Trường quốc tế: Nghịch lý của sự khai phóng

'Ngôi trường ra đời vào ngày 17 tháng 9 năm 1924, với chỉ 8 học sinh và 1 chú thỏ'. Một lời giới thiệu mở đầu không thể khiêm nhường hơn của ngôi trường quốc tế đầu tiên trong lịch sử.

Là thành phố lớn thứ hai ở Thụy Sĩ, được bao bọc bởi dãy Alps và chia sẻ một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Tây Âu, thành phố Geneve là trung tâm ngoại giao của cả thế giới, với trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế khác. Có lẽ đó cũng là lí do vì sao ngôi trường quốc tế đầu tiên trên thế giới đã ra đời tại đây, Trường quốc tế Geneva.

Ra đời năm 1924, nghĩa là ngôi trường này còn chưa đầy trăm tuổi. Thế mà, sau chỉ gần một thế kỷ, từ một ngôi trường với vẻn vẹn “8 học sinh và 1 chủ thỏ”, nó đã nhanh chóng trở thành hình mẫu để ngày nay có đến hơn 9.000 ngôi trường quốc tế trên khắp toàn cầu, giảng dạy cho hơn 5,1 triệu học sinh, theo số liệu thị trường năm 2018.

Đáng chú ý là, cũng theo nguồn số liệu này, không phải châu Âu - quê hương của khái niệm “trường quốc tế” - là nơi mà loại hình dịch vụ giáo dục này phát triển nhất. Trái lại, chính tại châu Á, lục địa đang trỗi dậy mạnh mẽ, trung tâm kinh tế mới của thế giới, mới là nơi những trường quốc tế mọc lên nhiều hơn cả. Trong 9 thành phố có số lượng trường quốc tế lớn nhất, có đến 8 thành phố nằm ở châu Á, xếp từ trên xuống lần lượt là Dubai, Thượng Hải, Abu Dhabi, Bắc Kinh, Doha, Phnom Penh, Singapore và Tokyo.

Ở Việt Nam, sau một vụ tai nạn gây rúng động xã hội, người ta mới tá hỏa ra số lượng trường quốc tế thực thụ không nhiều như vẫn tưởng. Mặc dù thế, phải công nhận rằng, những trường quốc tế “giả danh” cũng là những trường tư được đầu tư lớn, về cơ sở vật chất và lộ trình học cũng không thua kém gì các trường quốc tế chính danh và cũng theo đuổi những mô hình giảng dạy cấp tiến.

Nhưng trường quốc tế, dù danh xưng này gợi lên sự đa dạng và toàn cầu, lại tồn tại nhiều nghịch lý về sự bất công.

Trường quốc tế Geneva - ngôi trường khai sinh ra khái niệm trường quốc tế.

Khi quốc tế có nghĩa là phương Tây

Về cơ bản, trên thế giới, trường quốc tế được định nghĩa là một trường học sử dụng giáo trình được thừa nhận bởi những tổ chức giáo dục quốc tế như IBO (Tú tài quốc tế), Edexcel hay Cambridge. Và những tổ chức này, nói cho cùng đều bắt nguồn từ châu Âu.

Sự bùng nổ của trường quốc tế và những ngôi trường na ná quốc tế tại châu Á dường như phản ảnh khao khát bắt kịp châu Âu trong một thế giới theo chủ nghĩa trọng Âu (Eurocentrism). Cũng là điều đương nhiên, văn minh châu Âu với những trào lưu triết học khai phóng con người đã đẩy lục địa này đi trước một quãng dài.

Bất chấp thời đại thực dân kiểu cũ đã trở thành lịch sử, khi ta nhắc đến từ “quốc tế”, trong nhiều trường hợp nó đơn giản nhằm ám chỉ “phương Tây”. Ví dụ như “luật quốc tế”.

