Trước thềm Đại hội XIII, Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là vô cùng cần thiết

Theo Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), Quy định 205 do Bộ Chính trị vừa ban hành là rất cụ thể, đầy đủ, đúng đắn, vô cùng cần thiết. Vì thế, việc thực thi Quy định này như thế nào sẽ rất được người dân quan tâm.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

Quy định nêu rõ sẽ điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.

Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Minh Khánh

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Minh Khánh

Quy định cũng nhấn mạnh việc tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc, hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe.

Điểm nổi bật khác của Quy định 205 là xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, qua theo dõi các nhiệm kỳ vừa qua thì Bộ Chính trị, Trung ương đều đã có những quy định cụ thể về việc không bố trí những người có mối quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan, hay nghiêm cấm các hành vi chạy chức, chạy quyền… Những quy định này từng được nêu ra trong các văn bản trước đây.

Tuy nhiên, cái mới của Quy định 205 là ý nghĩa quan trọng của nó, đó là phòng ngừa những tiêu cực trong công tác cán bộ.

"Quy định 205 của Bộ Chính trị được ban hành nhằm thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Trung ương trong ngăn chặn tiêu cực, chạy chức chạy quyền trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Do chúng ta là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nên Quy định này là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để tất cả các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức Đảng, chính quyền… đều phải tuân thủ theo quy định của Bộ Chính trị.

Cũng chính vì vậy, Quy định 205 còn có ý nghĩa răn đe, tăng tính pháp lý. Bất kể ai vi phạm đều bị xử lý theo quy định này của Bộ Chính trị bằng việc kỷ luật Đảng, thậm chí xử lý hình sự…", PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, Quy định 205 của Bộ Chính trị còn có điểm mới là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Trước đây chúng ta chỉ nói chung chung là kiểm soát quyền lực. Khi nói đến quyền lực, mỗi cán bộ được vào vị trí này khác đều có chức quyền. Thực tế có những cán bộ đã lạm dùng quyền lực để mưu lợi. Chính vì thế, kỳ này, Quy định 205 đã nhấn mạnh "kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ" để các cơ quan, cá nhân được Đảng giao làm công tác cán bộ phải thực thi đúng quyền hạn của mình. Không được lợi dụng quyền hạn. Như vậy để tạo ra chuyển biến tích cực hơn trong công tác cán bộ, đồng thời kiểm soát được các hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ.

"Trước thềm Đại hội XIII thì Quy định 205 do Bộ Chính trị vừa ban hành rất có ý nghĩa trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm của mình, Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết, Quy định 205 do Bộ Chính trị vừa ban hành là rất cụ thể, đầy đủ, đúng đắn, vô cùng cần thiết. Vì thế, việc thực thi Quy định này như thế nào sẽ rất được người dân quan tâm.

Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). (Nguồn: nhadautu.vn)

Theo PGS. TS Lê Văn Cương, để Quy định 205 được thực hiện một cách hiệu quả thì cần phải gắn với Quy định số 08-QĐ/TW về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

Ông khẳng định: "Tất cả các vụ án xảy ra vừa qua đều do không nêu gương. Nêu gương là biện pháp chủ yếu và quyết định để đưa nghị quyết vào cuộc sống".

Về nêu gương, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ: "Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thực sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư".

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/truoc-them-dai-hoi-xiii-quy-dinh-ve-viec-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-va-chong-chay-chuc-chay-quyen-la-vo-cung-can-thiet-20190924230003031.htm