Trước Momo Challenge, Youtube đã nhiều lần 'chữa cháy' truyền thông

Google, ngoài những lời né tránh trách nhiệm rằng không nhận thấy có sự xuất hiện trở lại của video hướng dẫn tự sát Momo Challenge trên Youtube, cũng chẳng có cách xử lí nào hay hơn là… chờ dư luận phản ánh video độc hại tới đâu thì gỡ bỏ đến đó.

YouTube đến hẹn lại lên rộ những nội dung độc hại.

Youtube lâu nay ngoài bộ lọc cho dù đã được tăng cường với những công nghệ mới nhất thời truyền thông số là học máy (ML), trí tuệ nhân tạo (AI).v.v… để kiểm duyệt nội dung đưa lên nền tảng video này, còn tận dụng công sức của người dùng. Người dùng có thể sử dụng tính năng báo cáo hoặc cắm cờ đối với các clip có nội dung không phù hợp và Youtube ghi nhận xem xét xử lí.

Với qui trình này, hầu hết trong các vụ việc lớn và nghiêm trọng Youtube đều đi sau xử lí kiểu chữa cháy.

Trên nền tảng Youtube hiện nay, mỗi phút có khoảng 400 giờ nội dung được tải lên, hàng triệu website video cũng phụ thuộc vào nền tảng này. Một khối lượng nội dung khổng lồ đương nhiên đặt ra thách thức lớn về sự kiểm soát nội dung. Tuy nhiên, sau rất nhiều vụ việc nổi cộm với nội dung video clip không phù hợp, Youtube đành phải thú nhận rằng không thể xử lí triệt để 100%.

Đó là thú nhận của vị giám đốc kinh doanh của Youtube khu vực Châu Âu và Châu Phi rằng “không hệ thống nào hoàn hảo 100%”. Còn Chủ tịch Eric Schmidt của Alphabet – Cty mẹ của Google và Youtube - thú thực “không thể đảm bảo việc quảng cáo trên Youtube luôn “sạch”.

Tháng 11.2017, một làn sóng tẩy chay quảng cáo trên Youtube do một loạt tập đoàn và Cty lớn tiến hành, gồm Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG… Còn trước đó là những Cty như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal, BBC...

Làn sóng tẩy chay này bắt nguồn từ việc Youtube để lọt nhiều video có nội dung tin giả, mang tư tưởng ấu dâm, các clip khiêu dâm… ảnh hưởng đến trẻ em.

Đến đầu năm 2018, Unilever – tập đoàn hàng đầu về sản xuất hàng tiêu dùng của Anh - đã yêu cầu cả Google và Facebook phải dẹp những video tin giả, phân biệt chủng tộc và cực đoan tràn lan trên Youtube.

Trước vụ quái vật Momo, Youtube đã nhiều lần phải xử lí kiểu chữa cháy.

Tuy nhiên cả hai đợt trên, Google cam kết sẽ chấn chỉnh, dù có đưa ra những phương thức kiểm soát chặt hơn với sự hỗ trợ của công nghệ mới, song vẫn còn đó những vấn đề nghiêm trọng mà Momo Challenger lộ diện vào tháng 8.2018 chính là một điển hình.

Tiếng là Youtube cung cấp dịch vụ video miễn phí. Nhưng thực chất, việc xem và sử dụng miễn phí từ người dùng và người làm video chính là đã trả phí cho Youtube, thậm chí còn giúp Youtube làm giàu. Từ lượt views của người dùng trên Youtube giúp cho nền tảng này hái ra tiền, đóng góp lớn vào thị phần quảng cáo trực tuyến hơn 30% của tập đoàn này với hàng chục tỉ USD lợi nhuận mỗi năm.

Các đợt “chữa cháy” của Youtube nói riêng và Google nói chung đến hẹn lại lên có nghĩa là các sự cố nội dung nghiêm trọng trên Youtube cứ liên tục diễn ra. Lần này là Momo Challenge. Dù video này không trở lại thì những hình ảnh quái vật Momo cũng đã xuất hiện ở nhiều clip trên Youtube qua nhiều ngõ ngách, còn những đoạn nội dung chỉ cách cứa cổ tay cho trẻ thì ẩn trong các video hoạt hình được trẻ em yêu thích…

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/truoc-momo-challenge-youtube-da-nhieu-lan-chua-chay-truyen-thong-660629.ldo