Mình còn có đôi tay

Anh Võ Bá Mạo, tại xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam như là một câu chuyện truyền cảm hứng để hàng chục nghìn nạn nhân chất độc da cam dioxin vượt lên nỗi đau, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tháng Tám, trời đã vào thu, những cơn gió từ biển thổi vào vẫn không xua nổi cái nóng bức ở làng chài Bình An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Cơ sở điện máy của ông chủ Võ Bá Mạo ở giữa làng trên một khuôn viên khá rộng rãi. Võ Bá Mạo gần như bò bằng 2 tay và đôi chân bị tật nguyền giữa mớ vật tư điện máy la liệt bám đầy dầu nhớt, mồ hôi nhễ nhại... Không ai nghĩ người đàn ông tật nguyền này lại là một thợ máy giỏi nổi tiếng gần xa. Cơ sở của anh không chỉ sửa chữa xe máy, các dụng cụ điện thông thường mà còn là nơi giúp ngư dân trong vùng bảo trì, bão dưỡng những con tàu sau mỗi chuyến vươn khơi...

Anh Võ Bá Mạo là con liệt sĩ Võ Sang hy sinh năm 1973 tại chiến trường khu V.

Anh Võ Bá Mạo là con liệt sĩ Võ Sang hy sinh năm 1973 tại chiến trường khu V.

Anh Võ Bá Mạo là con liệt sĩ Võ Sang, hy sinh năm 1973. Mẹ anh tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày nay cũng đã mất. Anh là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, đôi chân bị dị tật, không đi lại được từ nhỏ. Hơn 10 năm truân chuyên đi tìm con chữ nhờ tấm lưng bè bạn, giấc mơ đèn sách của Võ Bá Mạo phải dừng lại ở lớp 11.

Anh Mạo là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, đôi chân bị dị tật, không đi lại được từ nhỏ.

“Hồi mới 14, 15 tuổi tôi cứ nghĩ tại sao họ không què mà tôi lại què, rồi đi lại khó khăn nên rất buồn. Tôi cũng cố gắng đi học nghề nhưng không có tiền. Tôi cũng ra Trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi xin học trong trường thấy bị tật họ không nhận nên tôi học lén. 5h là học viên đi học về, tôi mới vào xin học, mấy thầy nước ngoài thấy thương nên họ dạy thêm cho. Đừng có bị ác cảm cuộc sống thì mới vươn lên được chứ nếu anh cứ ác cảm và chế thì không bao giờ anh làm được.”- anh Mạo chia sẻ.

Từng nộp hồ sơ xin vào học Trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi (TP Đà Nẵng) trước đây, nhưng nhà trường từ chối bởi Mạo không đủ sức khỏe. Hai năm “học lén” tại trường nghề, có những lúc bụng đói quay quắt nhưng Mạo không nản. Dù là một học viên không chính thức nhưng Mạo đã được các thầy yêu mến bởi nghị lực và tinh thần cầu tiến hiếm có. Những kiến thức học được tại đây đã giúp anh Mạo trở thành thợ sữa chữa cơ khí thạo nghề, rồi tự lập mưu sinh bằng nghề này trong gần 40 năm qua. Chị Võ Thị Ba, vợ anh không hề cảm thấy ân hận khi đã quyết định cùng anh gắn bó, đi trên con đường nhiều lúc tưởng chừng gập ghềnh không qua nổi.

Anh Mạo là một thợ cơ khí nổi tiếng tại xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

“Gia đình không cho gả, ba mẹ thì mắng, nói đi đâu thì đi chứ lấy thì sau này khổ. Tôi mới nói với cha mẹ là đã quyết tâm không thể bỏ anh ấy được. Cha mẹ tôi sau này thấy anh bị như vậy nhưng vươn lên trong cuộc sống nên cha mẹ rất mừng. Lúc có bầu tôi cũng lo đi khám nhiều lần, sau này sinh ra con lành lặn tôi mừng lắm. Tôi cũng nói với anh rằng vợ chồng mình quá hạnh phúc”- chị Ba nói.

Hơn 30 năm về sống chung một nhà, anh chị đã có hai con gái lớn, đều đã lập gia đình riêng. Bà con địa phương mến phục anh Võ Bá Mạo ở ý chí và khát vọng vượt lên số phận. Anh Đỗ Văn Hải cảm phục khi nói về người hàng xóm của mình như thế này.

Anh Võ Bá Mạo bò bằng hai tay và đôi chân bị tật nguyền giữa mớ vật tư điện máy.

“Anh Nick Vujicic, mình xem trên mạng mình thấy anh thuyết trình cho lớp trẻ, mình thấy anh Nick rồi mình nhìn lại hình ảnh anh Út Mạo thì mới hiểu trong những con người tật nguyện đó có ý chí và nghị lực vươn lên. Anh lo toan cho gia đình, lớn lên dựng vợ, gả chồng cho con cái được trọn vẹn. Với bà con hàng xóm, anh cũng giúp đỡ nhiều người và là nguồn khích lệ cho nhiều người về nghị lực sống”- anh Hải chia sẻ.

Anh Võ Bá Mạo và chị Võ Thị Ba về chung một nhà gần 30 năm, có hai con gái lớn đã lập gia đình.

Mảnh đất Núi Thành, tỉnh Quảng Nam- nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ của quân và dân miền Nam, có hơn 900 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ông Đoàn Văn Cách, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tam Hòa, huyện Núi Thành cho biết, nỗi đau mang tên da cam đã ám ảnh nhiều gia đình. Rất nhiều trường hợp không thể gượng dậy, do tình trạng khuyết tật nặng, một phần do bản thân các nạn nhân da cam thường rơi vào mặc cảm nặng. Ông Đoàn Văn Cách nể phục người đàn ông gần 60 tuổi với đôi bàn tay vững chãi hằng ngày bò trên đống đồ nghề, cần mẫn với công việc sửa chữa cơ khí…

Anh Võ Bá Mạo là người truyền cảm hứng về nghị lực sống cho nạn nhân da cam.

“Anh Võ Bá Mạo có một nghị lực rất lớn, vượt qua số phận. Anh bị tàn tật, 2 tay và 2 chân bò, đi không được nên mọi người hay đùa rằng anh 4 chân. Chúng tôi giới thiệu với lớp trẻ phải có nỗ lực vươn lên, đối với những người tàn tật như a Mạo mà vươn lên như vậy thì không có lý do gì mà mình mạnh khỏe mà không cố gắng vươn lên”- ông Đoàn Văn Cách cho biết./.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/minh-con-co-doi-tay-881165.vov