Trường đào tạo các cậu bé thành 'đàn ông đích thực' tại Trung Quốc

Dạy học trò qua thể thao và khẩu hiệu, thầy Tang Haiyan mang giải pháp đến cho cha mẹ Trung Quốc giúp những cậu con trai yếu ớt của họ trở thành đàn ông thực thụ.

7h40 sáng chủ nhật hàng tuần, các cậu bé lên xe buýt tới một trường học trên ngọn đồi ở phía tây Bắc Kinh. Tại đây, các em được chơi bóng bầu dục và cả bóng đá, những môn thể thao cần đến sức mạnh và tinh thần đồng đội. Bọn trẻ cũng có thể sẽ phải cởi trần chạy trong tháng 12. Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực do thầy giáo Tang Haiyan lập nên trong bối cảnh xã hội Trung Quốc tranh cãi về sự nam tính, xung quanh mối lo về độ hiệu quả của quân đội, sự tôn trọng văn hóa cũng như vai trò truyền thống của người đàn ông, kết quả học tập giảm sút của các nam sinh và hậu quả của chính sách một con. Ảnh: New York Times.

7h40 sáng chủ nhật hàng tuần, các cậu bé lên xe buýt tới một trường học trên ngọn đồi ở phía tây Bắc Kinh. Tại đây, các em được chơi bóng bầu dục và cả bóng đá, những môn thể thao cần đến sức mạnh và tinh thần đồng đội. Bọn trẻ cũng có thể sẽ phải cởi trần chạy trong tháng 12. Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực do thầy giáo Tang Haiyan lập nên trong bối cảnh xã hội Trung Quốc tranh cãi về sự nam tính, xung quanh mối lo về độ hiệu quả của quân đội, sự tôn trọng văn hóa cũng như vai trò truyền thống của người đàn ông, kết quả học tập giảm sút của các nam sinh và hậu quả của chính sách một con. Ảnh: New York Times.

Tang Haiyan lập ra và quản lý trường học với một nhiệm vụ rõ ràng. Đó là đào tạo các nam sinh thành đàn ông thực thụ như hình mẫu mà anh đặt ra. Thầy giáo Tang cho rằng một người đàn ông thì phải chơi thể thao và chinh phục các thử thách. "Chúng tôi sẽ dạy bọn trẻ chơi golf, chèo thuyền, và trở thành những hiệp sĩ", thầy giáo 39 tuổi nói. "Chúng tôi không bao giờ bồi dưỡng những kẻ nhát gan, ẻo lả". Ảnh: New York Times.

Tại Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực, bài học về sự nam tính được dạy qua một loạt khẩu hiệu. Trước khi làm bài tập về nhà, các nam sinh tuyên thệ sẽ học hành chăm chỉ vì "sự đi lên của Trung Quốc" với những câu như: "Tôi là đàn ông thực thụ! Trụ cột gia đình và gánh vác trách nhiệm xã hội trong tương lai! Xương sống của nhân dân Trung Quốc!". Trong trường học đâu đâu cũng là những tấm áp phích đóng khung với hình ảnh của các nhà khoa học và kỹ sư nổi tiếng, trong đó chỉ có duy nhất một nữ bác học là nhà vật lý Marie Curie. Ảnh: New York Times.

Một buổi chiều chủ nhật gần đây, 17 nam sinh tầm 7-12 tuổi tập chạy, cản và chặn đối thủ khi học môn bóng bầu dục. "Ai tốt nhất?", thầy Tang hô to. "Tôi tốt nhất!", các cậu bé hô đáp trả. "Ai khỏe nhất?" "Tôi khỏe nhất!" "Các cậu là ai?" "Đàn ông thực thụ!". Câu lạc bộ này cho rằng một xã hội, với những nam thần tượng ca nhạc trang điểm theo vẻ đẹp lưỡng tính, những bà mẹ quá bao bọc con cái và hầu hết giáo viên là nữ, có thể sẽ biến các nam sinh thành đứa trẻ mít ướt và yếu ớt. Ảnh: New York Times.

Sự lo lắng về khái niệm người đàn ông đích thực làm gia tăng quan ngại về những nam thanh niên Trung Quốc. Truyền thông nước này từng nói rằng trò chơi điện tử và không tập thể dục dẫn tới việc các thanh niên không đủ khả năng hoạt động trong quân ngũ. Theo giáo sư Peng Xiaohui thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung, "việc xóa bỏ các đặc điểm làm nên một người đàn ông dũng cảm dám đương đầu với cái chết và khó khăn" không khác gì "việc đất nước tự sát". "Con trai phải được nuôi dạy làm con trai, con gái làm con gái", New York Times dẫn lời ông Peng. Ảnh: New York Times.

