Trước đá penalty, thắng thua được phân định nhờ bốc thăm, tung đồng xu

Tại vòng loại trực tiếp trong giải đấu bóng đá lớn như World Cup, yếu tố may rủi là một phần không thể thiếu. Nhiều trận, ai đi tiếp hay ra về được định đoạt sau màn sút penalty.

"Croatia là bậc thầy trong loạt sút sinh tử, họ chưa bao giờ thất bại trong việc đá luân lưu", tờ Marca từng dành từ ngữ khen ngợi khả năng sút penalty của “đội bóng caro”.

Luka Modric và đồng đội được biết đến là những cầu thủ sút 11m ấn tượng, mỗi khi trận đấu của họ phải phân định thắng thua bằng hình thức này.

Loạt sút từ chấm phạt đền này có hiệu lực trong các trận đấu loại trực tiếp, nếu hai đội vẫn hòa nhau sau 90 phút thi đấu chính thức và 2 hiệp phụ kéo dài 30 phút.

Một loạt sút luân lưu bắt đầu bằng 2 lần tung đồng xu - lần tung đầu tiên để xác định phần sân sẽ thực hiện màn sút luân lưu và lần thứ hai để xác định đội nào thực hiện trước.

Trước khi khán giả có những giây phút nín thở chứng kiến quả loạt sút cân não này và xem ai sẽ là bên đi tiếp, cách giải quyết các trận bóng có kết quả hòa có phần may rủi hơn. Tuy đá luân lưu vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng môn thể thao vua, đây vẫn được cho là cách hiệu quả, công bằng nhất ở thời điểm hiện tại.

 Các màn đá luân lưu phân định thắng thua thường đi kèm không ít nuối tiếc và tranh cãi. Ảnh: The Sun.

Các màn đá luân lưu phân định thắng thua thường đi kèm không ít nuối tiếc và tranh cãi. Ảnh: The Sun.

“Úp hay ngửa”

Tại Thế vận hội Olympic năm 1928 diễn ra trên đất Hà Lan, sau khi Uruguay đạt HCV bóng đá nam, Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA đã tổ chức một giải phụ, nhằm mục đích “an ủi” cho các đội bóng thua cuộc khác.

Theo ESPN, trong giải phụ này, đội bóng Hà Lan gặp Chile ở chung kết. Sau hai hiệp thi đấu chính thức, kết quả dừng ở tỷ số 2-2 và hai bên không biết xử lý thế nào tiếp. Cuối cùng, nước chủ nhà Hà Lan quyết định nhường phần thắng cho đối thủ.

Đến tháng 10/1968, trong khuôn khổ giải Vô địch Bóng đá Châu Âu lần thứ ba do UEFA tổ chức, trận bán kết giữa hai đội Italy và Liên Xô cũ cũng có kết quả hòa 0-0. Ban tổ chức quyết định tung đồng xu để xem đội nào giành quyền đi tiếp.

Senor Pujols, một quan chức UEFA khi đó, chịu trách nhiệm tung đồng xu. Đội trưởng đội bóng Liên Xô Albert Shesternyov chọn mặt úp nhưng mặt ngửa lại hiện lên, qua đó đội tuyển Italy trở thành bên chiến thắng.

Giành chiến thắng bằng đồng xu trước Liên Xô, Italy bước vào chung kết với Nam Tư, tiếp tục hòa 1-1. Nhưng lần này, hai đội quyết tái đấu vào 2 ngày sau. Kết quả chung cuộc, đội bóng xứ thiên chiến thắng với tỷ số 2-0, chính thức lên ngôi vương.

Về sau, đồng xu chỉ được sử dụng khi chuẩn bị trước trận đấu để phân định xem đội nào sẽ bảo vệ khung thành nào, ai sẽ kích bóng trước. Hoặc ngay trước màn đá luân lưu, trọng tài cũng tung đồng xu để xem đội nào thực hiện trước. Ảnh: The18.

