Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về hoạt động tư pháp năm 2019

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp lần thứ 8, sáng ngày 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án... Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều nội dung.

Đồng chí Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, năm 2019, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và hoạt động tư pháp tiếp tục được Trung ương quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết. Mặt khác, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu mà Trung ương và Quốc hội đề ra. Qua đánh giá chung, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ngày càng tăng và diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân đã tạo áp lực không nhỏ cho các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử, thi hành án. Trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn khó khăn; các cơ quan tư pháp đã chủ động, nỗ lực, có cả sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đạt một số kết quả tích cực như báo cáo đã nêu, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo đồng chí, tình hình tội phạm đã gia tăng trên các lĩnh vực và ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Số vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự đều tăng cao so với năm 2018; tình hình tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm có liên quan người nước ngoài tăng. Đáng báo động là tội phạm về kinh tế, xã hội ngày càng tinh vi và xuất hiện cả những tội lĩnh vực mới như: Tham nhũng, tín dụng đen, trốn thuế; buôn bán sản xuất hàng giả, hàng cấm; tội phạm đánh bạc quy mô lớn, giết người dã man; xâm hại trẻ em; vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra làm ảnh hưởng nhiều người gây bức xúc, bất an trong nhân dân.

Đồng chí cũng chỉ rõ, bên cạnh những mặt tích cưc, hoạt động của các cơ quan tư pháp còn có những hạn chế cả trong chỉ đạo điều tra đến phê chuẩn, áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu chính xác. Đặc biệt, một số chỉ tiêu chưa đạt so với nghị quyết Quốc hội đề ra như: Tiến độ giải quyết các vụ án; tỷ lệ giải quyết, xử lý tin báo tố giác tội phạm; tỷ lệ án hành chính được giải quyết và thi hành án còn thấp; tỷ lệ bản án phải hủy, sửa cao; việc thu hồi tài sản sau vụ án tham nhũng còn hạn chế; số cán bộ trong ngành tư pháp vi phạm tăng… Không những thế, vi phạm hành chính diễn ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực xử lý chưa nghiêm; công tác phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Theo đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ quan cần được chỉ rõ và có giải pháp khắc phục. Đó là: Kỷ cương kỷ, luật hành chính của một bộ phận các bộ, công chức, viên chức chấp hành pháp luật chưa nghiêm; xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực chưa tương xứng với vi phạm như trong các lĩnh vực: vi phạm về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, trốn thuế, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm...; còn có hiện tượng bao che, bảo kê... Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm của các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp còn có lĩnh vực bị buông lỏng, chưa được chú trọng thường xuyên; quản lý nhà nước cấp xã từ các khu dân cư nhiều lĩnh vực chưa chặt chẽ như: Quản lý hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng của người nước ngoài, người nghiện ma túy, nắm tình hình an ninh trật tự, hoạt động các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài... đã để xảy ra tình trạng người nước ngoài thuê phòng nghỉ tổ chức đánh bạc quy mô lớn, hành nghề mại dâm, sản xuất hầng cấm nhưng chậm được phát hiện… Cùng với đó, vai trò các tổ chức mặt trận, đoàn thể từ thôn khu, cơ sở chưa được phát huy tích cực; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân chưa thực chất...

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Từ những hạn chế chủ quan đó, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị có sự chỉ đạo của Trung ương, sự giám sát của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội một cách sâu sát, toàn diện hơn trong công tác này; đề nghị xử lý nghiêm đối với đối tượng vi phạm pháp luật, tạo niềm tin trong nhân dân và phát huy hiệu lực pháp luật.

Về khách quan, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ ra rằng, công tác hoàn thiện thể chế chưa theo kịp với yêu cầu thực tế, những diễn biến phức tạp trong công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật và hoạt động tư pháp: quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực: Xử lý vi phạm hành chính; tố tụng hành chính; hình sự... còn nhiều bất cập; ban hành văn bản chi tiết chậm, thiếu thống nhất, chưa toàn diện, còn kẽ hở. Điển hình là việc Quy định về quản lý cai nghiện, lập hồ sơ cho người đi cai nghiện; cơ chế, quy trình thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý vi phạm hành chính; chế tài xử phạt tội xâm hại trẻ em; cơ chế cưỡng chế thi hành án hành chính... nhiều điểm còn bất cập, không thực hiện được nhưng chậm được sửa đổi ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực thực thi pháp luật.