Trong quá khứ, nó được đặt ra bởi người phương Tây để hợp pháp hóa công cuộc khai thác thuộc địa. Ở thời hiện đại, nó cũng không có nhiều tác dụng với thế giới thứ ba, nó hướng tới chống khủng bố, bảo vệ quyền lợi của những siêu tập đoàn, hay nói như học giả M.Mutus trong bài nghiên cứu trên một ấn bản của Đại học Havard: “Chế độ nhân quyền quốc tế chỉ là sự bày vẽ của phương Tây, một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc - lần này là trên phương diện đạo đức - được dùng để xuất khẩu gói văn hóa phương Tây”.

Với giáo dục cũng vậy. Hệ thống giáo dục quốc tế lấy giáo dục phương Tây làm tiêu chuẩn. Nói thế không chỉ bởi phần lớn hoặc toàn bộ các môn học được học bằng tiếng Anh. Cũng không hẳn chỉ bởi cốt lõi giáo dục của nó đậm đặc tư tưởng phương Tây từ thời Socrates, Plato, coi tri thức không đến từ việc dạy mà đến từ việc hỏi, tức là khác xa so với truyền thống giáo dục Đông Á chịu ảnh hưởng từ đạo Khổng, lấy Kinh Thi là nội dung nền móng, không học Kinh Thi thì chẳng biết gì để nói. Đáng nói hơn, bản chất trường quốc tế buộc nó phải bứt mình ra khỏi những giá trị bản địa, bởi xét cho cùng thì người ta học trường quốc tế để làm gì nếu không phải là để tạo bước đà học lên cao hơn ở các trường đại học Mỹ hay châu Âu?

Trên tờ Guardian từng xuất hiện một bài với tiêu đề: “Những học sinh trường quốc tế: không gốc rễ và không có một mái nhà?”, trong đó tường thuật lại cảm giác thiếu vắng một bản dạng văn hóa ở những trẻ em được đào tạo trong trường quốc tế.

Ngay chính Alec Peterson, vị giám đốc điều hành đầu tiên của tổ chức Tú tài quốc tế (IBO) - một tổ chức với các chương trình giáo dục được áp dụng tại hơn 3.500 trường quốc tế trên khắp thế giới, cũng từng thừa nhận rằng chương trình học của IBO “không thực sự quốc tế và quá nghiêng về phương Tây”, nó đề cao sự phát triển cái tôi và ít đoái hoài tới việc học cách hòa hợp với mọi người xung quanh. Gần đây (lại) có chuyện một anh giáo viên người nước ngoài ở Việt Nam nghênh ngang tuyên bố rằng: “Chúng tôi là những giáo viên phù hợp nhất, chúng tôi được giáo dục tốt hơn. Chúng tôi được dạy tư duy độc lập”.

Đúng là người phương Tây tư duy độc lập tốt hơn nhưng anh ta sai ở chỗ nghĩ điều đó thì ưu việt hơn bản chất ôn hòa của người châu Á, anh ta sai khi nghĩ lý tính tốt hơn cảm tính - và đó là mặc định sai mang tính hệ thống của người phương Tây.

Chẳng có cái gì tốt hơn cái gì. Vấn đề là cách nhìn của người phương Tây và Á Đông hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, đối với một bài luận văn với đề bài kiểu như “Liệu có trường hợp nào có thể biện minh cho sự lừa dối?”, học sinh phương Tây sẽ trả lời có hoặc không, còn người châu Á thì luôn là cả có và không. Người phương Tây không thể hiểu được tại sao người châu Á lại luôn lòng vòng và tự mâu thuẫn với chính mình.

Và để đạt điểm số cao trong một kỳ thi quốc tế như SAT, bạn không thể trả lời nước đôi. Thành thử, sự thành công trong con đường học vấn quốc tế đôi khi đòi hỏi bạn phải bớt là người châu Á đi một ít.

Biếm họa về nghịch lý của nền giáo dục tinh hoa. Trong tranh, một anh chàng đang leo những nấc thang học vấn hồ hởi nói rằng: “Giáo dục bậc cao là giải pháp tốt nhất cho bất công thu nhập”. Nhưng cuối cùng anh ta nhận ra cái nấc thang ấy nằm gọn trong tay 1% dân số giàu nhất thế giới mà thôi.

