Trường học 'gắn mác' quốc tế gây rối loạn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Những ngày qua, vụ việc một học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón đang gây bức xúc dư luận, càng bức xúc hơn khi cái tên trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway lại được khẳng định là không phải trường quốc tế.

Hiện nay, có không ít trường phổ thông xuất hiện với cái tên có gắn thêm hai chữ "quốc tế", nhưng "thật giả lẫn lộn", nhiều trường chỉ là tự "gắn mác" để thu hút và chiêu sinh. Để các loại cơ sở giáo dục, trường học tự ý trưng biển quốc tế thu giá dịch vụ "trên trời" thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trường học tự xưng danh gây rối loạn

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho biết: “Chắc chắn bất kỳ ai cũng đều cảm thấy rất “sốc” trước một câu chuyện đau lòng của học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường.

Lúc này, chúng ta đặt ra một câu hỏi, là sự rối loạn trong hệ thống các trường phổ thông ở Hà Nội, có quá nhiều trường phổ thông công lập, ngoài công lập, quốc tế... thì có cách nào giúp phụ huynh tìm hiểu được đâu là trường quốc tế thật, đâu là trường quốc tế “tự xưng danh”? Bản thân tôi là một người làm trong ngành giáo dục mà đôi khi cũng phải băn khoăn về vấn đề này.

Như vậy, chính bản thân những người làm trong ngành giáo dục còn khó phân biệt, thì liệu rằng, phụ huynh sẽ dựa vào thông tin nào để lựa chọn cho con một môi trường phù hợp?”.

Bà Vũ Thu Hương bày tỏ những băn khoăn: “Khi đọc những văn bản của bộ GD&ĐT, tôi nhận thấy thiếu hẳn một phần định danh của các trường, hoàn toàn chưa có quy định định danh rõ ràng.

Rất nhiều trường dân lập tự ý “gắn mác” quốc tế với cái tên “International” khiến phụ huynh rất khó để phân biệt được chương trình dạy học quốc tế hay chỉ là cái mác?

TS. Vũ Thu Hương cho rằng đã đến lúc bộ GD&ĐT phải rà soát lại các trường học.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng đã đến lúc bộ GD&ĐT phải rà soát lại các trường học.

Lưu ý, tính chất quốc tế ở đây là gì? Học sinh học nhiều tiếng Anh, hay giáo viên là người nước ngoài, hay sử dụng chương trình giáo dục của nước ngoài… phải có những tiêu chí đó, phụ huynh mới có thể nắm thông tin và lựa chọn được. Hiện nay, mọi thứ đều rối loạn, phụ huynh đều không biết đâu mà lần”.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường đại học FPT cho rằng: “Một phần lỗi ngộ nhận và lạm dụng cái danh trường quốc tế là do phụ huynh, khiến cho các trường tìm cách đáp ứng mong mỏi đó.

Trong khi thực ra trong quản lý nhà nước đã có quy định khá rõ ràng về vấn đề đặt tên cho một trường học như thế nào. Ví dụ, đối với trường phổ thông, tên trường sẽ bắt đầu bằng loại hình trường (THPT, THCS, phổ thông liên cấp…) sau đó là tên riêng của trường. Và tên trường học chỉ có như vậy thôi, không có những yếu tố liên quan đến đẳng cấp hay chất lượng học.

Không để trường học tự xưng danh quốc tế “nhởn nhơ”

Trước thực trạng trên, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương khẳng định: “Theo tôi, đối với bộ GD&ĐT cũng như các sở, ban, ngành phải có những quy định, yêu cầu cụ thể về các trường, giữa trường công lập và dân lập khác nhau như thế nào, yêu cầu của trường quốc tế chắc chắn phải khác yêu cầu của trường dân lập, số tiền trong trường quốc tế bao giờ cũng cao hơn rất nhiều, nếu không có sự quy định rõ ràng, phụ huynh rất dễ trở thành “nạn nhân” của sự nhập nhằng trong việc thu phí”.

“Bên cạnh đó, theo tôi, các sở, phòng, ban cũng thường xuyên có những buổi rà soát đối với những ngôi trường đó. Ý nghĩa của cái tên “International” là gì? Tại sao lại đặt như vậy?

Không thể chỉ bởi vì, trường dạy nhiều tiếng Anh mà trở thành trường quốc tế. Điều này không chính xác”, bà nhấn mạnh.

“Tôi chỉ muốn nhắn nhủ một lời khuyên đến các bậc phụ huynh, đừng để những cái tên bóng bẩy làm cho “mờ mắt”, những cái tên gắn mác quốc tế thực sự không chính xác, bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất hoành tráng không đại diện hoàn toàn cho cái tâm của người làm giáo dục. Phụ huynh hãy quan tâm đến những quy trình, phương pháp giáo dục nhiều hơn, những kỹ năng, phương tiện liên lạc khi xảy ra vấn đề cần giải quyết...”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.

