Trước Wonder Woman, đây là 8 bộ phim xuất sắc về đề tài nữ quyền

Khai thác thành công đề tài nữ quyền, Wonder Woman đang là 'bom tấn' mùa hè chất lượng, ăn khách hàng đầu hiện nay. Thế nhưng trước tác phẩm nổi bật này, nền nghệ thuật thứ bảy từng có các phim xuất sắc không kém, dành riêng để tôn vinh phái đẹp. 8 đề cử dưới đây được xem là kinh điển và tiên phong hơn cả.

The Passion of Joan of Arc (1928)

Jeanne d’Arc là nhân vật lịch sử có thật rất nổi tiếng tại Pháp từ giữa thế kỉ 15. Cuộc đời bà được tái hiện sống động với The Passion of Joan of Arc, tác phẩm cũng đã trở thành “dấu mốc” khó quên trong lịch sự điện ảnh châu Âu.

Bộ phim theo chân Jeanne trong những ngày cuối đời, trước khi bà bị hỏa thiêu vì tội danh chưa từng phạm phải. Sự đấu tranh mãnh liệt cho lý tưởng, cùng tính cách cao đẹp của nữ nhân vật chính, đã để lại cảm nhận khó phai nhạt trong lòng giới mộ đạo điện ảnh. Dẫn lời từ thời báo New York - Mỹ, The Passion of Joan of Arc hội đủ yếu tố để trở thành “tác phẩm tiên phong và xuất sắc đến hiếm thấy” xoay quanh chủ đề nữ quyền.

Gone with the Wind (1939)

Yêu kiều đầy mê hoặc, nhưng không thiếu nét kiêu hãnh và vô tình, Scarlett O’Hara của Gone with the Wind đến nay vẫn là một biểu tượng điện ảnh không thể thay thế. Cô gái trẻ biết cách sống cho bản thân, “đứng lên” bảo vệ chính mình và những người thân yêu. Scarlett nhẫn tâm khi cần nhẫn tâm, dứt khoát khi buộc phải dứt khoát. Thế nhưng sâu thẳm bên trong, trái tim nàng luôn mềm yếu, mong mỏi hạnh phúc đích thực.

Vai diễn xuất thần do ngôi sao gạo cội Vivien Leigh thể hiện như gửi gắm tấm lòng chung của bao tầng lớp phụ nữ. Tinh thần nữ quyền truyền cảm rõ nét nơi Gone with the Wind, mãi được khán giả nhắc nhớ, ngưỡng mộ.

The Women (1939)

The Women lôi cuốn một cách khó tả. Một tác phẩm bạn có thể xem cùng mẹ, chị, bạn thân hay con gái. Một bộ phim phù hợp với nhiều độ tuổi, nhiều thế hệ phụ nữ khác nhau. Cốt truyện, tuy nhiên, không chỉ khiến phái đẹp cười vui thỏa mãn, mà còn mang lại cảm nhận đồng điệu tuyệt vời.

Từng nhân vật trong The Women mang cá tính, ưu lẫn khuyết điểm riêng, nhưng không ai lu mờ trước ai. Họ biểu trưng cho vẻ đẹp độc lập, thông minh, hài hước của một thế hệ phụ nữ tiến bộ về cách nghĩ, cách yêu và cách sống. Có kịch bản được viết bởi văn sĩ nổi tiếng F. Scott Fitzgerald, đây là tác phẩm điện ảnh ca ngợi phụ nữ đặc biệt xuất sắc và thú vị.

His Girl Friday (1940)

Khi đấu tranh bình quyền lên đến đỉnh điểm, khi phụ nữ bước ra xã hội và tạo dựng chỗ đứng vững chắc hơn, nhiều người tự hỏi vị trí thật sự của họ ở đâu. His Girl Friday, tác phẩm chính kịch lãng mạn với Rosalind Russell thủ vai chính, muốn đi tìm câu trả lời cho băn khoăn trên.

Hình tượng nàng phóng viên Hildy Johnson của cô đào duyên dáng Russell khiến cánh mày râu kính nể, thán phục. Tài năng hay sự tôn trọng Hildy đạt được, dẫu vậy, có đủ sức át đi “cái bóng” định kiến về người phụ nữ ở một nước Mỹ đang thay đổi từng ngày? Giá trị nữ quyền trong His Girl Friday phản ánh qua thông điệp tinh tế: Người phụ nữ không bao giờ nên chịu thỏa hiệp, chỉ đơn giản vì người khác nghĩ họ nên thỏa hiệp.

