Trường hợp nào được miễn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức?

Ứng viên thi tuyển công chức có 30 phút thi ngoại ngữ với 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Trên cơ sở đó, việc thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng: vòng 1 thi kiểm tra kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm và vòng 2 thi nghiệp vụ.

Trong phần thi kiến thức chung (60 phút) sẽ bao gồm 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác để đánh giá năng lực.

Thời gian 30 phút dành cho thi ngoại ngữ với 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định; cùng với đó là thời gian thi tin học 30 phút với 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Thí sinh được miễn thi ngoại ngữ khi có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu; có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số…

Nghị định nêu rõ, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì được thi tiếp vòng 2, nghiệp vụ chuyên ngành. Về phần thi này, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định hình thức thi phỏng vấn, viết, kết hợp phỏng vấn và viết. Thời gian thi phỏng vấn sẽ kéo dài trong 30 phút; thi viết 180 phút, với thang điểm 100.

Trường hợp cơ quan quản lý công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi tại vòng 2 thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.

Kết quả điểm thi tại vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Trường hợp có từ 2 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển. Trường hợp nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/truong-hop-nao-duoc-mien-thi-ngoai-ngu-khi-thi-tuyen-cong-chuc-1758798.tpo