Đồng chí cũng bày tỏ thống nhất với nhận định của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là: Vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm, tội phạm và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội do vậy cần có giải pháp khắc phục. Mặt khác, đồng chí cũng bày tỏ thống nhất với Dự thảo nghị quyết của Quốc hội là: Chính phủ chủ trì, phối hợp các cơ quan rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành đủ văn bản chi tiết; các cơ quan liên quan sớm có giải pháp kế hoạch, hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm, về hoạt động tư pháp; sửa đổi, bổ sung, giải thích pháp luật và ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện đảm bảo thực thi có hiệu quả, khắc phục những bất cập hiện nay. Đồng chí cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành tư pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Liên quan đến công tác giải quyết vụ án hành chính, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Năm 2019, tình hình khiếu kiện hành chính tăng; công tác xét xử án hành chính có nhiều đổi mới nhưng chưa chuyển biến tích cực. Đó là: Số lượng các vụ án hành chính được tòa án thụ lý tăng 23%, nhưng tỷ lệ vụ kiện đã giải quyết chỉ đạt đạt 59% trong số vụ án hành chính được giải quyết, trong đó có tới 90% khiếu kiện liên quan lĩnh vực đất đai, mặc dù số lượng vụ án hành chính phải giải quyết không lớn, chỉ bằng 2,05% tổng số các loại án. Theo đồng chí, án hành chính liên quan đến đất đai là lĩnh vực nhạy cảm quan hệ trực tiếp đến người dân, nếu giải quyết tốt sẽ hạn chế khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài như hiện nay. Nhưng thực tế án hành chính về đất đai còn nhiều bất cập: Tỷ lệ vụ án được xét xử thấp; tỷ lệ bản án phải hủy sửa cao trên 3% (Quốc hội đề ra 1,5%); tỷ lệ thi hành án hành chính 2019 đạt thấp, số vụ chưa thi hành án tăng cao với 339 vụ, trong đó có 313 vụ người phải thi hành là UBND, Chủ tịch UBND. Đây cũng là hạn chế qua nhiều năm, chưa có giải pháp khắc phục có hiệu quả

Theo đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nguyên nhân chính của tình trạng này là: Tỷ lệ vụ án hành chính được thụ lý giải quyết thấp do việc người kiện chứng minh chứng cứ về đất đai còn khó khăn (một phần do công tác quản lý nhà nước, theo dõi hồ sơ địa chính, cấp quyền sử dựng đất, xác định nguồn gốc đất còn bất cập); tại Tòa án, người bị khởi kiện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa mà ủy quyền không đúng thành phần… nên khi có bản án của toàn án không chấp nhận thi hành án...

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ, Luật tố tụng Hành chính 2015 có một số quy định chưa phù hợp. Ví dụ như Chủ tịch UBND phải tham gia phiên tòa, chỉ được ủy quyền cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND dẫn đến chưa khả thi; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư... có điểm chưa phù hợp, dẫn đến người dân không đồng tình như: Giá đền bù đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm thấp, vì sau thu hồi, chủ đầu tư chuyển đổi thành đất ở thì giá cao gấp nhiều lần…

Sau khi chỉ ra những tồn tạn, hạn chế trong công tác giải quyết án hành chính như trên, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo chính quyền các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện nghiêm quy định về quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, lập hồ sơ địa chính, điều chỉnh biến động đất đai, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và sớm hoàn thành xây dựng dữ liệu đất đai sử dụng có hiệu quả; các cơ quan hành chính ở địa phương cần chấp hành nghiêm quy định về đối thoại tham gia phiên tòa, thi hành án theo quy định pháp luật … nhằm sớm khắc phục tình trạng cơ quan thi hành án cả nể, né tránh, ngại va chạm với chính quyền nên thi hành án chậm... Đặc biệt, đồng chí đề nghị sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến Luật Tố tụng Hành chính, các văn bản chi tiết; mở rộng đối tượng được Chủ tịch UBND ủy quyền gắn với trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án hành chính liên quan đất đai và khắc phục những bất cập như hiện nay…

Bùi Xuân Ninh (Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND và UBND tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201911/truong-doan-dbqh-tinh-thao-luan-ve-hoat-dong-tu-phap-nam-2019-2459771/