Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Muốn hóa rồng phải tăng trưởng cao, ổn định

'Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách'.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, diễn ra vào chiều ngày 17/1, tại Hà Nội.

Thiết lập những kỷ lục mới

Kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, vượt qua mọi con số dự báo trước đó. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới; trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD, tăng 13,7% và vượt xa mức kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017.

Nhờ đó xuất siêu cũng xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước. Trong năm 2018, Việt Nam thu hút được gần 35,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế, để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đặt câu hỏi, vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, tháng 6/2017.

Tận dụng lợi thế lớn từ các FTA

Theo ông Nguyễn Văn Bình, ngày 14/1 vừa qua, hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, giúp mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (ngoài cùng bên phải) tham gia thảo luận tại phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, hiệp định CPTPP có hiệu lực và một số hiệp định FTA khác sắp ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA)… sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro, mở ra cơ hội xuất khẩu. Về sản xuất, bên cạnh việc thực hiện các hợp đồng ký kết xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, chúng ta đã chủ động tìm hiểu các đối tác để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường còn nhiều tiềm năng như EU, Nhật Bản, Châu Phi…

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cơ hội luôn gắn liền với thách thức. Với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp nên khi các FTA có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi. Vì vậy, Việt Nam cần làm rõ chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới là gì? Làm thế nào để kết nối được các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI cùng tham gia vào chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu, và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới mang lại?

Bên cạnh đó, trong Báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 10/2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, cùng với đó là khoảng cách giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực, giữa xã hội số và xã hội thực dần xóa nhòa. Về cơ bản, kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục là những câu chuyện lớn ít nhất trong cả thập kỷ tới, do đó Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này.

Cũng tại phiên đối thoại, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho biết: Với độ mở lớn trong khu vực, quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu. Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam để nâng cao các khuôn khổ vĩ mô để chống các cú sốc kinh tế có thể xảy ra.

Việt Nam cần nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hài hòa hóa sự tham gia của tư nhân vào nền kinh tế và khuôn khổ chính sách đầu tư theo chuẩn quốc tế" - ông Eric nói, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam cần đảm bảo dự trữ và tiết kiệm nguồn lực, tiền của để đảm bảo khả năng tự cường và dẻo dai của nền kinh tế. Đảm bảo Chính phủ quản lý thay vì một nhà sản xuất. Phải tạo ra động lực mới với mức tăng trưởng cao.

Thu Phương - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truong-ban-kinh-te-trung-uong-muon-hoa-rong-phai-tang-truong-cao-on-dinh-114895.html