Ông Lê Trường Tùng cũng bày tỏ trước thực trạng này: “Các trường được phép hoặc không được phép đưa thêm chữ quốc tế vào chỉ được xem như yếu tố mô tả thêm hoạt động của trường, chứ không thể là một thành phần cấu thành trong tên của trường về mặt pháp lý. Hiện tượng này không chỉ các trường phổ thông mà nhiều trường đại học cũng đang lạm dụng điều này, các cơ quan nhà nước không để ý đến, mặc dù đây hoàn toàn là một trường quốc nội, tức là dạy theo chương trình của Việt Nam, cấp bằng cấp của Việt Nam.

Ý nghĩa của trường quốc tế, phải là dạy theo chương trình của nước ngoài, bằng cấp do nước ngoài cấp, tức là hệ thống song song với hệ thống giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu của thị trường “sính ngoại” dẫn đến nhiều đối tác trong giáo dục lợi dụng điểm này để đặt một cái tên quốc tế”.

Ông khẳng định: “Qua câu chuyện này cần phải có sự chấn chỉnh lại, nguyên tắc những trường không đáp ứng thì trong tên trường không được có chữ quốc tế. Bộ chỉ cần gửi văn bản chỉ đạo các sở, phòng, ban thực hiện nghiêm túc theo quy định lập tên trường tại địa phương.

Mỗi trường khi thành lập sẽ có tư cách pháp nhân, có con dấu với tên trường chính xác do cơ quan nhà nước có trách nhiệm cấp cho trường, phụ huynh phải căn cứ vào con dấu qua các hồ sơ của trường để lựa chọn cho chính xác”.

Theo TS. Lê Trường Tùng, trường quốc tế phải hoạt động trong một hệ thống song song với hệ thống giáo dục Việt Nam.

Tự xưng danh quốc tế sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trao đổi về mức xử phạt đối với việc tự ý định danh tên trường có “gắn mác” quốc tế, luật sư Nghiêm Quang Vinh, công ty luật Nghiêm Quang cho biết: “Theo quy định nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, điều 138 BLHS năm 2013 quy định mức phạt tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với doanh nghiệp là 100 triệu đồng. Đối với từng hành vi, sẽ có quy định riêng, xử lý theo việc thành lập trường quốc tế đó có đủ điều kiện hay không người ta sẽ xử phạt theo mức độ, theo quy định”.

Ông chỉ rõ: “Hệ thống trường Gateway đang tuyển sinh và đã được phòng GD&ĐT phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh.

Trường đưa danh quốc tế, thì phải xem xét cụ thể ở từng hành vi xem có “cao” quá không, hay vẫn chấp nhận được. Và trách nhiệm ở đây thuộc về phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, phải kiểm tra đủ hay không đủ, bởi vì để thành lập cơ sở giáo dục phải theo doanh nghiệp có điều kiện; từ việc thành lập trường, thì trong trường cũng phải xây dựng những quy chế”.

“Đối với vấn đề danh xưng, đầu tiên phải xem đăng ký và quy chế của trường có đúng như những gì đã đăng ký hay không. Nếu doanh nghiệp đó khuếch đại danh xưng nhưng chỉ mang tính tuyên truyền chưa đụng chạm đến vấn đề tài chính (bởi mức tài chính của trường phải trình cho các cơ quan của quận, huyện xét duyệt), không ảnh hưởng đến chất lượng học tập thì không vấn đề gì. Còn nếu khuếch đại không đúng bản chất thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức cao nhất là 100 triệu đồng.

Nếu sai phạm nhiều lần và ở mức cao sẽ bị tịch thu giấy phép hoạt động và đình chỉ tuyển sinh.

Ở địa phương nào thì địa phương đó phải quản lý, tiến hành xử phạt, ví dụ, ở quận sẽ do phòng GD&ĐT quản lý, tiến hành xử phạt hành chính.

Nếu cơ quan nào biết doanh nghiệp, tổ chức làm sai mà vẫn bao che thì cơ quan quản lý đó sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, tùy cá nhân mà đi kiểm tra, kiểm soát mắc lỗi sẽ bị xử phạt theo luật công chức, viên chức: phạt cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc dừng công tác)”, luật sư Nghiêm Quang Vinh phân tích thêm.

Cẩm Mịch - Di Hân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/truo-ng-ho-c-ga-n-ma-c-quo-c-te-gay-ro-i-loa-n-tra-ch-nhie-m-thuo-c-ve-ai-a444940.html