Trường học giữa nắng cháy và gió mặn Trường Sa

Thầy giáo Bành Hữu Tình thường dậy từ 5 giờ sáng, khi Trường Sa còn tương đối mát mẻ. Nhưng chỉ vài tiếng sau là cái nắng Trường Sa đã khô rát mặt người...

Thầy giáo Bành Hữu Tình và các học sinh ở Trường Sa trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018. (Ảnh: NVCC)

Trường của chúng em nơi đảo xa

Tập thể dục, tưới rau, ăn sáng với mì tôm, thầy chuẩn bị cho một ngày học mới. Lớp học chưa đến chục trẻ mà đã 3-4 trình độ khác nhau, trong đó phải kể đến hai bạn lứa tuổi mầm non còn phải vừa dậy vừa dỗ, vừa chia đồ chơi vừa giục uống sữa. Vào lớp, thầy trò khởi động bằng một bài hát thật sôi động, sau đó thầy hướng dẫn hai bạn nhỏ tô màu, vẽ để các bạn có thể ngồi ổn định, tiếp đến là hướng dẫn các bạn lớp 2, rồi qua lớp 4...

Cũng như vậy với các thầy ở đảo Sinh Tồn, khi tôi quan sát các thầy làm việc. Đảo Sinh Tồn có hai thầy giáo: Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Công Qua còn rất trẻ, thế hệ 9X, nhưng đều tỏ ra kiên nhẫn tuyệt vời với trẻ nhiều lứa tuổi và trình độ học khác nhau.

Môi trường sư phạm ở Trường Sa lớn và Sinh Tồn đều tuyệt đẹp: sáng sủa, ấm cúng. Trên bảng, chữ các thầy cũng mềm mại nắn nót không khác gì các cô giáo đất liền. Trong lớp có đủ các góc xinh xinh: góc Toán, góc Văn - Sử - Địa, góc Thư viện, góc thông báo Sinh nhật và nhiều thông tin nho nhỏ khác. Bên ngoài, chiếc trống trường sơn màu đỏ nằm êm ả trên giá. Cửa sổ mở ra hướng biển, gió lộng. Những hành lang dài theo bước chạy học sinh...

Hai ngôi trường trên đảo Trường Sa lớn (xây năm 2013) và Sinh Tồn (xây năm 2014) đều là kết quả của chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” do Quỹ học bổng Vừ A Dính phát động. Tính đến tháng 4/2014, gần 300 tập thể, cá nhân đã đóng góp cho chương trình hơn 23,4 tỷ đồng.

“Giá có được xích đu, nhà bóng”

Tôi nán lại xin trò chuyện với thầy Bành Hữu Tình khi các bạn nhỏ đã về hết, sân trường trống trải. Thầy Tình đưa tay chỉ khoảng không, nói như phân bua: “Trước có những đồ chơi lớn phục vụ nhu cầu hoạt động thể chất cho các em như thú nhún, cầu trượt... nhưng vừa phải dọn đi vì hỏng hóc hết. Nắng cháy gió mặn Trường Sa khiến đồ chơi hỏng nhanh quá. Giờ các cháu ra chơi chỉ chạy loanh quanh ở sân đây thôi! Giá có được xích đu, nhà bóng... thì bọn trẻ phấn khởi lắm”.

Phải rồi, trẻ con mà! Trẻ con Trường Sa nhiều nắng, nhiều gió hơn các bạn đất liền nhưng vẫn có nhu cầu giải trí cao và thiếu thốn đồ chơi, không gian để trẻ con phát triển thể lực và tư duy. Mới đây, tôi nghe nói đến chương trình tặng quà Tết thiếu nhi cho học sinh Trường Sa của CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương với kế hoạch tặng 30 chiếc xe đạp thiếu nhi cho các cháu. Bọn trẻ hẳn vui thích lắm.

Cùng với các vị khách, các bạn nhỏ hát bài “Em yêu trường em...” với vẻ tự hào, phấn chấn, đáng yêu. Cũng như các bạn đất liền, các bé ở đây lanh lợi, thích đồ chơi, hay chí chóe với nhau, cũng cởi mở trò chuyện với đại biểu các đoàn công tác đến thăm.

