Trường Đại học Xây dựng - nhiều bước tiến mới trong công tác đào tạo và tuyển sinh năm 2019

Trong nhiều năm qua trường Đại học Xây dựng luôn là một trong những trường Đại học uy tín đứng đầu về chất lượng đào tạo và chất lượng tuyển sinh đầu vào. Để giữ vững được thành tích như vậy Nhà trường đã không ngừng nghiên cứu tìm ra các phương pháp tuyển sinh và đào tạo phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội.

PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo tại trường Đại học Xây dựng

Năm 2019 cũng sẽ là một năm đầy thử thách bởi trường Đại học Xây dựng tiếp tục đưa các chương trình đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho sinh viên. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo tại trường Đại học Xây dựng.

PV: Xin Thầy cho biết cách thức tuyển sinh và đào tạo năm 2019 của trường Đại học Xây dựng có gì mới?

PGS.TS Phạm Xuân Anh: Về Phương thức tuyển sinh, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm 2019, trường Đại học Xây dựng bổ sung thêm phương thức xét tuyển thẳng kết hợp, đối tượng là các thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế hoặc đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể:

Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế: Tiếng Anh (tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên còn hiệu lực (tính đến ngày xét tuyển) và có tổng điểm 02 môn thi THPT quốc gia năm 2019 thuộc tổ hợp xét tuyển của Trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải ngoại ngữ) đạt từ 12,0 điểm trở lên.

Thí sinh đạt các giải Nhất, Nhì, Ba các môn thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các môn đạt giải gồm: Toán (Tin học), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh (tiếng Pháp) và có tổng điểm 02 môn thi THPT quốc gia năm 2019 (không tính môn đạt giải) trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 12,0 điểm trở lên.

Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm 02 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (trong đó có 01 môn thi THPT quốc gia năm 2019 và môn Vẽ Mỹ thuật) đạt từ 12,0 điểm trở lên.

Các thí sinh đáp ứng các điều kiện nêu trên sẽ được tuyển thẳng vào các ngành, chuyên ngành theo nguyện vọng phù hợp với tổ hợp xét tuyển.

Về ngành/chuyên ngành đào tạo: Từ năm 2019, trường Đại học Xây dựng tuyển sinh 34 ngành/chuyên ngành đào tạo đại học. Song song với các ngành/chuyên ngành đào tạo truyển thống, Trường đưa vào 17 ngành/chuyên ngành đào tạo mới theo phương pháp tiếp cận CDIO. Đây là phương thức đào tạo giúp người kỹ sư, kiến trúc sư không chỉ có kiến thức nền tảng về khoa học, vững về chuyên môn mà còn tăng cường các kỹ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm xã hội. Đặc biệt có năng lực hình thành Ý tưởng (Concieve - C), Thiết kế (Design - D), Triển khai (Implement- I) và Vận hành (Operate - O) các sản phẩm, quy trình, hệ thống có tính phức hợp. (Nói cách khác, CTĐT theo phương pháp tiếp cận CDIO hướng tới mục tiêu giáo dục cho người học phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp để đảm bảo năng lực làm việc và khả năng thích ứng với môi trường chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập).

Các chương trình đào tạo truyền thống, Nhà trường thường xuyên cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tế của xã hội mà trực tiếp là yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

PV: Trường Đại học Xây dựng là trường có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo ra các kỹ sư giỏi cho ngành Xây dựng. Nhưng để đáp ứng nhu cầu vươn ra thế giới thì việc liên kết đào đạo của trường với các nước phát triển như thế nào?

PGS.TS Phạm Xuân Anh: Những năm gần đây, Nhà trường luôn xác định liên kết đào tạo quốc tế là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của Nhà trường. Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đã mở ra cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của thế giới, nhờ đó chất lượng đào tạo, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên và sinh viên không ngừng được nâng cao.

Để cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo, trường Đại học Xây dựng đã thành Khoa Đào tạo Quốc tế (Faculty of International Education - FIE) trực thuộc trường; đồng thời thực hiện bốn chiến lược dài hạn trong việc mở rộng liên kết đào tạo quốc tế, đó là: Quốc tế hóa chương trình đào tạo: Xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và được quốc tế công nhận; Quốc tế hóa giảng viên: Xây dựng đội ngũ giảng viên, cộng tác viên có trình độ đạt chuẩn quốc tế để giảng dạy các chương trình đào tạo theo quốc tế; Quốc tế hóa sinh viên: Sinh viên có năng lực ngoại ngữ và năng lực chuyên môn để tham gia các chương trình quốc tế, hội nhập với các sinh viên quốc tế; Quốc tế hóa môi trường đào tạo: Xây dựng cơ sở vật chất, môi trường đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.

