Trường ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM: Nguồn thu học phí gần 90%, NCKH chỉ hơn 1%

Năm 2022, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG TPHCM chỉ chiếm hơn 1% trên tổng thu.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là trường đại học công lập đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông, được thành lập theo quyết định số 134/2006/QĐ-TTg ngày 08/06/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin trên website nhà trường, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có sứ mạng là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phục vụ cộng đồng. Là trung tâm hàng đầu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về công nghệ thông tin – truyền thông.

Tầm nhìn đến năm 2030 nhà trường trở thành trường đại học uy tín về công nghệ thông tin – truyền thông và lĩnh vực liên quan trong khu vực châu Á.

Hiện tại, Trường Đại học Công nghệ thông tin có Chủ tịch Hội đồng trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung. Hiệu trưởng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh.

Theo thông tin trên website nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Trường Đại học Công nghệ Thông tin quan tâm và phát triển. Tuy nhiên, theo thông tin trong báo cáo ba công khai một số năm học gần đây của nhà trường cho thấy, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có xu hướng giảm.

Học phí chiếm tỷ trọng gần 90% trong tổng thu

Trong báo cáo ba công khai năm học 2020-2021 và năm học 2022-2023, nhà trường không thống kê số liệu trong cột tổng thu. Đơn vị trong bảng thống kê cũng không có sự đồng nhất "tỷ đồng" hay "đồng". Tổng thu trong báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 ghi đơn vị tính tỷ đồng còn khiến người xem nguồn thu của trường "khủng".

Ảnh chụp màn hình trong báo cáo ba công khai năm học 2020-2021 và năm học 2022-2023 Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chính xác tổng thu của nhà trường năm 2020 là 184,983 tỷ đồng và tổng thu của năm 2022 là 238,776 tỷ đồng.

Như vậy, theo số liệu nhà trường cung cấp, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng thu của nhà trường tăng hơn 53 tỷ đồng.

Nguồn thu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Số liệu thống kê theo báo cáo ba công khai các năm học gần đây, đơn vị tỷ đồng. (Bảng: Sao Mai)

Chia sẻ về điều này, đại diện trường cho hay, năm 2021, nhà trường được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ CHí Minh phê duyệt triển khai đề án đổi mới cơ chế hoạt động và là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động, nhà trường điều chỉnh học phí theo mức dành cho cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo). Chính vì vậy, tổng thu của nhà trường tăng lên.

Liên quan đến nguồn thu từ học phí, theo báo cáo ba công khai một số năm học gần đây, học phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của trường. Đơn cử như năm 2022, thu từ học phí chiếm hơn 88% trên tổng thu.

Trước câu hỏi làm thế nào để tăng các nguồn thu khác, đa dạng nguồn thu (như từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ) thay vì chủ yếu đến từ học phí, đại diện trường không có câu trả lời.

Năm 2022, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ hơn 1% trên tổng thu

Cơ cấu nguồn thu năm 2022 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Thiết kế: Sao Mai

Theo biểu đồ trên, trong khi nguồn thu từ học phí chiếm phần lớn trong tổng thu thì nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường chỉ chiếm hơn 1% trên tổng thu năm 2022.

Đáng nói, từ năm 2020 đến năm 2022, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường giảm hơn 4 tỷ đồng (từ 7,2 tỷ đồng - năm 2020 giảm xuống còn 2,704 tỷ đồng - năm 2022).

Chia sẻ về những khó khăn trong việc nâng cao nguồn thu từ hoạt động này, theo đại diện trường cho biết, từ năm 2020 đến năm 2022 là giai đoạn dịch COVID-19 nên một số hoạt động của nhà trường nói riêng và cả nước nói chung bị gián đoạn, gây nhiều khó khăn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học, đối ngoại. Vì vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn này của trường bị giảm. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, từ năm 2023, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường đã tăng trở lại.

Trường làm gì để đảm bảo tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực ngày 22/03/2024 về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, tiêu chí 6.1 quy định: "Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%".

Tuy nhiên, năm 2021 và 2022, tỷ lệ thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Công nghệ Thông tin lần lượt là 2,8% và 1,1% trên tổng thu.

Phóng viên nêu câu hỏi với nhà trường về giải pháp để đạt tiêu chí 6,1, đại diện trường cho hay, giải pháp trọng tâm để tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là xây dựng nguồn lực, bao gồm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu.

Thứ ba, thu hút các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học.

Thứ tư, xây dựng môi trường làm việc khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Cũng theo đại diện trường, với những giải pháp trên, nhà trường sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, quỹ đầu tư bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước. Hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước ở các dự án nghiên cứu khoa học; hỗ trợ các nhà khoa học trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; tổ chức hội thảo, hội nghị để kết nối nhà trường với doanh nghiệp. Đồng thời, nhà trường thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học; kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo bảng số liệu trên, từ năm 2020 đến năm 2022, thu từ ngân sách của trường giảm mạnh khoảng hơn 28 tỷ đồng. Đại diện trường cho hay, thu từ ngân sách giảm một phần do nhà trường triển khai đề án đổi mới cơ chế hoạt động, là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên nên không còn được nhận kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và phải tự cân đối thu chi tài chính hàng năm.

Về cơ sở vật chất, tiêu chí 3.1 Thông tư 01 quy định: "Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2".

và Tiêu chí 3.2 Thông tư 01 quy định: "Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt".

Theo tìm hiểu qua báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, diện tích đất và diện tích sàn của nhà trường thống kê như sau:

Ảnh chụp màn hình trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Chia sẻ về diện tích đất/sinh viên và diện tích sàn/sinh viên, đại diện trường cho biết, với diện tích đất hiện tại của toàn bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 643,7ha. Trong đó, bao gồm đất dùng chung của Thư viện trung tâm (10ha); ký túc xá (42,08ha); Trung tâm Giáo dục quốc phòng (60ha); hệ thống nhà thi đấu thể thao đa năng (80ha) và Trường Đại học Công nghệ Thông tin có khuôn viên đất là 13ha. Vì vậy, năm học 2022-2023, nhà trường có diện tích đất hơn 25m2/sinh viên.

Với diện tích sàn bình quân mỗi sinh viên của trường hiện nay là 35.706/10.000 thì có 3,57 m2/sinh viên. Con số này cao hơn quy định tại tiêu chí 3.2 Thông tư 01 (2,8m2/sinh viên).

Còn về quy định "ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt", đại diện trường cho biết, nhà trường đang bố trí mỗi tòa nhà một phòng nghỉ giảng viên, mỗi khoa có các phòng làm việc của giảng viên, đáp ứng đủ cho trên 70% giảng viên toàn thời gian có chỗ làm việc riêng biệt.

"Trường Đại học Công nghệ Thông tin có lộ trình, kế hoạch phát triển, hoàn thiện để phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học", vị này chia sẻ.

Sao Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-cong-nghe-thong-tin-tphcm-nguon-thu-hoc-phi-gan-90-nckh-chi-hon-1-post242622.gd