Trường Đại học Hồng Đức với hoạt động tự chủ và hội nhập quốc tế

Tự chủ và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu để phát triển đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) hiện nay. Xác định được điều này, nhiều năm qua, Trường ĐH Hồng Đức không ngừng đẩy mạnh hoạt động hợp tác với đối tác, các trường ĐH nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện tự chủ vào năm 2025. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức trong giờ thực hành, thí nghiệm.

Theo TS. Hoàng Nam, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, để thực hiện tự chủ theo lộ trình, thời gian qua, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện, triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng, như: Xác định các ngành đào tạo trọng điểm trong giai đoạn tới trên cơ sở nhu cầu thị trường lao động và năng lực, điều kiện của nhà trường; duy trì hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; rà soát tổ chức, bộ máy bảo đảm theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng; rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thực hành phục vụ đào tạo và NCKH; tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và đào tạo... Được biết, trên cơ sở khảo sát nhu cầu của thị trường lao động cùng với các điều kiện thực tiễn, nhất là năng lực của đội ngũ giảng viên, Trường ĐH Hồng Đức đã triển khai xây dựng các ngành đào tạo trọng điểm phù hợp với giai đoạn hiện nay, định hướng đến năm 2025, như: Các ngành đào tạo sư phạm, công nghệ thông tin, kỹ thuật công trình xây dựng, kinh tế quản trị kinh doanh và nông - lâm - ngư nghiệp. Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện 4 đề án đào tạo ĐH sư phạm chất lượng cao nhằm thu hút học sinh khá, giỏi vào học ngành sư phạm, nhằm đào tạo nguồn giáo viên chất lượng phục vụ sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường luôn duy trì hoạt động xây dựng kế hoạch bảo đảm chất lượng theo tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả của người học, gắn đào tạo với NCKH. Đặc biệt, để thực hiện lộ trình tự chủ, từ năm 2018, nhà trường đã giao quyền tự chủ cho một số đơn vị, như giao chi thường xuyên 100% cho ban quản lý nội trú và ban quản lý nhà ở sinh viên; giao chi thường xuyên 60% cho Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ và Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, đến năm 2020, 2 trung tâm này tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; thực hiện khoán chi một số mục chi thường xuyên đối với một số đơn vị trực thuộc và mở rộng tự chủ về kinh phí chi thường xuyên đối với một số đơn vị đặc thù...

Đối với hoạt động hội nhập quốc tế, từ sự phát triển của nhà trường trong những qua, Trường ĐH Hồng Đức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức nước ngoài trong việc tìm hiểu, đặt vấn đề liên kết đào tạo. 3 năm gần đây, nhà trường đã đón tiếp và làm việc với hàng chục đoàn khách thuộc các đối tác, như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam... Cùng với đó, nhà trường cũng cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên đi học nước ngoài, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, đồng thời, mời giảng viên các trường ĐH uy tín trên thế giới về truyền đạt cho đội ngũ giảng viên nhà trường những kinh nghiệm, kiến thức học thuật và giảng dạy tại trường... Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2016, nhà trường đã liên kết với 80 trường ĐH thuộc 40 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay với xu thế xây dựng trường ĐH định hướng ứng dụng phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước, nhà trường đã rà soát, đánh giá, đàm phán ký kết với những trường ĐH, các tổ chức nước ngoài phù hợp với năng lực, khả năng phát triển của nhà trường. Trong đó, nhiều đơn vị hợp tác mang lại hiệu quả cao, như: Chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh với Trường ĐH Soongsil (Hàn Quốc) đã đào tạo thành công khóa 1 với 46 học viên và đang đào tạo khóa 2 với 22 học viên. Chương trình phối hợp đào tạo và NCKH với Trường ĐH Zielona Gora (Ba Lan), hằng năm, gửi hàng chục sinh viên theo học với các giáo sư hàng đầu thế giới về các chuyên ngành Vật lý ứng dụng, Công nghệ môi trường, Quản lý kinh tế tại Trường ĐH Zielona Gora. Bên cạnh đó, Trường ĐH Zielona Gora đã hỗ trợ và chấp thuận để Trường ĐH Hồng Đức là đối tác nhận học bổng Eramus Plus của cộng đồng chung châu Âu. Đặc biệt, từ khi phối hợp, Trường ĐH Zielona Gora đã cử giảng viên cao cấp, chuyên gia sang Trường ĐH Hồng Đức để phối hợp giảng dạy, NCKH, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh ngành Vật lý quang tử. Hiện, nhà trường đang tích cực phối hợp với Trường ĐH Anhalt xây dựng đề án liên kết đào tạo ĐH, sau ĐH, phát triển chương trình tiếng Đức tại Trường ĐH Hồng Đức...

Hoạt động hợp tác quốc tế của Trường ĐH Hồng Đức thời gian qua đã mang lại những lợi ích thiết thực với trình độ ngoại ngữ, chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giảng viên được nâng cao; nội dung chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy ở các ngành, như: Kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh doanh, kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp đã được đổi mới, từng bước phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển. Qua đó, uy tín của nhà trường từng bước được nâng cao, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác đào tạo, NCKH với các trường ĐH, các cơ sở giáo dục trên thế giới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của nhà trường.

Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-hong-duc-voi-hoat-dong-tu-chu-va-hoi-nhap-quoc-te/109533.htm