Hiện nay, trường hợp tác với trên 40 đối tác quốc tế và triển khai các chương trình liên kết đào tạo ở các bậc khác nhau, gồm có: Dự bị đại học: Chương trình liên kết đào tạo dự bị đại học với các trường Đại học tại CHLB Đức (Đại học Xây dựng Weimar – Bauhaus University of Weimart, Đại học Khoa học Ứng dụng Nordhausen – Applied Science University of Nordhausen..) – những trường Đại học kỹ thuật hàng đầu tại CHLB Đức - được triển khai từ năm học 2008-2009 với các nhóm ngành kỹ thuật (Xây dựng, Kiến trúc, Môi trường, Công nghệ thông tin, Điện tử và Tự động hóa, Năng lượng mới và Kỹ thuật tái chế…) và nhóm ngành khác (Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh doanh nghiệp quốc tế, Quản trị công, Dịch vụ y tế và xã hội…). Tính đến nay đã và đang thực hiện được 11 khóa, với hàng trăm sinh viên đã được sang học tập tại CHLB Đức.

Đại học: Trường Đại học Xây dựng có chương trình liên kết đào tạo bậc đại học, mô hình đào tạo 2+2 với Đại học Mississippi, Hoa Kỳ cho 2 ngành Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering) và Khoa học Máy tính (Computer Sciences), tuyển sinh khóa đầu năm 2019. Trường Đại học Xây dựng là trường kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam có được chương trình liên kết đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng với đối tác Mỹ.

Trường đang phát triển các hợp tác song phương trong liên kết đào tạo với mô hình chuyển tiếp tín chỉ (Credit transfer), trong đó các trường đối tác sẽ công nhận các tín chỉ sinh viên đạt được tại Đại học Xây dựng trong 2-3 năm đầu tiên, sau đó sinh viên nếu đủ điều kiện kiến thức, ngoại ngữ và tài chính có thể tiếp tục học tập tại trường đối tác quốc tế. Hiện nay, đã triển khai được chương trình chuyển tiếp tín chỉ với Đại học Huddersfields (UK) và Đại học Victoria (Úc) với các ngành Kinh tế xây dựng, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Kiến trúc & Quy hoạch.

Thạc sĩ: Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa trường Đại học Xây dựng và trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) - chuyên ngành Xây dựng công trình và Quản lý dự án. Trường NTU là trường đại học danh tiếng đứng thứ 72 trên TG (theo QS Global World Ranking), và là 1trong 10 trường Đại học khối kỹ thuật tốt nhất châu Á. Chương trình thạc sĩ liên kết được triển khai từ năm 2008, đến nay đã tuyển sinh được 11 khóa với tổng số 113 học viên tham gia

Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa trường Đại học Xây dựng và trường Đại học Khoa học Ứng dụng Leipzig (CHLB Đức) - chuyên ngành Xây dựng công trình bắt đầu thực hiện từ năm học 2017-2018.

Trường Đại học Xây dựng luôn đứng đầu trong công tác tuyển sinh và đào tạo

PV: Trường Đại học Xây dựng luôn đứng trong top đầu điểm tuyển sinh vào trường. Vậy trên cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Thầy có chia sẻ gì với các thí sinh sẽ dự thi năm nay?

PGS.TS Phạm Xuân Anh: Với nguyên tắc xét tuyển như nhiều năm trở lại đây việc đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng; thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự nguyện vọng và trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký… các bạn thí sinh có rất nhiều quyền lựa chọn cho tương lai của mình. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn, ngoài nguyện vọng của cá nhân, các em cần tìm hiểu rõ đánh giá của xã hội và nhu cầu thực tế đối với ngành/chuyên ngành mình đăng ký để có được sự lựa chọn thông minh nhất.

Việc đăng ký xét tuyển, các em cần đăng ký các nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu danh sách để có thể đạt được nguyện vọng theo ý muốn. Trường Đại học Xây dựng có nhiều ngành/chuyên ngành để các em lựa chọn. Trường hợp một em thí sinh nào đó, vì kết quả điểm không đủ đỗ vào ngành/chuyên ngành yêu thích nhất, bạn đó cứ an tâm vào học và học tốt ngành học đã trúng tuyển, sau năm thứ nhất có thể học song bằng. Kết thúc bằng 1 nhiều sinh viên của trường chỉ cần học thêm 1 học kỳ đến 1 năm có thể tốt nghiệp được bằng đại học thứ hai.

Với sứ mệnh: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. Tôi tin rằng, trường Đại học Xây dựng luôn là sự lựa chọn với các bạn yêu thích được làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của lĩnh vực xây dựng.

PV: Xin cảm ơn Thầy!

Hạ Ly (thực hiện)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/truong-dai-hoc-xay-dung-nhieu-buoc-tien-moi-trong-cong-tac-dao-tao-va-tuyen-sinh-nam-2019.html