Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan tham gia thảo luận về tình hình tài chính quốc gia

Phát biểu tại Hội trường kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 29/10, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực.

Quang cảnh phiên họp.

Cụ thể, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan nhấn mạnh: Thực hiện kế hoạch tài chính Quốc gia 5 năm 2016-2020, 3 năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu lớn và đạt nhiều kết quả. Đó là: Thu ngân sách 3 năm vượt dự toán trên 200.000 tỷ đồng, giảm dần bội chi và nợ công so với năm 2016, giảm chi thường xuyên tăng chi cho đầu tư phát triển, kỷ luật kỷ cương tài chính được tăng cường, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số hạn chế, bất cập: Bội chi ngân sách, nợ công giảm nhưng nợ Chính phủ còn cao, thu ngân sách chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách chủ yếu từ dầu thô và thu từ đất, thu từ các doanh nghiệp đạt thấp, năm 2018 không đạt tỷ lệ huy động thuế và phí 21% trên GDP, tình trạng thất thu, doanh nghiệp trốn, nợ thuế còn tăng, ngân sách Nhà nước chưa bố trí đủ cho một số mục chi theo kế hoạch, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển khó khăn, thể chế hóa các quy định pháp luật về tài chính ngân sách và đầu tư còn nhiều bất cập, công tác lập dự toán có điểm chưa sát thực tế… Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ cần quan tâm và đưa ra các giải pháp khắc phục căn cơ hơn để đạt được mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm đã đề ra…

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan cũng khẳng định, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ giải pháp thực hiện dự toán ngân sách 2018 và những năm tới rất rõ và phù hợp, đồng thời đồng chí cũng tham gia thêm một số nội dung. Trong đó đề ra về việc phân bổ ngân sách Nhà nước Trung ương năm 2019 và phân bổ nguồn dự phòng ngân sách đã dự kiến bố trí theo thứ tự yêu tiên, đề nghị bố trí đủ ngân sách cho chương trình mực tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đề nghị bố trí một phần nguồn dự phòng ngân sách và từ dự toán ngân sách năm 2019 để hoàn thành đầu tư các dự án kè biên giới, đường tuần tra… đã được Chính phủ phê duyệt và có kế hoạch hoàn thành đầu tư trong giai đoạn trung hạn. Hiện nay tại biên giới phía bắc, phía nước bạn đã hoàn thành toàn bộ hệ thống đường tuần tra, kè biên giới, tại một số vị trí phía bạn đã xây dựng cống thoát lũ với tiết diện lớn xả thẳng ra sông giữa biên giới hai nước, dẫn đến vào mùa mưa làm xói lở bờ sông phía biên giới nước ta, làm thay đổi vị trí tâm điểm xác định ranh giới giữa lòng sông biên giới hai nước và làm ảnh hưởng đến tư tưởng người dân vùng này. Tuy nhiên hệ thống kè ở đây mới được xây dựng hoàn thành khoảng 10%. Cử tri có ý kiến nhiều lần và được Bộ Quốc phòng trả lời do chưa bố trí được vốn để triển khai. Chính vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí đủ vốn để sớm hoàn thành các dự án, chống xói lở, bảo vệ bờ và cồn bãi trên sông suối đất liền Việt Nam – Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục khó khăn vướng mắc, thực hiện huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển ở các địa phương, các dự án Quốc gia cần nguồn lực rất lớn, ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Nếu không có biện pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vay nước ngoài cho đầu tư và cũng không đủ nguồn lực để đáp ứng với yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần huy động các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ODA, nguồn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân theo phương thức đầu tư PPP.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan viện dẫn: Tại Quảng Ninh vừa qua đã huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư với nhiều dự án tổng mức đầu tư lớn 47.174 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 4.717 tỷ đồng. Như vậy cứ 1 đồng ngân sách đầu tư đã thu hút được 8,9 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Qua việc huy động vốn trên tỉnh đã đầu tư được nhiều dự án hạ tầng động lực như: Cảng hàng không, đường cao tốc, cầu Bạch Đằng… để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có ý nghĩa lan tỏa phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, hiện nay chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nguồn vốn vay ODA vẫn còn nhiều bất cập nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thực hiện đạt mục tiêu đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 như mục tiêu đã đề ra và đảm bảo cơ sở pháp lý quản lý đầu tư.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh (Báo Đại biểu Nhân dân)

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan cho rằng cần đổi mới công tác lập dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN). Bởi thực tế qua khảo sát quy hoạch một số nước trên thế giới, việc lập dự toán là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Hầu hết các nước đều quy định rõ lập dự toán trong luật NSNN; thực hiện thời gian rõ việc lập dự toán từ 7 đến 18 tháng; nhiều nước lập dự toán chi NSNN theo nhiệm vụ và xác định kế hoạch đầu ra của sản phẩm theo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và quy trình thông qua dự toán NSNN được Quốc hội bố trí thời gian thỏa đáng trong kỳ họp. Ở nước ta, việc lập dự toán NSNN được thực hiện trong khoảng 6 tháng. Mỗi năm, Bộ Tài chính có 1 thông tư hướng dẫn việc lập dự toán. Việc lập dự toán được Sở Tài chính xây dựng trên cơ sở trao đổi với cơ quan thuế và căn cứ theo số thực hiện năm trước, sau đó Bộ Tài chính có điều chỉnh ấn định trước khi tổng hợp và Chính phủ trình Quốc hội. Việc lập dự toán NSNN như vậy có điểm chưa sát với thực tế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cho đánh giá thực tiễn và có giải pháp phù hợp để việc lập dự toán NSNN sát với thực tế và thực hiện đạt kết quả.

Cuối cùng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế và phát triển nguồn thu, tăng thu NSNN. Vì theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, thời điểm tháng 8/2018, số nợ thuế tăng 13,3% so với số nợ thuế thời điểm tháng 12/2017; thu từ doanh nghiệp cả ở 3 loại hình doanh nghiệp đều đạt thấp không đạt dự toán. Điều đó cho thấy số doanh nghiệp dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả còn lớn và một bộ phận doanh nghiệp chấp hành pháp luật về nộp thuế, chưa nghiêm. Do vậy, cần có sự đồng hành của các cấp các ngành, các địa phương đối với doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả… Vì thế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá hiệu quả thực hiện quy định tự kê khai tự nộ thuế của doanh nghiệp và hậu kiểm của cơ quan thuế, đồng thời cũng thực hiện nghiêm chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp trốn, nợ đọng thuế.

Nguyễn Thị Mai (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201810/truong-doan-dbqh-tinh-do-thi-lan-tham-gia-thao-luan-ve-tinh-hinh-tai-chinh-quoc-gia-2406316/