Trường Lưu - nơi lưu giữ những di sản vô giá

Làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh) là mảnh đất đã sinh ra nhiều khoa bảng, tú tài, tiếng thơm nức cả vùng xứ Nghệ xưa. Đây cũng là một trong những miền quê văn hóa có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của truyền thống hiếu học. Những giá trị văn hóa ấy đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, nguyên Trưởng phòng Các vấn đề điều khiển (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu chia sẻ rằng, làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, trứ danh với dòng họ Nguyễn Huy. Làng có nhiều nét văn hóa đặc sắc như nghề dệt vải và hát ví phường vải, nhưng trở nên nổi tiếng khắp cả nước từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu về trí sĩ và dày công xây dựng nên 8 cảnh đẹp tại làng.

Ông Nguyễn Huy Oánh đã xây dựng Phúc Giang thư viện và lập nên Trường Lưu học hiệu. Đó chính là nơi khai sinh của Di sản tư liệu ký ức thế giới Mộc bản trường học Phúc Giang (Mộc bản Trường Lưu) đã được UNESCO công nhận vào năm 2016. Mộc bản có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê. Cùng với đó, Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ 18 được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn thảo cũng trở thành Di sản tư liệu thế giới vào năm 2018. Như vậy, hai trong số 7 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam nằm ở làng Trường Lưu, chưa kể hiện nay, địa phương đang báo cáo theo phân cấp để đệ trình UNESCO công nhận tư liệu Hán Nôm thế kỷ 18 là Di sản tư liệu thế giới.

 Du khách tham quan phòng trưng bày các di sản văn hóa ở làng Trường Lưu.

Du khách tham quan phòng trưng bày các di sản văn hóa ở làng Trường Lưu.

Trường Lưu-một làng quê mộc mạc, trù phú, êm ả, ẩn chứa bao nét đẹp thiên nhiên và tỏa hương thơm của văn hóa làng. Làng có trường học, thư viện, có chùa, có miếu cổ cây cao bóng cả, có vườn hoa, hồ sen bốn mùa ngát hương thơm, có giếng khơi trong lành. Làng Trường Lưu hiện có nhiều di tích lịch sử đa dạng, gồm: Đền, đình, chùa, miếu mạo, nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, trong đó có 4 di tích lịch sử cấp quốc gia và 8 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Huy Mạnh, người trông coi đình làng Trường Lưu giới thiệu với chúng tôi: “Điểm chung của những di tích ở đây là đều được làm bằng gỗ, chủ yếu là gỗ lim. Hệ thống xà, cột, kèo được khắc chạm rất tinh xảo. Đặc biệt, trong mỗi căn nhà cổ được các nghệ nhân đúc tác nhiều ký tự, chữ viết ở những vị trí hết sức đặc biệt. Nhiều du khách ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến tham quan đều đánh giá cao tài điêu khắc của người Việt”.

Xưa nay, Trường Lưu còn được coi là cái nôi của hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014). Ngôi làng nhỏ bé này cũng là cái nôi của Hồng Sơn văn phái mà đỉnh cao là hai tác phẩm "Hoa Tiên” (Nguyễn Huy Tự) và “Mai đình mộng ký” (Nguyễn Huy Hổ). Không chỉ vậy, Trường Lưu còn lưu danh “đất phát nhân tài” với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Tấm bia đá trong đình làng Trường Lưu ghi danh 30 người con của làng đỗ tiến sĩ ở thế kỷ 18, 19 và rất nhiều hương cống, cử nhân. Nhiều người trong số họ là các nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao. Từ năm 1945 đến nay, Trường Lưu có hàng chục người trở thành giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cấp tướng. Ngày nay, con em Trường Lưu đã tiếp nối truyền thống khoa bảng của các bậc tiền nhân, nhiều gia đình có 4-5 con đều đỗ đại học.

Hiếm có đất nào như Trường Lưu, hội tụ rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể ở tầm quốc gia, quốc tế. Những giá trị đó đang được những thế hệ đi sau gìn giữ, phát huy. Những ngày có mặt trên mảnh đất Trường Lưu, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây ai cũng hiểu biết, tự hào khi nói về lịch sử truyền thống địa phương mình. Nhiều di tích được tu bổ, gìn giữ nguyên vẹn, du khách thập phương đến với Trường Lưu ngày một nhiều hơn. Từ đình làng ra trường học, điệu hò ví, giặm được cất lên từ con trẻ đến người già. Dòng họ khuyến học, hội khuyến học ở làng, xã đã động viên, khích lệ con em học tập thành tài.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết: "Tháng 7-2018, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết về “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025”. Đây là cơ sở để các di sản văn hóa ở Trường Lưu được bảo tồn và phát huy như chính cái tên làng-Trường Lưu”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/truong-luu-noi-luu-giu-nhung-di-san-vo-gia-609703