Trường học không rác thải nhựa tại vùng cao Ba Chẽ

Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên ngành GD&ĐT Quảng Ninh phát động phong trào 'Nói không với rác thải nhựa'. Cùng với các trường trong toàn tỉnh, tại vùng cao Ba Chẽ, phong trào này cũng được giáo viên và học sinh hưởng ứng nhiệt tình, với cách làm đầy sáng tạo.

Cô giáo hướng dẫn học sinh làm đồ dùng từ vật liệu tái chế.

Chúng tôi có mặt tại Trường PTDT bán trú TH-THCS Thanh Lâm trong một buổi ngoại khóa giữa tháng 11 phát động toàn trường tham gia Chiến dịch Xanh bảo vệ môi trường. Sau khi chăm chú nghe thầy cô nói đến tác hại của rác thải nhựa, các em học sinh được hướng dẫn làm các vật dụng từ vật liệu tái chế và trồng hoa trong khuôn viên trường. Trong không khí thoải mái, vui vẻ, nét hào hứng hiện rõ trên những gương mặt hồn nhiên, háo hức của các em học sinh. Những bàn tay nhỏ xinh vuốt từng mép giấy, cắt từng vỏ chai nhựa, gắn từng bông hoa, sản phẩm thu được là những chiếc ống cắm bút, chậu trồng cây cảnh, bình hoa vô cùng đẹp mắt.

Những chiếc giỏ nhựa đựng rác, được dán nhãn thông tin "rác hữu cơ", "rác vô cơ" giúp các em phân loại rác ngay trước khi vứt bỏ chúng. Số rác vô cơ sẽ được chuyển ra bãi tập kết để công ty môi trường thu gom. Rác hữu cơ được ủ làm phân bón để trồng rau. Tại một góc vườn trường, những luống rau cải xanh mướt được trồng, chăm sóc và ngày ngày tưới bằng phân hữu cơ tự ủ bởi bàn tay của chính các em cùng thầy cô. Số rau này sẽ phục vụ trong các bữa ăn bán trú tại trường.

Bồn trồng hoa, cây cảnh được làm từ lốp xe cũ.

Tại một góc khác, những bồn hoa, cây cảnh tạo thành từ việc sử dụng lại các lốp xe cũ, sơn nhiều màu sắc sặc sỡ để luôn tạo cảm giác tươi mới cho khu vườn. Vừa hì hụi trồng cây cảnh vào các bồn hoa tự chế, em Vi Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 8, hào hứng chia sẻ: Ở trường, đầu tuần các lớp trực ban thường dọn vệ sinh, quét sân trường. Chúng em cũng được các thầy cô hướng dẫn và quy định rõ phải phân loại rác ngay từ ban đầu trong cuộc sống hàng ngày. Em cảm thấy rất vui vì đã góp phần làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp.

Vườn rau cải xanh mướt được tưới bằng phân ủ từ rác hữu cơ.

Thanh Lâm là một trong những xã vùng cao của huyện Ba Chẽ. Với đặc thù dân số trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế do nếp sống kém vệ sinh đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen từ đời này qua đời khác. "Dẫu biết rằng việc thay đổi tư duy, cách nhìn nhận của người dân nơi đây là không thể thực hiện trong một sớm một chiều, tuy nhiên, với việc nhà trường quy định thực hiện hàng ngày đối với tất cả học sinh và giáo viên, chính là giúp họ hình thành thói quen tốt, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, phân loại rác trước khi vứt, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", cô Phạm Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH-THCS Thanh Lâm, cho biết.

Các em học sinh Trường PTDT bán trú TH-THCS Thanh Lâm thực hành phân loại rác.

Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là của nhà trường trong việc hướng dẫn và quy định cụ thể đối với học sinh, việc thực hiện "nói không với rác thải nhựa" tại trường vùng khó như Thanh Lâm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các em không chỉ thấy tác hại của rác thải nhựa mà còn ý thức được mình cần phải làm như thế nào, phải phân loại rác ra sao. Việc cần làm tiếp theo chính là làm thế nào để duy trì và để học sinh thực hiện như một thói quen chứ không phải là một quy định cứng nhắc.

Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, khẳng định: "Với mục tiêu tạo ra thói quen cho trẻ khi còn nhỏ sẽ hình thành những con người có ý thức bảo vệ môi trường”, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, chương trình giảng dạy tại các nhà trường trên địa bàn huyện cũng sẽ dần sử dụng các vật dụng thay thế thân thiện với môi trường nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa sử dụng một lần. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục bảo vệ môi trường sẽ được các thầy cô lồng ghép trong các hoạt động giảng dạy để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gần gũi và tạo hiệu ứng tích cực cho các em. Khi mỗi học sinh làm tốt công tác vệ sinh môi trường, hạn chế rác thải nhựa, thì đây chính là những tuyên truyền viên tích cực cho mọi người xung quanh".

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/truong-hoc-khong-rac-thai-nhua-tai-vung-cao-ba-che-2461119/