Trung ương yêu cầu đổi mới tư duy phòng, chống dịch

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Sáng 7/10, sau hơn 3 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc, hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung kinh tế - xã hội năm 2021-2022 và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Lùi thời điểm cải cách tiền lương

Về kinh tế - xã hội năm 2021-2022, Tổng bí thư nhắc đến đợt dịch bùng phát lần thứ 4 và cho biết do hậu quả nặng nề dịch để lại, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% - mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay.

Dự báo cả năm tăng trưởng chỉ đạt khoảng 3%, thấp so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).

Theo người đứng đầu Đảng, kinh tế - xã hội đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Dự báo nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2021 không hoàn thành được.

 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyên Phúc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyên Phúc.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, Tổng bí thư lưu ý còn nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.

Đặc biệt, việc dự báo, phân tích tình hình để xây dựng, triển khai phương án phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế.

Trong những tháng cuối năm 2021, Tổng bí thư nhấn mạnh cần khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hơn với thực tế tình hình và có tính khả thi cao.

“Tuyệt đối bình tĩnh, không được chủ quan, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng bí thư yêu cầu.

Tổng bí thư nêu dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

“Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối, do đó, cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt hoặc sống chung với dịch bệnh”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Ảnh: Nguyên Phúc.

Theo lãnh đạo Đảng, Trung ương yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp; đồng thời, sớm xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", đưa ra giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Đồng tình với mục tiêu và giải pháp cho năm 2022 mà Chính phủ đề ra, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến điểm mới là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Đồng thời, Trung ương bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.

Trong đó, Tổng bí thư nhấn mạnh nguy hiểm nhất là phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc sáng 7/10. Ảnh: Nguyên Phúc.

“Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”, Tổng bí thư nhắc nhở.

Lãnh đạo Đảng cho rằng từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu.

Trong thời gian tới, Trung ương nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Theo đó, Trung ương yêu cầu chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, phê phán việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm"; rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền…

“Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”, Tổng bí thư quán triệt.

Hội nghị Trung ương 4 cũng đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-bi-thu-nhieu-kho-khan-thach-thuc-co-the-keo-dai-sang-nam-2022-post1269026.html