Tác nhân đào sâu khoảng cách giàu nghèo?

Thêm một nghịch lý nữa ở những ngôi trường quốc tế: một mặt, nó là cách để phổ biến rộng rãi hơn nền giáo dục tiên tiến phương Tây tới những quốc gia mới nổi, mở ra cơ hội cho thế hệ trẻ các nước này tiếp cận với tinh hoa giáo dục hiện đại và không bị tụt hậu so với những quốc gia phát triển.

Song, mặt khác, thế hệ trẻ mà ta đang nói đến chỉ khu trú ở tầng lớp giàu có mà thôi. Với mức học phí cao ngất ngường, đắt gấp hàng chục lần so với trường công, trường quốc tế, tuy mục đích ban đầu là dành cho trẻ em ngoại quốc sinh sống ở nước sở tại nhưng cuối cùng, nó trở thành nơi người giàu gửi gắm con em.

Trong tiếng Anh có một cụm từ rất hay là “human capital”, nghĩa là “nguồn vốn con người”. Cụm từ này hàm nghĩa toàn bộ những năng lực, kiến thức, trí tuệ, uy tín, phẩm chất nghề nghiệp của một cá nhân trên góc độ kinh tế. Nó hay ở từ “capital” - nguồn vốn - cũng là cốt lõi của chủ nghĩa tư bản (capitalism), vốn không gì hơn là sự tích lũy vốn.

Ý là, giá trị con người thực ra cũng là một loại vốn tư bản mà thôi. Giáo dục là một trong những phương cách giúp gia tăng nguồn vốn con người, cho nên giáo dục cũng là một động lực tư bản và giáo dục cũng có thể trở thành nguồn gốc tạo ra bất công xã hội.

Vì thế, với các nhà giáo dục, khi quan sát ở một phạm vi rộng lớn hơn, bất công trong giáo dục cũng trở nên rối rắm hơn nhiều. Chẳng phải chỉ riêng những trường quốc tế hay những ngôi trường tư đắt đỏ, những trường đại học tinh hoa (như các trường Ivy League chẳng hạn), mà đến cả chương trình cao học - dịch vụ giáo dục bùng nổ từ hậu Thế chiến II, tức là mọi thứ cung cấp nền học vấn cao hơn cho một số đối tượng, lại là bánh răng đưa sự bất công xã hội đi xa hơn nữa.

Điều tưởng như bình thường nhất, rằng “tôi kiếm nhiều tiền để con tôi được hưởng lợi, điều đó thì có gì sai?”, kỳ thực lại là hạt nhân của một vấn đề vĩ mô khi ta nhìn vào đại cảnh. Nhưng có thể làm gì đây? Nói gì thì nói, xã hội luôn là một cuộc đua. Không thể bảo những kẻ chạy nhanh chạy chậm lại để người khác còn theo kịp. Chỉ có cách thúc đẩy người chạy chậm chạy nhanh hơn.

Ví dụ ở Thái Lan, đất nước với khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới năm 2018 theo số liệu thu thập của Ngân hàng Credit Suisse, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của đất nước này đang dự thảo đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học để kiểm tra tiếng Anh cho học sinh. Tầm nhìn của ông rất rõ ràng, nếu ta không thể tìm được đủ người bản ngữ để dạy cho toàn bộ 10 triệu học sinh trên đất nước, và chắc chắn là không tìm được, thì ta có thể thay thế bằng trí tuệ nhân tạo.

Như vậy, sẽ chẳng lo trường này tốt hơn trường kia, chất lượng các trường sẽ không quá sai khác. Nói là làm, Bộ Giáo dục Thái Lan đã bắt đầu cùng Hội đồng Anh triển khai dự án trên.

Dù điều này đã được nói rất nhiều lần và trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng cũng không thừa nếu lặp lại, rằng có rất nhiều thứ chúng ta có thể học hỏi được từ những người bạn láng giềng.

Hiền Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/truong-quoc-te-nghich-ly-cua-su-khai-phong-562284/