'Trước khi sản xuất, phải xem thị trường ở đâu'

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành gần 3 tiếng tham dự Hội nghị đối thoại với nông dân...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ với các nông dân tại buổi đối thoại

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành gần 3 tiếng tham dự Hội nghị đối thoại với nông dân với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới", diễn ra tại Hải Dương ngày 9/4.

Được mùa rớt giá chỉ là sự việc nhỏ lẻ

Tại đây, những người nông dân được trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc như đầu ra cho nông sản, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm…

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều quan trọng nhất của cuộc gặp là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Có những điều chưa thể giải quyết ngay nhưng định hướng chính sách là rất quan trọng.

Một thực tế được nêu ra ngay đầu buổi đối thoại là tháng 3 vừa qua, nhiều nông dân đã phải ngậm đắng nuốt cay khi hàng loạt hàng nông sản rớt giá, như mướp đắng, dưa chuột, đậu cô-ve giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, hành tím 5.000 đồng/kg, thậm chí cả hoa ly cũng chỉ 2.000 đồng/cành, su hào 1.000 đồng/củ... Vì vậy, vấn đề thị trường và đầu ra cho nông sản được nhiều nông dân quan tâm đặt câu hỏi nhiều nhất cho Thủ tướng.

Chủ tịch phải dành thời gian đối thoại với nông dân

Sau gần 3 tiếng đối thoại, Thủ tướng “chốt” lại nhiều vấn đề quan trọng. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi nông nghiệp là mặt trận quan trọng. Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Cho rằng khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến sử dụng, thu hồi đất, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt hơn công tác này, nhất là tăng cường đối thoại, để giữ gìn bình yên ở nông thôn. “Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện, xã phải dành thời gian đối thoại với nông dân, chứ không chỉ Thủ tướng và các Bộ trưởng”, Thủ tướng chỉ đạo.

Nông dân Tăng Xuân Trường (huyện Gia Lộc, Hải Dương) nhắc đến tình trạng dư thừa, ế nông sản và cho biết, bản thân vừa sản xuất vừa làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu nên nhận thấy điểm yếu lớn nhất của mình là khâu tổ chức sản xuất. “Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo đúng hướng nhưng không biết bao giờ tình trạng này mới thay đổi?”, ông Trường băn khoăn.

Trực tiếp trả lời câu hỏi này, Thủ tướng đánh giá, từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi, sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục. “Những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải, mía chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước”, Thủ tướng khẳng định.

Về giải pháp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp với kỳ vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, khi sản xuất cái gì đó thì câu hỏi đặt ra trước tiên là thị trường ở đâu, không phải chỉ sản xuất cái mình có mà phải là sản xuất cái thị trường cần. Cần có sự liên kết, cần xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào.

Nông dân Đặng Thị Dịu (ở Móng Cái, Quảng Ninh) chia sẻ nỗi lo lớn khi người nông dân bế tắc vì liên tục rơi vào cảnh trồng rồi lại không tiêu thụ được. Bà muốn biết chính sách định hướng và thông tin thị trường giúp nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường được Thủ tướng giao trả lời câu hỏi này đã cho biết, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu, phấn đấu có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa, theo Bộ trưởng cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi, liên kết thêm nhiều vệ tinh xung quanh.

Giải quyết vướng mắc về vốn cho nông dân

Nông dân Đoàn Xuân An ở Tuyên Quang đánh giá Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhưng điệp khúc “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” vẫn cứ diễn ra. “Vậy giải pháp nào cho việc này, Chính phủ có chủ trương đầu tư kho bảo quản cho nông dân không?”, ông đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời và nhận định, việc một số sản phẩm của chúng ta bị ùn ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kênh không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch. Đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn siết chặt chúng ta lập tức gặp khó khăn. Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới.

Một vấn đề khác được các nông dân quan tâm là vay vốn sản xuất. Từng có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân Tô Hiến Thành (Bắc Giang) chia sẻ khó khăn về vốn. Để duy trì sản xuất, ông phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Ông muốn biết Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp không? Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn? Cùng sự quan tâm, nông dân Võ Quan Huy (Long An) cũng bày tỏ khó tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng.

Thủ tướng giao Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cải cách tốt nhất xem vì sao không vay được. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sẽ trực tiếp làm việc cùng các nông dân trên và các ngân hàng thương mại trong tuần tới để giải quyết vướng mắc.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/truoc-khi-san-xuat-phai-xem-thi-truong-o-dau-d251272.html