Trường mầm non cho con em công nhân: Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tiễn

Các ngành chức năng vừa nỗ lực 'chỉ đạo', 'hướng dẫn', vừa tạo điều kiện để thành lập cơ sở mầm non tại các khu công nghiệp. Song hiện tại, đây vẫn đang là mong mỏi của công nhân, người lao động bởi thực tế 'cung' đang là muối bỏ biển so với 'cầu'.

“Cung” không theo kịp “cầu”

Trường Mẫu giáo Hoàng Thị Loan (P. Bến Thủy, TP Vinh) là trường duy nhất tại Nghệ An dành cho con em công nhân. Trường do Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan thành lập từ năm 2008, nhằm đáp ứng nhu cầu gửi, trông trẻ của người lao động, giúp họ yên tâm làm việc. Trường nhận trẻ từ 20 tháng tuổi trở lên. Năm học này, trường có 230 trẻ, trong đó, con em công nhân chiếm 2/3.

Theo quy định của công ty, nếu trong tháng công nhân xếp loại A thì con em họ học tại trường sẽ được miễn học phí (350 nghìn đồng/tháng). Cô Lê Thị Thủy – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Hầu hết con em công nhân đều được miễn học phí. Bản thân công nhân khi gửi con ở đây họ rất yên tâm nên họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để không ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ”.

Về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và nọi dung chuyên môn giảng dạy, nhà trường đều căn cứ vào quy định của Bộ GD&ĐT và chỉ đạo, hướng dẫn của Sở, Phòng GD&ĐT TP Vinh. Trường cũng có một trạm y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ với 4 y, bác sỹ.

Tuy nhiên, do trực thuộc công ty nên về chế độ làm việc, giờ giấc của nhà trường theo ca, kíp và giờ làm việc của công nhân. Ở đây, trẻ cũng sẽ nghỉ Tết muộn (28 Tết) và đi học sớm (mồng 4 Tết). Trường tổ chức cả dạy thứ 7, Chủ nhật (không thu thêm học phí) nếu công nhân phải tăng ca. Trường cũng hoạt động bình thường trong 3 tháng nghỉ hè.

Cô Thủy tâm sự: Trường rất hạn chế nghỉ dạy, suốt 10 năm qua, năm ngoái, lần đầu tiên trường mới tổ chức cho toàn thể giáo viên đi du lịch 3 ngày. Trước khi đi phải làm văn bản xin ý kiến đồng ý của công nhân và gửi cho công ty.

Theo thống kê, Nghệ An đang có hơn 90.000 lao động nữ làm việc ở các khu công nghiệp, đa số đang ở độ tuổi sinh đẻ, có con nhỏ. Nhưng việc tìm được trường, cơ sở mầm non để gửi trẻ đáp ứng nhu cầu rất khó khăn. Một mặt do đặc thù giờ giấc công việc thường phải đi sớm, về muộn. Mặt khác, các trường mầm non công lập hiện đang quá tải, trong khi trường tư học phí lại quá cao.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 1657/UBND-TH ngày 26/3/2015 về “Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 404 đến năm 2020 và kế hoạch năm 2015”. Theo đó, lộ trình đến năm 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ dành quỹ phúc lợi, hỗ trợ kinh phí cho nữ công nhân lao động gửi con và hỗ trợ việc xây dựng, phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục và các trường mầm non. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa một ngôi trường nào được xây dựng.

Khuyến khích mở nhóm lớp tư thục

Cơ sở mầm non Yên Bình (xã Hưng Đông, TP Vinh), là một trong số ít nhóm lớp mầm non độc lập nhận trẻ từ 12 tháng tuổi. Xuất phát từ thực tế cơ sở nằm gần khu công nghiệp Bắc Vinh, người lao động có nhu cầu gửi trẻ sớm.

Về mức học phí, cô Nguyễn Cẩm - phụ trách cơ sở - cho biết: “Chúng tôi thu từ 550 nghìn – 650 nghìn/trẻ/tháng tùy vào nhóm lớp. Đối với trẻ là con em hộ nghèo hoặc cận nghèo được miễn giảm 50%. Đây là mức phí đã được “hết sức cân đối” để đảm bảo hài hòa lợi ích của phụ huynh và nhà trường. Với mức học phí này, trẻ được học cả ngày thứ 7 và giờ giấc đón và trả trẻ linh hoạt”.

Hiện, tổng số trẻ tại cơ sở là 120 cháu. Trường có 10 cô và 2 nhân viên nấu ăn. Các phòng học đều được trang bị tivi, điều hòa, đồ dùng, đồ chơi đầy đủ. Ngoài ra, có một hội trường rộng để các cháu sinh hoạt tập thể. “Quan trọng nhất là việc chăm sóc trẻ cần phải có trách nhiệm, yêu thương, ân cần. Lúc ấy, trẻ mới theo cô, mà bản thân phụ huynh có niềm tin vào cơ sở”, cô Cẩm nói

Nhóm lớp độc lập đang là loại hình được khuyến khích nhằm giảm áp lực cho trường mầm non công lập tại TP Vinh. Các nhóm lớp tư thục tập trung ở các phường như Hưng Đông, Đông Vĩnh và Quán Bàu – xung quanh KCN Bắc Vinh. Nhiều đơn vị có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện có 13/103 cơ sở được UBND thành phố công nhận đủ điều kiện phổ cập mầm non 5 tuổi, trong đó có cơ sở Yên Bình.

Ông Lê Trường Sơn – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh - đánh giá: Mô hình các nhóm trẻ, các cơ sở giáo dục tư thục ở các khu công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn các trường mầm non công lập. Lý do chính bởi học phí không quá cao so với trường công, các cháu lại được ăn sáng, lớp học có sĩ số ít và phụ huynh có thể thỏa thuận với nhà trường về thời gian đón trẻ.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đang xây dựng Đề án Phát triển quy mô mạng lưới mầm non ngoài công lập trình UBND tỉnh, nhằm xây dựng các chính sách cho loại hình này, trong đó có ưu tiên đến những trường ở các khu vực đặc thù như khu công nghiệp, khu vực nông thôn, nơi người dân có thu nhập thấp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/truong-mam-non-cho-con-em-cong-nhan-khoang-cach-giua-ky-vong-va-thuc-tien-3926639-b.html