Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại sống mãi cùng dân tộc

Chương trình 'Truông Bồn – Bản hùng ca huyền thoại' nhân kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Truông Bồn (31-10-1968 – 31-10-2022) do UBND tỉnh Nghệ An và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức đêm 29-10 tại Quảng trường Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, H.Đô Lương thêm một lần nữa khẳng định: Tinh thần bất khuất của những anh hùng đã ngã xuống tại Truông Bồn sống mãi cùng dân tộc.

Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa cho 10 gia đình chính sách.

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70 mét trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450 mét so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, H.Đô Lương. Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất. Hàng vạn con người đã sống, chiến đấu, vượt lên bom đạn hiểm nguy, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa. Với quyết tâm sắt đá “Sống bám cầu, bám đường – chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, nhờ đó, hàng triệu mét khối đất đá đã được đào đắp, nhiều mạch máu giao thông được giữ vững, hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới lưu thông, hơn một triệu tấn hàng được vận chuyển vượt qua Truông Bồn, theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam. Nơi đây là chiến trường vô cùng ác liệt, cứ bình quân 1 phút rưỡi lại phải hứng chịu 1 quả bom tấn với cường độ hủy diệt khủng khiếp có một không hai trong lịch sử nhân loại. Tính từ tháng 6 đến tháng 10 - 1968, không lực Mỹ đã trút xuống nơi này gần 2.700 quả bom các loại.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong cuộc chiến sinh tử này, tại “tọa độ lửa” Truông Bồn đã có 1.240 anh hùng, liệt sỹ anh dũng hy sinh; tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong Đại đội 317 vào ngày 31-10-1968… Họ đã dâng hiến tuổi xuân, không tiếc thân mình để huyết mạch giao thông được thông suốt, nêu tấm gương nghĩa liệt muôn đời… Những người anh hùng đã ở lại với lòng đất mẹ nhưng tinh thần của họ vẫn luôn sống mãi. Vì thế, mỗi dịp kỷ niệm về Truông Bồn là dịp để chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hiến dâng máu xương mình cho Tổ quốc. Cũng theo ông Lê Quốc Minh, lòng biết ơn ấy cần phải được biến thành lẽ sống cao đẹp của các thế hệ hôm nay và mai sau, thành những hành động cách mạng cụ thể, làm cho lý tưởng của Đảng, khát vọng của nhân dân được hiện thực hóa trên khắp mọi miền quê hương, đất nước.

“Điều xúc động sâu xa ở Truông Bồn là sự lựa chọn lịch sử, là sự dám chết khi con người đã được thấy con đường sống với sứ mệnh đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ sáng 31-10-1968, chỉ đến 0 giờ ngày 1-11-1968 là ngừng bắn, là hòa bình ở Miền Bắc. Trong tay các anh chị thanh niên xung phong ở Truông Bồn ngày ấy là giấy gọi nhập học của các trường chuyên nghiệp, là những quyết định xuất ngũ đã ký… Thế nhưng các chị không về, các anh ở lại với đất mẹ Truông Bồn. Khi trái tim lắng nghe lời hiệu triệu từ chiến trường, tất cả đã ở lại mặt đường để không lỡ những chuyến hàng vào Nam, không lỡ tình đồng đội keo sơn, cho ngày Miền Nam giải phóng, cho ngày thống nhất non sông không lỗi hẹn. Những tấm thân làm cọc tiêu cho xe qua ngày ấy; những tấm thân đã ngã xuống trong loạt bom tọa độ ác nghiệt trong ngày cuối của chiến tranh, chỉ trước vài giờ thời điểm ngừng bắn có hiệu lực, mãi mãi trở thành cọc tiêu cho đất nước, quê hương biết đi về đúng hướng; cho thế hệ mai sau biết đứng thẳng làm người” – ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

* Dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Báo Nhân Dân, tỉnh Nghệ An phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa (trị giá 100 triệu đồng/căn), 13 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 3,5 triệu đồng, 20 suất quà cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, nhân chứng lịch sử và một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An.

Dương Hóa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/truong-bon-ban-hung-ca-huyen-thoai-song-mai-cung-dan-toc-post268857.html