Trước thềm COP-28

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đang có chuyến thăm vùng Nam Cực - nơi băng tan chảy ở mức kỷ lục nhằm truyền gửi thông điệp mạnh mẽ đến Hội nghị biến đổi khí hậu COP-28 sắp diễn ra tại Dubai.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres tại Nam Cực. Ảnh: AFP

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP-28) diễn ra tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 - 12/12. COP-28 là nơi các chính phủ sẽ giải quyết các cam kết để giảm lượng khí thải làm nóng lên hành tinh.

Ngày 23/11, đặt chân đến vùng Nam Cực trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói thế giới đang chứng kiến sự tăng tốc của băng tan có sức tàn phá khủng khiếp, nơi được coi là "người khổng lồ đang ngủ quên". Ông Antonio Guterres nói: "Nam Cực đang thức tỉnh và thế giới phải thức tỉnh".

Bởi vậy, nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cho rằng COP-28 là cơ hội để các quốc gia quyết định loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong khung thời gian thích hợp nhằm ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.

Các quốc gia cần đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo hơn, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các mạng lưới và công nghệ hiện có, song song với việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Ông Antonio Guterres lưu ý COP-28 phải là nơi để khẩn trương thu hẹp khoảng cách về tham vọng khí hậu khi lượng khí thải tiếp tục gia tăng và tình trạng hỗn loạn về khí hậu ngày càng gia tăng, đè nặng lên các cộng đồng trên khắp thế giới với lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán ngày càng khốc liệt.

Bầu khí quyển nóng lên và nhiệt độ đại dương đang khiến băng ở Nam Cực tan chảy trong khi lục địa đóng băng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu trái đất, phản chiếu ánh sáng mặt trời và điều khiển các dòng hải lưu lớn.

Lượng băng tại Nam Cực đang tan chảy ở mức kỷ lục. Ảnh: AFP

Những năm gần đây, các nhà khoa học liên tục cảnh báo lượng băng tại Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như nghiên cứu công bố trên Science Advances vào tháng 10 vừa qua báo cáo gần 50 thềm băng ở Nam Cực giảm ít nhất 30% kể từ năm 1997 và 28 trong số đó mất hơn một nửa băng trong khoảng thời gian ngắn đó.

Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Nature Climate Change ước tính rằng băng tan ở những khu vực có nguy cơ cao nhất ở Nam Cực có thể làm tăng mực nước biển toàn cầu lên khoảng 1,8m trong vài thế kỷ tới.

Trong khi đó, mực nước biển dâng thêm 78cm cũng đủ để nhấn chìm các vùng bờ biển trũng thấp trong nước và khiến triều cường, lũ lụt dâng cao.

Cơ quan về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc cho biết lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần phải giảm 45% vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 2010 để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C.

QUỐC HƯNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/the-gioi/truoc-them-cop-28-151980.html