Luật mới ra đời

Nếu cú sút penalty sớm ra đời từ cuối thế kỷ 19 bởi một thủ môn người Ireland tên William McCrum và chính thức trở thành luật 14 trong bóng đá vào năm 1891, thì việc dùng cách thức này để phân định thắng thua trong bóng đá phải đến thập niên 1970 mới được áp dụng.

Yosef Dagan - thư ký của Hiệp hội bóng đá Israel những năm 1960 - được xem là người nghĩ ra hình thức đá luân lưu hiện đại trong các trận đấu đấu loại trực tiếp.

Nguồn cơn bắt đầu từ việc trong Thế vận hội Olympic 1968 ở Mexico, đội tuyển Israel đã hòa 1-1 với đối thủ Bulgaria ở vòng tứ kết, nhưng bị loại sau màn bốc thăm may rủi.

Tức giận với kết quả trên, ông Dagan cùng với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Israel lúc bấy giờ là Michael Almog, đã viết một lá thư cho chủ tịch FIFA khi đó là Sir Stanley Rous.

Bức thư mô tả việc bốc thăm là “tàn nhẫn”, “thiếu công bằng” và đề xuất thể thức đá luân lưu gồm 5 quả phạt đền cho mỗi đội, nếu vẫn không có đội thắng thì tiếp tục đá luân lưu cho đến khi một đội sút hỏng và đội kia ghi bàn.

Nội dung lá thư được xuất bản trên tạp chí chính thức của FIFA vào năm 1969 và sau nhiều cuộc thảo luận, thể thức do người đàn ông Israel đề xuất đã được thông qua sau World Cup 1970.

Các cầu thủ Croatia ăn mừng sau khi chiến thắng sau loạt sút 11 m. Ảnh: Reuters.

Loạt sút cân não

Giải đấu quốc tế đầu tiên được phân định bởi đá luân lưu là chung kết giải Vô địch Bóng đá Châu Âu năm 1976. Cộng hòa Czech giành chiến thắng trước Tây Đức với tỷ số 5-3 sau khi hai đội hòa 2-2.

Từ World Cup 1978, luật đá luân lưu lần đầu đi vào sử dụng nhưng không có trận nào cần dùng đến thể thức này. 4 năm sau, trận bán kết giữa Pháp và Tây Đức chứng kiến Tây Đức thắng chung cuộc với tỷ số sít sao 5-4 sau màn penalty cân não.

Theo thống kê của FIFA, tổng cộng có 31 trận đấu của giải Vô địch Bóng đá Thế giới đã được quyết định thông qua các quả phạt đền, tính đến trước khi giải đấu vào năm 2022 diễn ra, bao gồm cả các trận chung kết năm 1994 và 2006.

Trận chung kết World Cup đầu tiên được quyết định bằng loạt sút luân lưu diễn ra tại Mỹ năm 1994 với Brazil và Italy đối đầu để tranh chức vô địch. Sau trận hòa không bàn thắng, Brazil đã đánh bại đối phương với kết quả 3-2.

Ở World Cup 2006, Italy thắng Pháp 5-3 trong loạt đá 11 m, sau khi hòa 1-1 sau hiệp phụ.

Bốn giải đấu World Cup đã chứng kiến tới 4 loạt sút luân lưu để phân định các trận đấu, với các năm 1990, 2006, 2014 và 2018. Trước khi Croatia cân bằng thành tích, người Đức từng thắng cả 4 loạt luân lưu tại World Cup, cả với tư cách là Tây Đức và với tư cách là một quốc gia thống nhất.

12 quả phạt đền đã được thực hiện giữa Đức và Pháp vào năm 1982, trở thành loạt sút luân lưu dài nhất trong lịch sử World Cup. Anh, Italy và Tây Ban Nha từng thua 3/4 trong những lần họ phải tham gia vào loạt sút penalty cuối trận, tính đến trước World Cup 2022.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truoc-da-penalty-thang-thua-duoc-phan-dinh-nho-boc-tham-tung-dong-xu-post1385499.html