Tôi thử chơi vài trò chơi quen thuộc với các bạn nhỏ thì thấy các em không lạ lẫm gì với những hoạt động như vậy. Tôi hiểu rằng, dù ở xa, các thầy vẫn rất cố gắng cập nhật những phương pháp giảng dạy mới, áp dụng hợp lý ở môi trường đặc biệt này. Nói là đặc biệt vì dù gì các bạn nhỏ cũng phải chia sẻ với người lớn những khó khăn khách quan về khí hậu, thời tiết, thiếu nước, thiếu rau và tâm thế luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Khách đến thăm đôi khi làm gián đoạn hoạt động học của thầy và trò, nhưng ai cũng hân hoan. Chúng tôi gặp cả các phụ huynh đến đón con. Hầu như ai cũng tỏ ra hài lòng và yên tâm với ngôi trường đáng yêu và cách dạy trẻ ở đây. Một bà mẹ ở Trường Sa lớn khoe - có hai hộ đang có bầu. Vậy là trường tiểu học thị trấn Trường Sa vài năm nữa lại có thêm học trò!

Thầy giáo Bành Hữu Tình và các em học sinh thân yêu tại lễ khai giảng năm học 2018 -2019. (Ảnh: NVCC)

Niềm vui của thầy giáo Trường Sa

Thầy Bành Hữu Tình, trước là giáo viên trường Tiểu học Suối Cát (Cam Lâm, Khánh Hòa). Thầy làm đơn tình nguyện ra Trường Sa và gắn bó với ngôi trường ở đây đã gần 2 năm. Xa con gái (năm nay học lớp 4), để gắn bó với các bạn nhỏ Trường Sa, ban đầu thầy giáo trẻ ấy tưởng không chịu nổi.

Thầy Tình chia sẻ, ngày xưa xa con một chút không chịu được, giờ không dám gọi điện nhiều vì sợ con hỏi: “Bao giờ ba về?”, tưởng chừng như muốn bỏ hết để về với con. Thời hạn 5 năm làm việc với một thầy giáo trẻ đã là khó khăn không dễ vượt qua. Với người đã có con nhỏ như thầy Tình, đó là thử thách gấp bội.

Thầy Tình khoe với tôi một cuốn lịch, trên đó, mỗi ngày có một câu châm ngôn sống. Thầy nói: “Đây là cách để em vượt khó. Danh ngôn hay châm ngôn đều tiếp thêm nghị lực cho người trên đảo bằng ý tứ thông thái của mình”. Và đây, câu mà thầy đã đọc được cũng như giữ lại cho mình: “Nỗi đau của ngày chia ly không là gì so với niềm vui khi gặp mặt”.

Bây giờ, với cuộc sống “độc thân mà không đơn độc” trên Trường Sa lớn, ngoài giờ bận rộn với học trò, thầy phải tự tạo niềm vui cho mình bằng cách tăng gia trồng cây, trồng rau. Sáng chiều tưới tăm cho vườn rau đủ cả rau má, mùng tơi, thơm, bí, rau ngót Nhật, cà, mọi chịu đựng xa cách cũng dễ chịu hơn. Tối thầy thường ngủ sớm để đêm dậy, khi mạng internet chạy với tốc độ tối ưu nhất, tìm cách tải những bài hát, trò chơi, tài liệu mới để áp dụng cho học sinh.

Nhìn mấy bé vui chơi, học tiến bộ, hồn nhiên trong tuổi thơ hạnh phúc ở Trường Sa, thầy thấy vui thêm từng ngày dù nỗi nhớ con vẫn nhói nhè nhẹ trong tim. Thầy giáo mỉm cười khẳng định: “Con gái em sau này sẽ tự hào về em”. Tôi hoàn toàn tin vào điều ấy!

Tiếp xúc với thầy, tôi thấy - kỳ lạ thay, vẻ lạc quan nhỏ nhẹ của thầy lại tiếp thêm năng lượng cho người ở đất liền. Dường như mọi vấn đề mình đang phải đối mặt trở nên bé nhỏ và đơn giản trước sự kiên nhẫn, hồn hậu của người thầy giáo Trường Sa.

TS. Nguyễn Thụy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truong-hoc-giua-nang-chay-va-gio-man-truong-sa-99390.html