Trước cuộc tấn công tổng lực vào Idlib, Mỹ lại lộ tầm ảnh hưởng hạn chế ở Syria

Dường như Mỹ không có nhiều 'lực đòn bảy' trong bối cảnh một cuộc chiến tàn khốc giữa quân Chính phủ Syria cùng đồng minh với lực lượng nổi dậy sắp diễn ra tại tỉnh Idlib – nơi cuối cùng mà chính phủ Syria chưa nắm quyền kiểm soát.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích vào Al Habit, Idlib của Chính phủ Syria ngày 9/9. Ảnh: AFP

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích vào Al Habit, Idlib của Chính phủ Syria ngày 9/9. Ảnh: AFP

Cho dù Mỹ đã có những cảnh báo cứng rắn và bày tỏ lo ngại về một thảm họa nhân đạo, nhưng Tổng thống Donald Trump không có nhiều thế và lực để ngăn chặn Syria và hai đồng minh Nga, Iran thực hiện cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào tỉnh Idlib.

Mỹ đã cảnh báo hành động quân sự nếu xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Idlib. Tuy nhiên, những thông điệp không thống nhất về duy trì hiện diện Mỹ tại Syria cũng như việc Mỹ cắt viện trợ đã khiến tầm ảnh hưởng vốn hạn chế của Mỹ ở Syria thêm thu hẹp trong cuộc xung đột suốt 7 năm qua.

Theo hãng tin AP, chính quyền Mỹ đứng trước nguy cơ "lực bất tòng tâm" trong ngăn chặn kế hoạch tấn công tổng lực Idlib của Syria, Nga và Iran.

Ngày 8/9, máy bay chiến đấu của Syria và Nga đã nhằm vào khu vực phía nam của Idlib để không kích. Đây được coi là đợt không kích dữ dội nhất trong nhiều tuần qua với hơn 60 cuộc không kích.

Đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Syria trong tuần này cho biết Mỹ sẽ ở lại Syria cho tới khi nào hoàn toàn loại bỏ được nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng không có gì đảm bảo Tổng thống Trump sẽ không tìm cách rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Một dấu hiệu nữa cho thấy chính quyền Mỹ giảm cam kết ở Syria: Mỹ đã rút 200 triệu USD tiền bình ổn các khu vực đã được giải phóng và nói rằng các quốc gia khác cũng phải chi khoản này.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 8/9 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được coi là cơ hội cho giải pháp ngoại giao trước cuộc tấn công tổng lực ở Idlib. Ba quốc gia này cùng chống IS và ủng hộ một Syria ổn định, thống nhất nhưng khác nhau về cách thức thực hiện. Hội nghị đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận do Iran và Nga phản đối lời kêu gọi ngừng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi thảo luận số phận của Idlib, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tỏ ra cứng rắn, nói trước Hội đồng Bảo an rằng Mỹ sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào Idlib là một bước leo thang nguy hiểm cuộc xung đột ở Syria.

Bà Haley nói: “Nếu Tổng thống Syria Assad, Nga và Iran tiếp tục, hậu quả sẽ rất tàn khốc. Chính phủ ông Assad phải ngừng tấn công. Nga và Iran, vốn là các nước có ảnh hưởng với Syria, phải ngăn chặn thảm họa này”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter ngày 10/9: “Tổng thống Syria Bashar al-Assad không được liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib. Người Nga và người Iran sẽ mắc sai lầm nhân đạo nghiêm trọng khi tham gia vào thảm kịch nhân đạo tiềm tàng này. Hàng trăm nghìn người có thể bị giết. Đừng để điều đó xảy ra”.

Một ngày sau, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng lên Twitter và kêu gọi giải quyết cuộc xung đột thông qua tiến trình ngoại giao do Liên hợp quốc dẫn đầu. Tiến trình này vốn bị đình trệ nhiều năm nay. Đặc phái viên mới của Mỹ về Syria, James Jeffrey, nhắc lại thông điệp của Tổng thống Trump và khẳng định Mỹ sẽ sử dụng mọi công cụ để đáp lại một vụ tấn công hóa học.

Tuy nhiên, ngoài những lời cảnh cáo, đe dọa trên, chính quyền Mỹ chưa có một kế hoạch cụ thể nào về Syria.

Một công cụ khác của Mỹ là áp lực kinh tế. Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt với 9 người và công ty vì đã hỗ trợ chuyển vũ khí và nhiên liệu cho Syria. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt không đem lại kết quả như mong muốn kể từ khi được áp dụng lần đầu thời chính quyền của ông Barack Obama.

Thậm chí các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào chính quyền Syria cũng chỉ có ảnh hưởng hạn chế. Đã hai lần trước đó Mỹ dùng tên lửa đáp trả lại các vụ tấn công mà nước này cho là Syria đã dùng vũ khí hóa học. Các cuộc tấn công chớp nhoáng hầu như không ảnh hưởng gì tới vị thế của Chính phủ Syria.

Các quan chức và nhà phân tích sẽ theo dõi sát sao tình hình Syria trong tuần tới trước thềm cuộc đàm phán về Syria ở Geneva ngày 14/9 do Liên hợp quốc dẫn đầu.

Ông Nicholas Heras, một nhà phân tích Syria và là thành viên Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định: Idlib là cơ hội cuối cùng để Mỹ nâng cao ảnh hưởng ở Syria. Nếu tỉnh này thất thủ trước khi diễn ra đàm phán ở Geneva, nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong tham gia lại vào đàm phán hòa bình có thể sẽ thất bại. Ông Heras cho rằng đội ngũ của ông Trump đã chậm trễ trong hình thành một chính sách nhất quán về Syria. Ông nói: “Mỹ giống như đang tìm cách cứu một ngôi nhà đang cháy”.

Theo bình luận của tờ New York Times, làm gì tiếp theo ở Syria sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với Tổng thống Trump.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/truoc-cuoc-tan-cong-tong-luc-vao-idlib-my-lai-lo-tam-anh-huong-han-che-o-syria-20180912115902484.htm