Trước hết, doanh nghiệp phải tự lớn

Đó là những minh chứng khá rõ cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thực sự có những chuyển biến sau nhiều nỗ lực của nhà quản lý trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng DN. Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự chuyển biến của môi trường kinh doanh đang tạo động lực, khiến cộng đồng DN trở nên hào hứng và sôi nổi hơn khi bước chân vào thương trường.

Doanh nghiệp FDI vẫn chưa đóng góp vào ngân sách như kỳ vọng.

PV: Thế nhưng những con số này có nói hết sự thật khi vẫn còn quá khó để đo đếm tác động của chúng tới hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp (DN) hiện nay, mà chủ yếu là cộng đồng DN vừa và nhỏ. Chẳng hạn, thuế, phí của Việt Nam đang chiếm tới 38,1% trong tổng số lợi nhuận, hay những than thở của DN về các rào cản thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vẫn còn dai dẳng, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Sinh: Đúng là, nếu so với các nước phát triển như Mỹ, EU… thì thuế thu nhập DN của Việt Nam không phải quá cao. Tại Mỹ, thuế thu nhập DN lên đến 35%, trong khi ở Việt Nam, cao nhất mới là 20%, ở một số ngành hàng, mức thuế này còn giảm xuống 17%.

Thậm chí, một số lĩnh vực, để khuyến khích, thu hút sự tham gia của giới DN ngoại, tôi cho là mức thuế này cũng sẽ còn giảm tiếp. Tuy vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận một vấn đề, mặc dù cải cách thủ tục hành chính của chúng ta đã có những đột phá nhất định, song so với nguyện vọng của cộng đồng DN và người dân thì vẫn chưa được thỏa mãn, chưa thực sự tạo điều kiện, thông thoáng và cộng đồng DN, người dân vẫn luôn mong muốn Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, sự cải thiện trong môi trường kinh doanh của chúng ta đã thực sự bền vững hay chưa thì vẫn còn phải được mổ sẻ một cách chi tiết. Tôi chỉ nêu ra một thực tế như thế này: Nhìn lại năm 2017, có đến hơn 120.000 DN được thành lập mới, mặc dù đây được coi là một con số kỷ lục đấy, nhưng thực tế lại có tới trên 50% DN trong số phải tạm ngưng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản.

Thực trạng này cũng có nhiều nguyên nhân, như DN thành lập ra nhưng không đủ năng lực để hoạt động, song về bản chất thì vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn đó những rào cản mà chúng ta không thể nhìn thấu hết được. Trên thực tế, con số thống kê cho biết, toàn bộ số DN vẫn đang hoạt động hiện nay, chỉ có khoảng 43% DN là làm ăn có lãi, còn lại vẫn chỉ ở tình thế cầm cự, hòa vốn, thậm chí là thua lỗ.

Ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, có nhiều ý kiến quan ngại rằng, phần đóng góp của khu vực DN này vào ngân sách Nhà nước chưa được như kỳ vọng. Ý kiến của ông?

-Chúng ta không thể phủ nhận việc các DN FDI cũng đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, các DN FDI vào đầu tư tại Việt Nam sẽ mang theo những công nghệ mới, tiên tiến nhất của họ. Thứ hai, DN FDI sẽ sử dụng người lao động Việt Nam.

Thực tế, tại nhiều địa phương, các DN FDI đã và đang thu hút hàng ngàn lao động của chúng ta, góp phần giải quyết rất nhiều tình trạng thất nghiệp ở các địa phương. Và điểm cuối cùng, các DN Việt Nam hiện nay đã và đang dần đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo chuỗi của các DN FDI. Đó chính là các tác động lan tỏa giữa hai khu vực DN.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình trạng một số DN FDI đã lợi dụng sự cởi mở của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế làm thất thu nguồn ngân sách, thậm chí nhiều DN còn thiếu trách nhiệm đối với môi trường, xả thải không kiểm soát gây ô nhiễm…

Trong Dự thảo chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trọng tâm nhấn vào việc thu hút đầu tư có lựa chọn, chất lượng hơn… chắc chắn sẽ triệt tiêu được thực trạng này.

Ông Đỗ Văn Sinh.

Thưa ông, khi nhìn vào các chỉ số trong EDBI - chỉ số lợi nhuận kinh doanh, mặc dù tăng 14 bậc nhưng 2 chỉ số cơ bản về Khởi đầu kinh doanh (Starting Business) và Thủ tục phá sản (Resolving Insolvency) của Việt Nam lại xếp ở thứ hạng chưa tốt. Đơn cử về thủ tục phá sản, Việt Nam đứng thứ 129/190 nền kinh tế được đánh giá, tạo ra cảm nhận vấn nạn DN “muốn chết cũng khó”, ông thấy sao về điều này?

-Đúng là có câu chuyện này, và mặc dù chúng ta có thăng hạng ở những chỉ số trong lợi nhuận kinh doanh nhưng hai chỉ số cơ bản lại thấp. Sở dĩ chúng ta đứng ở thứ hạng thấp các chỉ số đó, là do các DN Việt Nam vẫn có những nghĩa vụ và trách nhiệm chưa hoàn thành.

Liên quan đến câu chuyện DN “muốn chết cũng khó” là bởi, nhiều DN chưa nộp hết thuế cho Nhà nước, và như vậy, DN không được phép tuyên bố phá sản. Đây là một thực tế mà lâu nay vẫn tồn tại, câu chuyện “muốn chết cũng khó” của DN nếu nhìn từ bên ngoài thì rất đơn giản, song thực tế đằng sau mỗi số phận của các DN còn rất nhiều điểm nghẽn, khúc mắc mà chúng ta không thể nói hết được.

Vậy theo ông, chúng ta sẽ phải làm gì để những “điểm mờ” nói trên được tháo gỡ, để các DN của Việt Nam thực sự hào hứng bước khi bước vào thương trường, thưa ông?

-Tôi nghĩ, để các DN của chúng ta có sức khỏe và khỏe thật sự phải phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, khi Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, địa phương đã tạo điều kiện thông thoáng và cởi mở, thì bản thân mỗi DN cũng phải có năng lực thực sự về quản trị và vốn, chọn những ngành nghề, lĩnh vực mà mình có thế mạnh.

Nhìn vào thực tế thì hiện nay những yêu cầu này, nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được, đặc biệt là trong khả năng quản trị và quy mô vốn. Đây cũng là câu chuyện lâu nay chúng ta nhắc đến nhiều: Chỉ vì thiếu vốn, thiếu khả năng quản trị nên các DN cứ nhỏ mãi, không thể lớn được.

Thêm nữa, Chính phủ, nhà quản lý đang rất quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, đã và đang “mở bung” tất cả các cơ chế cho DN tự do hoạt động kinh doanh, thì mỗi DN cũng phải nâng cao ý thức của mình, tuân thủ pháp luật, đóng thuế, phí, bảo vệ môi trường, đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Nếu mỗi DN đều ý thức được như vậy, nền kinh tế mới thực sự ổn định và phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Khang - Việt Anh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/truoc-het-doanh-nghiep-phai-tu-lon-tintuc400964