Trường đại học chạy đua 'vợt' du học sinh bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến kế hoạch học tập cả du học sinh về nước tránh dịch lẫn học sinh lớp 12 đang theo đuổi giấc mơ du học nước ngoài. Điều này mở ra cuộc chạy đua giữa các trường đại học để đón lượng thí sinh này.

Nhiều trường tham gia

Theo Bộ GD - ĐT, Việt Nam đang có 190.000 du học sinh. Nhiều bạn trong số đó đã bảo lưu kết quả và đáp chuyến bay hồi tháng Ba về nước tránh dịch, song lại phải đối mặt với thực tế sẽ bị chậm chương trình hay thời hạn ra trường có thể muộn cả học kỳ cho đến một năm. Một số bạn khác may mắn được học online dù đã về nước, nhưng cũng đang chật vật với lịch học thâu đêm bởi chênh múi giờ đến 12 tiếng đồng hồ.

Trường ĐH RMIT Việt Nam đưa ra một loạt sáng kiến thiết thực, linh hoạt và toàn diện cho bất cứ sinh viên nào không muốn việc học bị dở dang và lấy được tấm bằng cử nhân quốc tế.

Do đó, hàng loạt trường đại học đã mở cửa đóng những sinh viên này. Chẳng hạn, trường ĐH RMIT Việt Nam đưa ra một loạt sáng kiến thiết thực, linh hoạt và toàn diện cho bất cứ sinh viên nào không muốn việc học bị dở dang và lấy được tấm bằng cử nhân quốc tế.

Các giải pháp toàn diện dành cho cả du học sinh từ RMIT Melbourne (Úc) và du học sinh từ các trường đại học khác trên thế giới về nước tránh dịch, cũng như học sinh lớp 12 trong nước có ý định du học tại các ngôi trường hàng đầu.

Theo đó, du học sinh trở về nước có thể chuyển đổi tín chỉ từ trường đại học nước ngoài đang theo học để tiếp tục học tập tại RMIT Việt Nam. Với chương trình học tối ưu chuẩn quốc tế, du học sinh có thể sẽ được miễn giảm hàng loạt tín chỉ và môn học, bắt đầu học online theo múi giờ Việt Nam ngay bây giờ, và đến trường học cùng thầy cô và bạn bè chỉ sau 1-2 tháng nữa. So với du học, lộ trình này giúp tiết kiệm đến 2/3 học phí và sinh hoạt phí mỗi kỳ, mà vẫn nhận được tấm bằng cử nhân có giá trị toàn cầu từ ĐH RMIT Melbourne.

Ngoài lựa chọn du học tại RMIT Melbourne, du học sinh có thể chọn học tập tại RMIT Việt Nam và chuyển đổi tín chỉ quay lại trường đại học ban đầu vào thời điểm thích hợp. RMIT sẽ hỗ trợ cung cấp mô tả chi tiết môn học, nhằm giúp sinh viên có đầy đủ thông tin để xác nhận số tín chỉ được miễn với trường đại học ban đầu và giúp sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Lộ trình này càng thích hợp hơn với các bạn trẻ muốn tiết kiệm ngân sách, trải nghiệm cuộc sống sinh viên trong nước, cũng như tạo bước đệm thích nghi nếu có ý định trở về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp.

Tương tự, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM thông báo sẽ tiếp nhận các du học sinh có nguyện vọng theo học. Theo đó, việc tiếp nhận sẽ dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ du học sinh đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành. Du học sinh trở về từ các nước khác cũng được quy chế tiếp nhận tương tự.

Hiện tại, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM đang thực hiện các chương trình liên kết đào tạo quốc tế như sau: Chương trình liên kết đào tạo quốc tế với trường ĐH Kettering (Mỹ) theo hình thức liên kết 2 + 2 (2 năm học tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và 2 năm học tại trường ĐH Kettering, Mỹ). Sinh viên hoàn thành chương trình được trường ĐH Kettering Mỹ cấp bằng. Các ngành đào tạo gồm: Quản trị Kinh doanh, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Cơ khí, Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật Chế tạo máy và công nghiệp.

Ngoài ra, trường cũng liên kết đào tạo với các trường: ĐH Sunderland, ĐH Northampton (Anh) theo hình thức liên kết 3+1 hoặc 4+0), các ngành: Quản trị Kinh doanh, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kế toán và Quản trị Tài chính, Tài chính Ngân hàng. Tất cả các ngành này sẽ do đối tác Anh cấp bằng sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Sinh viên chương trình liên kết tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.

Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Trường sẽ tiếp nhận theo hình thức chuyển trường.

Về ngành học, nhà trường sẽ xem xét chuyển đúng ngành của sinh viên đang theo học, căn cứ số tín chỉ và học phần đã học để công nhận những môn đã học tương đương. Tất nhiên, để được tốt nghiệp sinh viên phải học đầy đủ chương trình đào tạo theo yêu cầu của Bộ GD - ĐT ở mỗi ngành học và chuẩn đầu ra của trường quy định.

Sinh viên có nguyện vọng cần nộp đơn xin chuyển trường nếu chuyển cùng ngành. Nếu muốn chuyển ngành khác thì sinh viên có thể sử dụng bằng tú tài nước ngoài và phải trải qua phỏng vấn theo phương thức tuyển sinh của thí sinh có bằng THPT quốc tế. Nếu được chọn, sinh viên sẽ nhập học tháng 10/2020.

Trường còn đào tạo các ngành chương trình chuyển đổi tín chỉ, 2 năm đầu học tại trường ĐH Quốc tế, sau đó sẽ học tiếp ở các trường đại học đối tác của trường ở Mỹ, Úc, New Zealand và được cấp bằng nước ngoài...

Trường còn có chương trình liên kết cấp bằng của trường ĐH West of England (UK) học toàn thời gian tại Việt Nam với các ngành Quản trị Kinh doanh, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ Sinh học định hướng khoa học y sinh.

Ngoài ra, hàng loạt trường khác như trường ĐH KHTN, trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Kinh tế - Luật, trường ĐH Công nghệ thông tin, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) cũng đã thông báo tiếp nhận sinh viên (du học sinh) có nguyện vọng trở về học tại Việt Nam. Các trường sẽ xét dưới hai hình thức là xét tuyển vào chương trình cử nhân quốc tế (dạy bằng tiếng Anh) và tiếp nhận sinh viên chuyển trường (học sinh tốt nghiệp THPT trong và ngoài nước và đang học tại các trường đại học, cao đẳng ở nước ngoài).

Chú ý 2 điểm

Theo bà Jan Clohessy, Giám đốc Tuyển sinh khu vực ASEAN, RMIT Việt Nam, nhiều kế hoạch du học đang bị gián đoạn vì COVID-19. Thay vì lãng phí thời gian đợi dịch bệnh toàn cầu qua đi và chờ đợi những điều bất định, các bạn có thể nắm thế chủ động với bốn lộ trình đại học thay thế linh hoạt ngay tại quê nhà. Hệ thống đào tạo theo chuẩn quốc tế của RMIT cho phép sinh viên chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp giữa các cơ sở giáo dục khác nhau, từ các trường đại học khác trên thế giới sang RMIT và ngược lại.

Trước đó, hôm 15/7, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các trường đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trường đại học chạy đua “vợt” du học sinh bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Bộ đề nghị các trường xây dựng kế hoạch và thẩm định điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Quá trình này cần phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành. Trước ngày 30 hằng tháng, các trường phải báo cáo Bộ GD - ĐT qua Vụ Giáo dục Đại học về kết quả tiếp nhận.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du học sinh Việt Nam khó có thể trở lại nước ngoài học tập trong thời gian tới. Các cơ sở giáo dục đại học cần chú ý 2 điểm chính, gồm việc tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, khả năng học tập các trường trình, đặc biệt là các chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh và chương trình liên kết đào tạo nước ngoài giảng dạy bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

“Chúng ta cũng cần xem xét điều kiện từ phía cơ sở giáo dục đại học, như trường có đủ năng lực đào tạo, còn chỉ tiêu phù hợp với điều kiện tuyển sinh. Các điều kiện đầu vào với các sinh viên trong quá trình nhập học cũng không được thấp hơn so với thông thường của chương trình tương ứng”, bà Thủy nói.

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng nhấn mạnh việc các trường đại học cần căn cứ chương trình đào tạo, nội dung, yêu cầu chuẩn đầu ra và số tín chỉ… để xem xét chấp nhận một phần tín chỉ hay các học phần phù hợp để tiết kiệm thời gian học tập cho du học sinh trong thời gian tới.

Quế Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/truong-dai-hoc-chay-dua-vot-du-hoc-sinh-bi-anh-huong-dich-covid19-1695317.tpo