung ương có sự thống nhất, đồng thuận cao nên các hội nghị Trung ương bàn về nhân sự đều kết thúc sớm hơn chương trình dự kiến.

Công tác chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIII được chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng, tập trung được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Với cách làm này, chúng ta tin tưởng Đại hội XIII sẽ thành công rất tốt đẹp trên cả 3 phương diện: Văn kiện, nhân sự và tổ chức phục vụ đại hội.

Và chắc chắn, Đại hội XIII sẽ sáng suốt lựa chọn ra được một Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, năng lực của toàn Đảng. Đội ngũ ấy cũng sẽ thực sự đoàn kết, thống nhất, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Hoài Thu ghi

Ảnh: Hồng Quang - TTXVNĐồ họa: Hà MyVideo: Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-uong-ban-nhung-gi-trong-15-hoi-nghi-cua-khoa-xii-post1175345.html