Thầy giáo Tang, cựu huấn luyện viên bóng đá, cho biết ý tưởng thành lập câu lạc bộ bắt nguồn từ những cuộc trao đổi với các bậc cha mẹ lo lắng về việc học hành của con trai. Theo cuộc khảo sát trên 20.000 học sinh tiểu học và phụ huynh tại 4 tỉnh vào năm 2014, gần 2/3 nam sinh có kết quả học tập kém, trong khi số liệu tương ứng đối với nữ là chưa tới 1/3. Nghiên cứu do Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc liên kết với Bộ Giáo dục tiến hành. Ảnh: New York Times.

Thầy giáo Tang cũng được truyền cảm hứng sau chuyến thăm Oakland, bang California vào năm 2006. Tại đây, Tang quan sát bố mẹ người Mỹ dạy con trai "vượt qua các thách thức và nguy hiểm" bằng việc luyện tập thể lực. Trong khi đó, ở Trung Quốc, bố mẹ thường bảo bọc quý tử, đặc biệt khi chính sách một con được ban hành. Cuộc khảo sát của Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng dù trong cuộc sống bình thường hay môi trường giáo dục, con trai có xu hướng được nuông chiều. Ảnh: SCMP.

Thầy giáo Tang cho hay hơn 2.000 nam sinh đã theo học tại trường. Chị Sun Yi kể rằng chị chỉ có một đứa con duy nhất. Chị quyết định ghi danh cho cậu quý tử 8 tuổi vì tin rằng trường học của thầy Tang sẽ giúp con học được tinh thần làm việc nhóm. Sun Yi đóng 2.000 USD cho một kỳ học của con. "Thằng bé từng hay khóc nhè nhưng giờ tôi nghĩ tính khí của nó đã tốt hơn. Tôi cảm thấy khả năng chịu đựng của con đã cải thiện và thằng bé biết cách đối mặt với thất bại hay bực bội", chị chia sẻ với New York Times. Ảnh: SCMP.

Thầy giáo Tang cũng nói rằng "đàn ông đích thực" phải hào hiệp, "ga lăng". "Tôi không bao giờ có thể đòi hỏi điều đó ở một bé gái. Đây là phẩm chất đặc biệt của con trai", Tang nói. Anh có một con gái 3 tuổi. Một số tính cách khác mà các cậu bé nên có là lòng dũng cảm, lối cư xử lịch sự, khả năng nhìn nhận đúng sai và hiểu được khái niệm "vinh dự và nhục nhã". Những nam sinh vi phạm quy định, ví dụ như xô đẩy bạn, nổi cáu hay nói hỗn, có thể sẽ bị trừ điểm và hạ bậc hạnh kiểm từ "phượng hoàng" xuống "trứng thối". Ảnh: New York Times.

Trong những ngày đầu, nhiều cậu bé chỉ dám nói thầm hay thậm chí là khóc tới nửa tiếng, thầy giáo Guo Suiyun, 30 tuổi, chia sẻ. "Khi học sinh khóc, chúng tôi hoàn toàn không an ủi. Chúng tôi chỉ động viên em đó hãy mạnh mẽ lên". Cậu bé Fang Dingyue, con trai 8 tuổi của chị Sun Yi, từng bật khóc khi bị thầy giáo gọi ra vì không theo kịp các bạn lúc diễu hành. Ảnh: SCMP.

Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực là nhằm giúp các em tự lập. Jin Hong, 9 tuổi, cho biết điều em thích nhất với chương trình này là việc em có thể tự học mà không có bố mẹ liên tục thúc ép như ở nhà. Trong khi đó, Shu Shujie, 10 tuổi, cũng chia sẻ về việc cố gắng tự hạn chế thời gian sử dụng điện thoại xuống còn 20 phút trong tuần. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của trường học toàn nam. Wang Chenpeng, 23 tuổi, là nhân viên tiếp thị và thích trang điểm. Anh kể rằng mẹ anh từng đốt hết búp bê của anh vì bà nghĩ chúng quá nữ tính, nhưng anh vẫn phát hiện mình là người đồng tính. "Bọn trẻ sẽ cố làm theo yêu cầu của cha mẹ và trường học để rồi thể hiện vẻ ngoài chỉ mang tính hình thức. Bản chất của chúng vẫn luôn giữ nguyên", Wang nhận định. Ảnh: New York Times.

Ngọc Hà
Theo New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truong-dao-tao-cac-cau-be-thanh-dan-ong-dich-thuc-tai-trung-quoc-post894750.html