All About Eve (1950)

“Buồn cười thay - sự nghiệp của một người phụ nữ, những thứ bạn phải vứt bỏ để đạt được thành công.” All About Eve tập trung vào cuộc đối đầu giữa 2 thế hệ phụ nữ. Duy, tác phẩm có sự góp mặt của “biểu tượng” điện ảnh Mỹ - Marilyn Monroe, không dừng lại ở đó. Đến đoạn kết, người xem dễ dàng nhận ra, bộ phim đang giúp nói lên tiếng lòng phái đẹp trong xã hội hiện đại. Dù trãi qua nhiều khó khăn nhằm tìm lấy vinh quang riêng, sau cùng, họ vẫn là phụ nữ. Họ vẫn mưu cầu hạnh phúc, tổ ấm riêng.

All About Eve như cuốn hồi kí đẹp mà chẳng kém phần gai góc, nói lên ý nghĩa thật sự của nữ quyền. Phim lột tả cuộc đời những phụ nữ thành đạt, nhưng “sức ép” hào quang trên vai họ đôi khi nặng nề hơn cả nam giới.

Gypsy (1962)

Là một trong những tác phẩm để đời của đạo diễn người Mỹ Mervyn LeRoy, Gypsy mê hoặc khán giả bởi nhiều chi tiết sân khấu sống động, âm nhạc rộn ràng. Thế nhưng, nổi bật ở truyện phim về nàng vũ nữ Gypsy, vẫn là một tinh thần nữ quyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Gypsy Rose Lee, do kiều nữ Natalie Wood thủ vai, vươn lên vị trí ngôi sao từ tuổi thơ khó nhọc, bị khinh rẻ. Đứng trước khán giả, những người yêu thương - say đắm tài năng ca múa của cô, Gypsy bỗng có được sự tự tin chưa từng có. Cô hiểu rằng, dũng cảm vượt qua định kiến là cách duy nhất để người phụ nữ thật sự tỏa sáng và đạt được mơ ước.

Guess Who Coming to Dinner (1967)

Khai thác một đề tài khá nhạy cảm lúc bấy giờ, nạn phân biệt chủng tộc, Guess Who Coming to Dinner còn đồng thời đề cao vẻ đẹp, giá trị người phụ nữ. Tất cả 4 nhân vật nữ trong phim được tạo ra để “tỏa sáng” theo cách riêng của họ. Từ cô gái trẻ Joanna mong muốn kết hôn với một bác sĩ da màu, đến những bà mẹ trí thức với tư duy tân tiến, chính kiến và sự ủng hộ dành cho cô con gái.

Dẫu không có trường đoạn đỉnh cao gây cấn, yếu tố nữ quyền ở Guess Who Coming to Dinner vẫn hiện diện dễ thấy qua nhiều cuộc đấu tranh “ngầm” trong gia đình. Lo sợ, dằn vặt và khát khao hạnh phúc của những nhân vật chính mang đến sự sẻ chia thật sự cho khán giả.

The Prime of Miss Jean Brodie (1969)

Nữ minh tinh kì cựu Maggie Smith có vai diễn bức phá đầu tiên trong sự nghiệp ở tác phẩm kinh điển The Prime of Miss Jean Brodie. Câu chuyện về cô giáo nhiệt huyết Jean Brodie tưởng như nhẹ nhàng, nhưng lại đem đến không ít ngạc nhiên thú vị.

Chiếm vị trí quan trọng nhất trong phim là nhóm nhân vật nữ. Tuy nhiên, kịch bản ở đây hoàn toàn không nhằm tôn vinh phái đẹp một cách đơn thuần. Trong khi Brodie mạnh mẽ với lối tư duy quá độc lập, ảnh hưởng của bà đến các nữ sinh dần thể hiện nét mù quáng. Cách một nhà giáo để tầm nhìn cá nhân “nuốt chửng” lý tính, như khắc họa mặt trái khôn lường của đức tin và quyền lực. Giá trị nữ quyền mô tả nơi The Prime of Miss Jean Brodie, vì vậy, buộc người xem phải không ngừng chiêm nghiệm.

Như Ý (theo DenofGeek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/truoc-wonder-woman-day-la-8-bo-phim-xuat-sac-ve-de-tai-nu-quyen-65375.html