Trường Quốc tế 'chê' giá sách giáo khoa cao, than chương trình phổ thông áp lực

Trường Quốc tế TP.HCM cho rằng chương trình phổ thông mới còn áp lực, nhiều nội dung chưa phù hợp, giá sách giáo khoa cao hơn so với chất lượng.

Chiều 17-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội do ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCHC) về thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, mục đích của đoàn chủ yếu khảo sát, lắng nghe cơ sở nhằm đánh giá hiệu quả triển khai, các thuận lợi cũng như khó khăn của các cơ sở giáo dục về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo tại buổi giám sát, bà Phạm Thị Phương Thảo, Trưởng phòng dự án và đối ngoại của Trường Quốc tế TP.HCM cho biết, trường được thành lập từ năm 2014, là trường có vốn đầu tư nước ngoài và hiện có 1.700 học sinh, đến từ 61 quốc tịch và 12 ngôn ngữ. Đội ngũ của trường có 202 giáo viên và 268 cán bộ, nhân viên.

Hiện nay, trường có ba cơ sở và số học sinh Việt Nam đang học chương trình tiếng Việt chiếm 48% và có 89 giáo viên, trợ giảng.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tham quan và trao đổi cùng trường về việc triển khai chương trình mới. Ảnh: PA

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tham quan và trao đổi cùng trường về việc triển khai chương trình mới. Ảnh: PA

Về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh Việt Nam, trường đã xây dựng kế hoạch để triển khai từ năm học 2020-2021 và đến nay đang thực hiện tại các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10. Việc sử dụng sách phê duyệt sách giáo khoa của UBND TP.HCM.

Khi thực hiện, đội ngũ giáo viên Việt Nam tại trường rất khéo léo và cẩn thận để truyền tải các nội dung của chương trình Việt Nam đến với học sinh. Bên cách đó, việc giảng dạy cũng được thực hiện sinh động, giúp học sinh hứng thú học tập và dễ tiếp thu kiến thức.

Đánh giá chương trình mới, theo bà Phương Thảo, nội dung sách giáo khoa thể hiện đầy đủ chương trình môn học, có tính định hướng và phân loại cao, từ đó phát huy được phẩm chất, tư duy năng lực cho học sinh. Các chủ đề được phân chia rõ ràng, cụ thể, thể hiện đa dạng các hoạt động để giúp học sinh tự đánh giá được mức độ hiểu cũng như có thể vận dụng vào thực tế.

Tuy nhiên, trường còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới, như một số giờ học các môn tiếng Việt của khối tiểu học được sắp xếp sau giờ cơm trưa, dễ gây mệt mỏi và giảm hứng thú của học sinh. Trình độ tiếng Việt của học sinh có sự khác biệt tương đối lớn vì các em học tập và sinh hoạt trong môi trường quốc tế nên thời gian tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt còn hạn chế.

Đánh giá về sách giáo khoa, bà Phương Thảo cho rằng nội dung sách chưa thật sự phù hợp với kiến thức sẵn có và trải nghiệm của học sinh. Như chương trình tiểu học có nội dung còn tập trung vào phân môn, tuy có tích hợp nhiều môn học nhưng không rõ ràng. Còn đối với chương trình THCS, THPT, do đặc thù là trường quốc tế nên có sự khác biệt khá lớn về thời lượng giảng dạy nên đội ngũ giáo viên chỉ mới khai thác những chủ đề chính của sách giáo khoa ở mức độ cơ bản.

"Chương trình còn khá áp lực, nhiều tác phẩm hơi khó so với năng lực ngôn ngữ của học sinh quốc tế. Bên cạnh đó, giá sách cao hơn so với chất lượng, sách cũng không bền, dễ rách và nhanh phai màu. Việc phát hành không phổ biến tại nhiều nhà sách, sách cũng khó mua do đặc thù trường quốc tế chỉ dùng một vài môn trong chương trình trong khi các nhà cung cấp thường bán nguyên bộ sách" - bà Thảo nêu.

Bà Thảo cho rằng nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này vì học sinh thay đổi môi trường học thường xuyên dẫn đến việc học và sử dụng tiếng Việt bị gián đoạn, không đồng nhất và lâu dài. Hơn nữa, học sinh Việt Nam tại trường có số giờ học các môn tiếng Việt rất ít.

Do đó, giải pháp hiện tại của trường là tổ chức các lớp học tiếng Việt và các hoạt động ngoài giờ học (tự nguyện), giúp học sinh có thêm môi trường tương tác tiếng Việt.

Về phía Sở GD&ĐT TP.HCM, bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, cho rằng phía Sở cũng đã có ghi nhận việc triển khai chương trình mới với các trường Việt Nam cũng như quốc tế.

Qua tìm hiểu, đúng là khả năng tiếng Việt của học sinh ở các trường còn hạn chế vì các em sinh sống ở môi trường quốc tế nhiều nên giáo viên giảng dạy khá vất vả. Hơn nữa, thời lượng dạy học chương trình tiếng Việt ở các trường quốc tế hiện nay còn ít theo quy định của Bộ GD&ĐT trong khi nội dung học nhiều. Do đó, bà Thư cho biết sắp tới Sở sẽ kiến nghị với Bộ để tăng thêm thời lượng học cho các trường.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-quoc-te-che-gia-sach-giao-khoa-cao-than-chuong-trinh-pho-thong-ap-luc-post724394.html