Trường học biến thành... điểm đón khách Trung Quốc

Hàng loạt công trình xây dựng sai phép chuyên phục vụ khách Trung Quốc ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vẫn tồn tại dù sự việc đã kéo dài gần 2 năm

Ngày 1-8, ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, xác nhận Trường Trung cấp nghề Nha Trang và Trường THPT Đại Việt của Công ty CP Đầu tư Giáo dục Đại Việt (đường Trần Sâm, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) đã biến thành địa điểm phục vụ khách Trung Quốc, thậm chí có người Trung Quốc sinh sống, làm việc tại đây. Sở đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi khu đất vì sử dụng không đúng mục đích giáo dục

Làm liều

Hơn 1 năm nay, khu đất rộng gần 1 ha của Trường Trung cấp nghề Nha Trang và Trường THPT Đại Việt đã trở thành trung tâm mua sắm dành cho khách Trung Quốc. Bên trong, khu vực học tập được cải tạo thành nơi đón tiếp khách mua sắm và showroom, khu vực sân bóng trở thành bãi xe, nhiều công trình cải tạo thành nhà xưởng gia công hàng mỹ nghệ, ngọc trai...

Khu đất Trường Trung cấp nghề Nha Trang biến thành nơi kinh doanh phục vụ khách Trung Quốc

Một người dân sống cạnh trường cho biết trước đây, cơ sở này là nơi giảng dạy nhưng hơn 1 năm qua, khách Trung Quốc đổ về đây mua sắm. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe ra vào, người đến tấp nập. Nhiều hộ buôn bán nhỏ quanh khu vực đã đồng loạt ghi tiếng Trung Quốc để bán hàng thêm. Không chỉ đón du khách, cơ sở này còn có khoảng mấy chục người Trung Quốc chuyên giới thiệu, hướng dẫn, bán hàng. Những người này ngoài một số ở lại đây, số khác thuê trọ bên ngoài.

Khu đất này có tổng diện tích hơn 10.000 m2, vốn là cơ sở dạy nghề cho phụ nữ thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Đại Việt thuê với thời hạn 50 năm, để xây dựng Trường Trung cấp nghề Nha Trang theo chủ trương xã hội hóa. Giá thuê chỉ hơn 2.100 đồng/m2/năm và ổn định trong 5 năm đầu. Sau đó, trong khuôn viên khu đất này tiếp tục hình thành Trường THPT Đại Việt.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Việt, phân bua do hoạt động giáo dục dạy nghề khó khăn, nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, không hiệu quả kinh tế nên doanh nghiệp cải tạo, chuyển sang phục vụ khách du lịch.

"Thực ra, chúng tôi đã xin phép nhiều lần nhưng cấp xã, thành phố nói không đủ thẩm quyền còn cấp tỉnh lại đề nghị cấp thành phố xem xét. Chuyền qua chuyền lại cả năm vẫn không có giấy phép nên chúng tôi mới xây. Như cam kết với chính quyền, khi nào nhà nước làm đường thì chúng tôi tự nguyện tháo dỡ. Chúng tôi xin ký quỹ để nếu không tự tháo dỡ thì dùng số tiền này làm chi phí nhưng cũng không được chấp nhận" - ông Tuấn nói.

Lúng túng xử lý

Chạy dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành, hàng chục cơ sở phục vụ du khách Trung Quốc có quy mô rộng hàng ngàn mét vuông, được xây dựng hoành tráng, hoạt động công khai nhưng đa số lại xây dựng không phép và sai phép. Từ đầu năm 2018, báo chí đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng này cho thấy hàng loạt công trình nằm trong quy hoạch đất trồng rừng, đất vườn, đường giao thông.

Thời điểm này, một số công trình đã đi vào hoạt động, một số chỉ mới xây dựng. UBND xã Phước Đồng và UBND TP Nha Trang đã kiểm tra, đình chỉ, xử phạt. Tuy nhiên đến nay, các cơ sở kinh doanh không bị xử lý dứt điểm mà vẫn được hoàn thiện và ngang nhiên tồn tại. Đơn cử như cửa hàng cà phê "Xin Chào" khi phát hiện sai phạm, công trình này chỉ có phần khung. Thế nhưng sau gần 2 năm xử lý, cửa hàng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Hiện nay, tại xã Phước Đồng có khoảng 14 cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm như trầm hương, đồ mỹ nghệ, nệm... chuyên phục vụ du khách, chủ yếu người Trung Quốc. Những cơ sở này có quy mô từ 1.000-4.000 m2, cùng lúc có thể đón hàng chục ôtô 45 chỗ và hàng trăm du khách. Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết xã đã nhận được quyết định cưỡng chế 6 công trình xây dựng sai phạm phục vụ khách Trung Quốc, trong đó có cửa hàng cà phê "Xin Chào", Trường Trung cấp nghề Nha Trang.

Vì sao sự việc kéo dài, chủ đầu tư có nhiều sai phạm nhưng chính quyền không xử lý dứt điểm, để hoàn thiện rồi mới tháo gỡ? Ông Pháp cho rằng chính quyền địa phương lập biên bản, tạm giữ dụng cụ lao động, xử phạt, cắt cử người chốt chặn nhưng không thể canh suốt thời gian dài. Trong khi chủ đầu tư vẫn cố tình xây dựng, hoàn thiện đưa công trình vào hoạt động. Vì vậy, xã đã đề nghị chính quyền cấp trên cưỡng chế. Tuy nhiên, các công trình diện tích lớn, kết cấu kiên cố nên địa phương phải thuê đơn vị tư vấn, lập phương án tháo dỡ.

Trong kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đánh giá tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên địa bàn là do sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cấp xã khi không có biện pháp ngăn chặn vi phạm, xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép, chậm tổ chức cưỡng chế. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND TP Nha Trang phối hợp các đơn vị có kế hoạch cưỡng chế vào tháng 8 và tháng 9.

Khách Trung Quốc tăng gần 40%

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách Trung Quốc tính chung trong 7 tháng đầu năm đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tình trạng khách Trung Quốc sụt giảm đã kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa trong 5 tháng đầu năm đạt trên 1 triệu lượt khách, tăng gần 37% so với cùng kỳ. Ước tính trong 2 tháng 6 và 7, lượng khách này tăng ở mức 37%-39%.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/du-lich/truong-hoc-bien-thanh-diem-don-khach-trung-quoc-20190801210649282.htm