Trường đại học không thể hữu danh vô thực

Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học (ĐH) tiếp tục là một trong năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục đặt mục tiêu thực hiện tốt trong năm học 2019-2020. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GDĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH 'có tên mà không có thực, hữu danh vô thực'. Không chấp nhận tình trạng chất lượng giáo dục ĐH thấp, Bộ cần trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài.

Cần sớm khắc phục bất cập trong đào tạo ĐH hiện nay. Ảnh: Quang Vinh.

Cần sớm khắc phục bất cập trong đào tạo ĐH hiện nay. Ảnh: Quang Vinh.

Khích lệ tự chủ đại học

Theo Bộ GDĐT, năm học năm học 2018 – 2019, cả nước tăng thêm 1 trường ĐH lên thành 237 trường. Trong đó, bao gồm 172 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay, cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 15 trường ĐH Sư phạm, 48 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.

Hiện đã có 6 cơ sở giáo dục ĐH và 128 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM; 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á.

Năm 2018, theo cơ sở dữ liệu ISI, GDĐH Việt Nam có 78 ĐH, trường ĐH công bố 6.082 bài, tăng 44,8% so với năm 2017 (4.201 bài); 31 trường trực thuộc Bộ GDĐT công bố 1.846 bài, chiếm 30,4% toàn hệ thống, tăng 35,4% so với năm 2017 (1.363 bài); danh sách 5 ĐH, trường ĐH công bố 3.059 bài, chiếm 50,3% tổng công bố quốc tế toàn hệ thống GDĐH năm 2018.

Mặc dù cơ chế chính sách về tự chủ ĐH chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật và quy định của các cơ quan chủ quản,cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình của đơn vị chưa thực sự hiệu quả nhưng bước đầu tự chủ ĐH cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, Bộ GDĐT đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở GDĐH. Bộ đã ban hành các quy định về quy chế tuyển sinh, khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo, quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH…

Chủ động để tự chủ

Triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực đang tạo hành lang pháp lý quan trọng, khơi dậy sự chủ động, tích cực của các trường ĐH trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình; đặc biệt là chính sách về tự chủ. Đây là hướng mở để các trường ĐH công lập và dân lập (không phân biệt công - tư) phát triển. Qua đó, giúp các trường ĐH chủ động, trách nhiệm hơn với người học và xã hội. Luật cũng tạo ra cơ chế phối hợp giữa các trường ĐH trong nước, mở ra nhiều cơ hội để các trường đào tạo mang tính chất liên kết quốc tế.

Theo đó ông Phương đề xuất, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để các trường chủ động trong triển khai, thực hiện Luật. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất năm giải pháp để đẩy mạnh tự chủ ĐH trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra hiện nay. Trong đó có yêu cầu vận động các doanh nghiệp (thuộc khu vực) thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc phối hợp với các trường ĐH trong quá trình đào tạo tại trường cũng như ngoài nhà trường và doanh nghiệp; Tăng cường công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng đào tạo, đẩy mạnh việc tham gia xếp hạng ĐH khu vực và quốc tế; Chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống và trang bị tốt cho người học kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy sáng tạo, đổi mới, ý chí khởi nghiệp, khả năng làm việc nhóm...

Đồng thời Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng đề xuất 5 kiến nghị đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan như: Thay đổi cơ chế, phương thức đầu tư cho giáo dục ĐH; Tiếp tục duy trì việc thực hiện các chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23...; Thực hiện tốt việc phân luồng từ THCS…

Trước thực trạng nhiều trường hiện nay không bảo đảm chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GDĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực, hữu danh vô thực”. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài, kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém. Bộ GDĐT phải quyết liệt chỉ đạo khắc phục bất cập trong hệ thống giáo dục ĐH tốt hơn, có lộ trình bước đi rõ ràng hơn…

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-khong-the-huu-danh-vo-thuc-tintuc444565