Trước nguy cơ phá sản, cổ phiếu Gang thép Thái Nguyên 'tê liệt'

Trong phiên giao dịch ngày 22.4, cổ phiếu TIS của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đã 'tê liệt' thanh khoản sau những thông tin không mấy khả quan về tình hình pháp lý, tài chính cũng như sản xuất kinh doanh của công ty thời gian gần đây.

Tình hình tài chính của Tisco đang đứng trước tình trạng vô cùng khó khăn

Tình hình tài chính của Tisco đang đứng trước tình trạng vô cùng khó khăn

5 cựu lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu TIS "tê liệt"

Trong buổi sáng giao dịch ngày đầu tuần (22.4), cổ phiếu TIS của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đã rơi vào trạng thái "tê liệt" thanh khoản do không có giao dịch nào diễn ra.

Mã này có dư mua giá thấp nhưng lại chỉ có lệnh đặt bán tại giá tham chiếu, cung - cầu không gặp nhau nên đã không xảy ra giao dịch. Hiện tại, mức giá cổ phiếu TIS đang là 10.500 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Tisco.

Theo đó, 5 nguyên lãnh đạo của công ty này đã bị bắt bao gồm: Ông Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tisco về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Tisco về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Tisco về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, tiến hành điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi tài sản bị thiệt hại.

Tisco 'dính' loạt sai phạm

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô đầu tư 8.104 tỉ đồng được Tisco thực hiện xây dựng năm 2008. Sau gần một thập niên xây dựng, hiện nhà máy đang "đắp chiếu", và nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước.

Các hạng mục chính của dự án này hiện vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng.

Ngày 20.2.2019 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị Tisco đã thanh toán cho dự án là 4.421,522 tỉ đồng; tổng dự nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896,838 tỉ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.

Tisco đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án.

Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), kết luận thanh tra chỉ ra, VNS là đại diện chủ sở hữu vốn tại Tisco nhưng VNS không làm đầy đủ trách nhiệm, đã có vi phạm, khuyết điểm như: chấp thuận nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong đó công suất thiết kế chưa đúng với quy định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (sau đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung).

Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm thuộc Tisco. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân thuộc văn phòng Chính phủ có khuyến điểm, sai phạm.

Giao Bộ Công Thương theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS)...

"Mắc kẹt" tại dự án, đứng trước nguy cơ phá sản

Lãnh đạo Tisco từng "thừa nhận" Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa được tái khởi động đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của công ty, uy tín doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người lao động trong công ty.

Một báo cáo của Tisco được công bố mới đây tiết lộ tình hình tài chính của công ty này đang lâm vào tình trạng "cực kỳ khó khăn", nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản là hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, vốn điều lệ của Tisco tới cuối năm 2018 gần 1.937 tỉ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm khoảng 82% cơ cấu vốn, vốn chủ sở hữu chiếm 18% tổng nguồn vốn. Ban kiểm sát đánh giá nợ phải trả quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu nguồn vốn của công ty là không an toàn.

Ngoài ra, khả năng thanh toán của công ty hiện là 0,7 lần, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính "đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn".

Theo đánh giá thì những khó khăn mà Tisco đang gặp phải, ngoài nguyên nhân phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, phần lớn là do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.

Cụ thể, Tisco đã phải đối mặt với vướng mắc lớn bởi dự án mở rộng giai đoạn 2 đã dừng triển khai từ giữa năm 2013 tới nay, khi chưa hoàn thành đầu tư với nhiều tồn tại, vướng mắc chưa nhìn thấy lối ra.

Dự án dù đang do nhà thầu nước ngoài triển khai và chưa bàn giao cho phía chủ đầu tư, nhưng lại đang phải tạm dừng để chờ ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về nhiều vấn đề mà chủ đầu tư không thể toàn quyền quyết định do Nhà nước đang nắm tới 65% vốn điều lệ.

Từ năm 2011, Tisco đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án cho các ngân hàng. Tới thời điểm đầu tháng 6.2018, Tisco đã trả gốc và lãi tới 1.313 tỉ đồng. Tổng số tiền đã chi cho dự án là 1.531 tỉ đồng, khiến Tisco phải vay thêm vốn để bù đắp vốn lưu động, đảm bảo sản xuất - kinh doanh của phần còn lại, khiến chi phí tài chính tăng cao.

Tại thời điểm năm 2017, tổng giá trị tài sản dài hạn của Tisco là 6.178 tỉ đồng, trong đó có 4.851 tỉ đồng (chiếm 78,5%) là phần xây dựng dở dang thuộc dự án mở rộng giai đoạn 2, nhưng không tham gia sản xuất - kinh doanh, khiến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp giảm mạnh.

Điều này khiến sản xuất - kinh doanh của công ty từ năm 2017 đến nay giảm sút, nhất là lợi nhuận. Hiện thị phần của Tisco đã giảm từ 18% vào năm 2013 xuống còn 14,2% trong năm 2018.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/truoc-nguy-co-pha-san-co-phieu-gang-thep-thai-nguyen-te-liet-111749.html