Trước khi Tổng giám đốc bị bắt, Tâm Lộc Phát kinh doanh thế nào?

Với 'hệ sinh thái' gồm nhiều doanh nghiệp liên quan, lãnh đạo Công ty Tâm Lộc Phát dễ dàng tạo dựng sự tin tưởng nơi các nhà đầu tư, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo báo cáo tài chính năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát (Tâm Lộc Phát) không phát sinh doanh thu trong năm, chi phí quản lý kinh doanh 4,7 triệu đồng khiến cả năm 2020 công ty ghi nhận lỗ 4,7 triệu đồng. Về tài sản, tổng tài sản của Tâm Lộc Phát trong năm 2020 đạt 22,2 tỷ đồng trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm phần lớn đến 99,5% tương đương 22,1 tỷ đồng, 100 triệu đồng còn lại đến từ các khoản phải thu ngắn hạn.

Năm 2021 trong bối cảnh cả nước đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, giãn cách xã hội được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, Tâm Lộc Phát cho biết đã “thành công vượt qua bão Covid-19 và trả tiền lời đầy đủ cho nhà đầu tư”. Thực tế, doanh thu cả năm đạt 0 đồng; chi phí quản lý kinh doanh 4 triệu đồng; chi phí khác 240 nghìn đồng. Tổng kết năm 2021, Tâm Lộc Phát có lợi nhuận sau thuế âm [-] 4,24 triệu đồng.

Theo lời tự giới thiệu, Tâm Lộc Phát hoạt động trong nhiều lĩnh vực

Tài sản trong năm 2021 của Tâm Lộc Phát không có nhiều thay đổi khi chỉ giảm nhẹ 4 triệu đồng, tổng tài sản của công ty vẫn ở mức 22,2 tỷ đồng với chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 99,5% tổng tài sản.

Sang năm 2022, doanh thu cả năm của doanh nghiệp đạt 467,5 triệu đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính 273.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại cao bất thường gấp 2 lần doanh thu cả năm của Tâm Lộc Phát ở mức 1,03 tỷ đồng. Với chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn, tổng kết năm 2022 Tâm Lộc Phát tiếp tục lỗ 565,7 triệu đồng.

Xét về tài sản của Tâm Lộc Phát trong năm tài chính 2022, tiền và các khoản tương đương tiền vẫn là thành phần chủ yếu trong 24,49 tỷ đồng tổng tài sản của công ty với tỷ lệ 84,7%, tương đương 20,75 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2022 đã tăng 10 lần so với năm 2021 lên mức 0,99 tỷ đồng; hàng tồn kho 2,56 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhìn vào báo cáo tài chính của 3 năm 2020 tới 2022, tài sản dài hạn của công ty này đều là con số 0 tròn trĩnh, trong khi ngành nghề kinh doanh được mở rộng rất đa dạng.

Tuy nhiên, mới đây khi 2 lãnh đạo Tâm Lộc Phát là Nguyễn Thị Khuyên (Tổng Giám đốc) và Văn Đình Toàn (Phó Tổng Giám đốc) bị bắt với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, công ty này đã huy động được hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Trong đó, Nguyễn Thị Khuyên, Văn Đình Toàn bị cáo buộc đã chiếm đoạt hơn 61 tỷ đồng của 18 nhà đầu tư đã có đơn tố giác.

Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn (Ảnh: Công an Hà Nội).

Tháng 6/2019, hai đối tượng là Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn cùng một người khác thành lập Công ty TNHH truyền thông Tâm Lộc Phát, sau đó đổi tên thành Tập đoàn Tâm Lộc Phát.

Các đối tượng dựng mô hình công ty kinh doanh siêu thị tiện ích, công ty sản xuất, kinh doanh quần áo thời trang, đầu tư bất động sản… và sử dụng pháp nhân Tập đoàn Tâm Lộc Phát để huy động tiền của các nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng góp vốn.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Khuyên còn đại diện cho một nhóm doanh nghiệp khác cùng các cổ đông đang góp vốn tại Tâm Lộc Phát. Các doanh nghiệp này liên tục được mở ra trong thời gian ngắn và có cơ cấu cổ đông góp vốn tương tự nhau.

Có thể kể đến như: Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Việt Nam, địa chỉ tại thành phố Ninh Bình. Doanh nghiệp này thành lập tháng 5/2022, vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông tương tự như Tâm Lộc Phát khi 2 cổ đông Văn Đình Toàn và Bùi Thị Minh Nguyệt cùng giữ 15% tỷ lệ sở hữu. 70% tỷ lệ sở hữu còn lại thuộc về cổ đông Bùi Thị Khuyên.

Doanh nghiệp thứ 2 trong hệ sinh thái nêu trên là Công ty CP thời trang Talofa Việt Nam, thành lập tháng 9/2022, địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Trong đó cơ cấu về vốn và tỷ lệ sở hữu của các cổ đông cũng được tổ chức hoàn toàn giống các doanh nghiệp cùng "nhà".

Tiếp đó, Công ty CP Truyền hình Tâm Lộc Phát TV thành lập tháng 3/2023, cũng trên địa bàn quận Hà Đông. Doanh nghiệp có ngành nghề chính là môi giới thương mại, tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại này được đăng ký vốn điều lệ là 68 tỷ đồng, Nguyễn Thị Khuyên vẫn là người nắm giữ tỷ lệ sở hữu cao nhất với 70%.

Minh Châu (t/h)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/truoc-khi-tong-giam-doc-bi-bat-tam-loc-phat-kinh-doanh-the-nao-1981379.html