Trưởng Phòng CSGT TP.HCM nói về chuyện ứng xử với người vi phạm

Những ngày qua, dư luận đang rất 'nóng' trước việc cán bộ chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường gặp sự chống đối từ người điều khiển phương tiện vi phạm. Đơn cử, chiều tối 17/7, tại TPHCM một người phụ nữ vi phạm đã hung hăng lăng mạ người thi hành công vụ. Trước đó, ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra hàng loạt vụ người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, ngược lại còn tấn công CSGT gây thương tích.

Liên quan đến câu chuyện này, để cung cấp thông tin về công tác xử lý người vi phạm khi có thái độ hành vi chống đối. Cũng như việc xây dựng tác phong, hình ảnh người chiến sĩ CSGT tại TP HCM. Báo Công an TP HCM đã liên hệ với Trung tá Huỳnh Trung Phong – Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM.

Trung tá Huỳnh Trung Phong – Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM.

PV: - Thưa Trung tá Huỳnh Trung Phong, đồng chí có thể cho biết, khi gặp tình huống bị chống đối, cán bộ chiến sĩ CSGT phải làm gì để vừa đảm bảo văn minh ứng xử và cương quyết buộc người vi phạm chấp hành hiệu lệnh?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: - Khi gặp các tình huống đối tượng chống đối không chấp hành theo hiệu lệnh của người thi hành công vụ, cán bộ chiến sĩ (CBCS) cần phải nhanh chóng báo cáo về Ban Chỉ huy đơn vị để xin ý kiến chỉ đạo đồng thời yêu cầu hỗ trợ thêm lực lượng để cùng phối hợp giải quyết vụ việc.

Trong quá trình tiếp xúc với người vi phạm, CBCS phải giữ bình tĩnh, ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết. Trước hết là nhắc nhở, vận động, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm của mình.

Nếu người vi phạm vẫn tiếp tục ngoan cố không chấp hành và có những hành động gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của quần chúng nhân dân và CBCS thì phải nhanh chóng khống chế, đưa đối tượng về trụ sở cơ quan Công an gần nhất để tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Một điểm lưu ý, trong quá trình giải quyết đối với những tình huống đối tượng chống đối lực lượng thi hành công vụ, ngoài sự linh hoạt, khéo léo, đòi hỏi CBCS phải tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân có mặt tại nơi xảy ra sự việc để cùng phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng, mặt khác không để xảy ra tình trạng đối tượng lôi kéo kích động quần chúng nhân dân gây mất an ninh trật tự.

Lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng CSGT nói riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, thường xuyên được các cấp lãnh đạo quán triệt văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân, được trang bị cẩm nang “Phương án xử lý các tình huống cản trở, chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT” nhằm phòng ngừa, xử lý các vụ việc chống người thi hành công vụ.

PV: - Nhiều ý kiến cho rằng, khi gặp trường hợp người có hành vi vi phạm chống đối quyết liệt, CSGT có quyền khống chế đối tượng chống người thi hành công vụ. Như vậy có đúng không?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: - Sau khi lực lượng chức năng đã nhắc nhở, vận động, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm của mình, nhưng đối tượng vẫn tiếp tục ngoan cố không chấp hành và có những hành động gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của quần chúng nhân dân và CBCS thì CBCS phải tiến hành khống chế, đưa đối tượng về trụ sở cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp đối tượng có sử dụng hung khí có thể ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng đến quần chúng nhân dân và của người thi hành công vụ thì CBCS có thể sử dụng công cụ hỗ trợ tương xứng để ngăn chặn các đối tượng chống đối, kiên quyết không để các đối tượng gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người thi hành công vụ cũng như uy tín, danh dự của Ngành.

Mục đích của việc CBCS khống chế đối tượng chống đối là để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho quần chúng nhân dân và CBCS, đồng thời tránh để vụ việc diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự.

Hình ảnh người phụ nữ xô xát, lớn tiếng lăng mạ CSGT được chụp từ Video ghi lại sự vào chiều 17/7 tại giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí (phường 25, quận Bình Thạnh).

PV: - Đồng chí có thể cho biết, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho CBCS CSGT khi thực hiện nhiệm vụ?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: - Để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các trường hợp chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng CSGT, Ban Chỉ huy Phòng đã quán triệt các đơn vị và CBCS thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên tổ chức quán triệt đến tận CBCS về các Thông tư quy định về quy trình tuần tra kiểm soát, Nghị Định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và các văn bản pháp luật liên quan, cẩm nang “Phương án xử lý các tình huống cản trở, chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT” nhằm phòng ngừa, xử lý các vụ việc chống người thi hành công vụ, trong đó tập trung vào những CBCS làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn văn hóa ứng xử, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao kỹ năng xử lý vi phạm cho CBCS khi thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, các đơn vị phải chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp hỗ trợ giữa lực lượng CSGT và các lực lượng (kể cả trong và ngoài ngành) khi tiến hành tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT nhằm tăng cường nhân lực khi thực hiện.

Ba là, CBCS khi thực hiện nhiệm vụ đều được trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, bộ đàm, còng… để răn đe, ngăn chặn các đối tượng chống đối, kiên quyết không để các đối tượng gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người thi hành công vụ cũng như uy tín, danh dự của Ngành. Đồng thời, khi thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, CBCS phải chấp hành nghiêm quy trình công tác, điều lệnh CAND, giữ đúng tư thế, tác phong, có lời nói, ngôn phong lịch sự khi tiếp xúc với nhân dân.

Bốn là, bảo đảm chế độ trao đổi thông tin và báo cáo khi có vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra. Khi vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra, CBCS kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy đơn vị xin ý kiến chỉ đạo, phân công lực lượng hỗ trợ, đồng thời trao đổi thông tin với Công an địa phương nơi xảy ra vụ việc để hỗ

Năm là, khi xảy ra vụ việc chống người thi hành công vụ, CBCS phải sử dụng camera ghi hình toàn bộ diễn biến vụ việc để phục vụ công tác xử lý của lực lượng chức năng.

Sáu là, trong quá trình giải quyết các trường hợp chống người thi hành công vụ, CBCS phải tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân tại nơi xảy ra vụ việc. Giải thích vận động người dân ủng hộ, hỗ trợ lực lượng thi hành công vụ trong việc giải quyết, bắt giữ các đối tượng có hành vi chống đối.

Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng kêu gọi người dân khi tham gia giao thông luôn chấp hành các quy định của pháp luật, tôn trọng người thực thi công vụ; mọi vấn đề liên quan đến CBCS người tham gia giao thông đều có thể phản ánh đến các cấp lãnh đạo Phòng hoặc cao hơn. Lực lượng CSGT cam kết luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và sẵn sàng chấn chỉnh, xử lý các trường hợp CBCS vi phạm.

Do vậy Phòng CSGT ĐB-ĐS mong muốn nhận được những đóng góp tích cực và xây dựng của người dân đối với lực lượng CSGT để xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh và phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

PV: - Xin chân thành cảm ơn Trung tá Huỳnh Trung Phong!

Theo báo Công anTP. HCM

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/truong-phong-csgt-tphcm-noi-ve-chuyen-ung-xu-voi-nguoi-vi-pham-d104124.html