Trưởng đại diện UNESCO bất ngờ trước công trường khai quật tại thành nhà Hồ

Thăm quan các vị trí đã được khai quật tại thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ sự ấn tượng, đồng thời mong muốn Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ tiếp tục mở rộng khu vực khai quật để tìm kiếm nhiều di tích, kiến trúc còn bị vùi lấp trong đất.

Chiều 9/1, ông Christian Manhart – Trường Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ. Tại đây, ông Christian Manhart đã được nghe báo cáo về công tác khai quật khu vực khảo cổ từ năm 2020 đến nay.

Ông Christian Manhart, Trường Đại diện UNESCO tại Việt Nam vừa có chuyến thăm và làm việc tại di sản thế giới thành nhà Hồ.

Ông Christian Manhart, Trường Đại diện UNESCO tại Việt Nam vừa có chuyến thăm và làm việc tại di sản thế giới thành nhà Hồ.

Tóm tắt quá trình khai quật từ năm 2020 – 2021, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000 m2. Đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật.

Qua đó, đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần-Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng.

Cụ thể, đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần-Hồ tại các hố khai quật ở khu vực Trung tâm, khu vực Đông Nam và Tây Nam. Tại khu vực Trung tâm đã phát hiện được 10 kiến trúc. Khu phía Đông nền Vua, xuất hiện 2 cụm dấu tích kiến trúc với kết cấu móng cột gia cố phân bố đều nhau và trong phạm vi rộng lớn. Khu phía Tây nền Vua xuất hiện dấu tích kiến trúc nhiều gian và xác định được 1 kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 4 cột.

Toàn cảnh khu vực khai quật có diện tích lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam.

Quá trình khai quật nội thành, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột được xây dựng bằng gạch ngói vụn (thời Lê sơ); phát hiện 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột trung bình 1,3 m x 1,4 m được xây dựng bằng gạch ngói vụn.

Thông tin thêm với ngài Trưởng Đại diện UNESCO về đợt khai quật khảo cổ gần nhất tại con đường Hoàng Gia từ tháng 11/2021 đến nay, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, lần khai quật này có tổng diện tích 14.000 m2.

Qua đó, đã phát hiện con đường được kè đá xanh và lát đá phiến, nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam, nối thẳng về phía nam đến di tích Nam Giao, nối về phía bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.

Về vật liệu kiến trúc, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long; nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây.

Ngoài ra còn phát hiện các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần - Hồ. Về gốm sứ, các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ.

Bước đầu, các nhà khảo cổ học nhận định cuộc khai quật này đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành. Con đường này có lẽ chỉ có một làn đường, rộng khoảng gần 5m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam.

Ông Christian Manhart mong muốn Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ tiếp tục mở rộng khu vực khai quật khảo cổ.

Sau khi thăm quan các vị trí đã được khai quật, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng đối với nỗ lực khai quật, từ đó tìm được rất nhiều hiện vật, di tích có giá trị tại thành nhà Hồ.

“Tôi nghĩ rằng với các phát hiện to lớn này, các bạn cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật khảo cổ. Trong quá trình thực hiện, các bạn nên xem xét nghiên cứu quét lớp thăm dò để biết được một số khu vực cần khai quật. Theo như logic tại một số di sản, bên cạnh cung đình hoàng gia, có thể sẽ có khu vực của gia nhân, người dân ở, vì vậy, công tác khai quật cần thực hiện kỹ càng, bởi xung quanh có thể còn rất nhiều điểm di tích bị đất đá vùi lấp”, ông Christian Manhart bày tỏ ý kiến.

Phát biểu đáp lời ngài Trưởng đại diện, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ bày tỏ sự cảm ơn về chuyến thăm và những ý kiến đóng góp của ngài Christian Manhart đã đề cập.

Ông Linh mong muốn, trong thời gian tới, ngài Trường Đại diện UNESCO tại Việt Nam tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất với UNESCO để hỗ trợ, giúp đỡ Trung tâm trong việc khai quật và đánh giá các giá trị di tích, kiến trúc tại thành nhà Hồ.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/truong-dai-dien-unesco-bat-ngo-truoc-cong-truong-khai-quat-tai-thanh-nha-ho-5707231.html