Trước 'cao tốc 34.000 tỷ chi chít 'ổ gà' do mưa, loạt dự án VEC khiến ODA 'đội trần' gần 37.000 tỷ

Không chỉ 'ổ trâu, ổ gà' xuất hiện trên cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra một loạt dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có vi phạm về quy định vay vốn là một trong những nguyên nhân khiến cho trần giải ngân vốn ODA của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã 'thủng' khi vượt dự toán 36.950 tỷ đồng.

Dù mới thông xe hơn một tháng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện tình trạng bong tróc, sụt lún. (Ảnh: Zing)

Họp khẩn xử cá nhân sai phạm vì “ổ gà” chi chít cao tốc 34.000 tỷ

Những ngày qua, “ổ trâu, ổ gà” xuất hiện với mật độ dày trên cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi dù mới thông xe hơn một tháng. Theo đó, tại vị trí Km 45, Km 27, Km 28, Km 29 đoạn Đà Nẵng đi Tam Kỳ (Quảng Nam) xuất hiện nhiều "ổ trâu, ổ gà". Mỗi điểm bị bong tróc kéo dài từ 1 m đến khoảng 10 m.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng thừa nhận tình trạng bong tróc mặt đường trên tuyến đường này. Theo người này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do xe cộ lưu thông trên đường chảy dầu ra ngoài.

"Các ổ gà xuất hiện có thể do sau trận mưa đầu tiên gặp dầu gây ra. Một nguyên nhân nữa là xe chạy ở đây quá tải trọng. Tuyến đường mới đưa vào khai thác nên chưa bố trí các trạm cân. Chúng tôi sẽ sớm xử lý", vị đại diện này nói.

Tới ngày 10.10, đại diện chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xác nhận đoạn đường Tam Kỳ - Đà Nẵng có nhiều điểm bị bong tróc, xuất hiện ổ gà như VietNamNet phản ánh. Nhà thầu thi công đang cho khắc phục bằng cách vá mặt đường, hỏng chỗ nào vá chỗ đó.

Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Nguyễn Tiến Thành khẳng định: Sự cố như báo phản ánh chỉ là cục bộ, chưa xảy ra ở mức độ đại trà nên chưa thể kết luận do chất lượng công trình.

Ông Thành chỉ ra 3 nguyên nhân khách quan, nhiều khả năng là thủ phạm khiến mặt đường cao tốc mọc đầy ổ gà, đó là tải trọng xe, dầu diezel chảy tràn và nhất là nước mưa đọng trên đường.

Qua kiểm tra, đoạn cao tốc hướng Tam Kỳ - Đà Nẵng được ghi nhận có nhiều vị trí bị bong tróc, mỗi điểm xuất hiện 5 - 10 ổ gà lớn nhỏ. Cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi.

Nhiều vết ổ trâu trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sâu tới 8cm gây mất an toàn giao thông. (Ảnh: Đình Thiên)

Tới 11.10, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã yêu cầu tỉnh Quảng Nam và Bộ GTVT báo cáo về tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hư hỏng, chi chít ổ gà.

Báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân do thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều cơn mưa. Cùng đó, sau khi thông tuyến, nhiều xe tải trọng nặng chạy trên cao tốc gây ra tình trạng hư hỏng mặt đường như báo chí phản ánh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, khi thiết kế dự án, xây dựng cao tốc, phải tính toán tổng hợp đầy đủ các yếu tố tác động đến như thời tiết, lưu lượng xe, tải trọng lên mặt đường, kể cả động đất.

“Dự án mới thông xe đã xảy ra như vậy không thể chấp nhận được”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ GTVT phải có giải pháp, xử lý nghiêm việc này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo, Bộ GTVT đã cử một đoàn công tác trực tiếp vào giám sát hư hỏng tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoàn công tác sẽ có báo cáo về, căn cứ vào đây kết quả Bộ GTVT sẽ có giải pháp xử lý.

Ông Thể cũng khẳng định không thể có nguyên nhân do mưa nhiều hay thời tiết tác động làm hư hỏng mặt đường, cũng không phải do xe quá tải chạy dẫn đến đường hỏng mà đây là do chất lượng thi công.

Cùng ngày 11.10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) - chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Nguyên nhân cả hai bị phê bình là do đã chậm trễ trong xử lý các hư hỏng mặt đường của tuyến cao tốc; cung cấp thông tin trả lời báo chí và các cơ quan truyền thông không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm tạo dư luận không tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Hội đồng thành viên VEC chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các nội dung trên.

Tới ngày 12.10, Hội đồng thành viên VEC đã tổ chức họp phiên bất thường để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Trần ODA trung hạn “thủng” vì các công trình vượt dự toán của VEC

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có vi phạm về quy định vay vốn là một trong những nguyên nhân khiến cho trần giải ngân vốn ODA của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã “thủng” khi vượt dự toán 36.950 tỷ đồng, dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng) đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, báo cáo kết quả kiểm toán ngân sách của KTNN chỉ ra việc trần giải ngân ODA trung hạn đã bị vượt gần 37.000 tỉ đồng so với dự toán 300.000 tỉ đồng ban đầu.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước dẫn Báo cáo số 46/BC-BKHĐT ngày 25.1 của Bộ KHĐT cho biết nhu cầu vốn ngoài nước cần bổ sung thêm là 109.630 tỉ đồng, trong đó, khoản phát sinh nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỉ đồng.

Chi tiết hơn, Kiểm toán Nhà nước cho biết, khả năng giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngoài nước đã được giao kế hoạch trung hạn (không bao gồm khoản bổ sung để quyết toán cho các dự án sử dụng vốn ngoài nước từ năm 2016 trở về trước) có thể đạt 306.950 tỉ đồng, vượt 36.950 tỉ đồng so với hạn mức đã giao 270.000 tỉ đồng (đã trừ 10% dự phòng), vượt 6.950 tỉ đồng so với hạn mức vốn trung hạn Quốc hội đã thông qua là 300.000 tỉ đồng.

Các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cần được bổ sung dự toán khoảng 25.000 tỉ đồng, trong đó riêng dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM tăng khoảng 20.000 tỉ đồng.

Một số dự án chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp (4 dự án đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) trong trường hợp được Quốc hội chấp thuận cần được bổ sung 33.650 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn giao 22.010 tỉ đồng cho 4 dự án VEC chưa tuân thủ nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, vi phạm quy định về “Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước”, “Không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.

Các dự án của VEC được giao vốn gồm dự án đầu tư - xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 10.500 tỉ đồng; dự án đầu tư cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: 1.100 tỉ đồng; dự án đầu tư cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1): 710 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành: 9.700 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bộ KHĐT còn giao kế hoạch vốn năm 2016 cho 4 dự án đường cao tốc của VEC với số tiền 3.866 tỷ đồng: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 1.955 tỷ đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây 510 tỷ đồng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1) 145 tỷ đồng, cao tốc Bến Lức - Long Thành 1.256 tỷ đồng để chuyển đổi vốn vay ODA từ hình thức nhà nước cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp khi chưa có nghị quyết chấp thuận của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Nguyên Phương (Tổng hợp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/truoc-cao-toc-34000-ty-chi-chit-o-ga-do-mua-loat-du-an-vec-khien-oda-doi-tran-gan-37000-ty-920976.html