Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng bị tố chiếm dụng vốn phụ huynh

Mới đây, một số phụ huynh đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra Sở, tố cáo dấu hiệu sai phạm diễn ra ở Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; do Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam là đơn vị đầu tư và quản lý).

Trường Quốc tế Singapore bị phụ huynh tố cáo có sai phạm trong thu tiền.

Trường Quốc tế Singapore bị phụ huynh tố cáo có sai phạm trong thu tiền.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận Hải Châu) và nhiều phụ huynh khác đang có con học lớp mầm non tại Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng, hiện trường có những khoản thu nằm ngoài luật định với các cháu từ mầm non lên tiểu học và từ cấp 2 lên cấp 3.

“Kể từ năm học 2018, Kinderworld đã tự ý đặt ra một khoản phí có tên “phí đặt cọc” 8 triệu đồng/học sinh. Trước đó, khi ghi danh cho các cháu học mầm non vào năm học 2017, chúng tôi đã phải đóng một khoản phí đặt cọc 11 triệu/học sinh và chính đại diện công ty này đã cam kết sẽ bỏ khoản phí này khi các cháu lên lớp 1.

Đã có nhiều phụ huynh phản đối khoản thu này nhưng Kinderworld phớt lờ, hoặc trả lời không thỏa đáng, lại còn tự ý đặt thu thêm phí đặt cọc khi trẻ vào lớp 1. Khoản phí này được đại diện công ty hứa sẽ hoàn trả khi các cháu chấm dứt học tại trường vào lớp 12 hoặc phải báo trước 3 tháng khi thôi học. Đây là hành vi chiếm dụng vốn của các phụ huynh có con em theo học tại trường. Khoản “phí đặt cọc” này hoàn toàn trái quy định pháp luật”, ông Tuấn nói.

Theo các phụ huynh, việc thu phí này không hề có hóa đơn thu chi theo quy tắc tài chính. Đồng thời, hiện tại trường này cũng không thành lập Ban Đại diện phụ huynh như theo Điều 91 Luật Giáo dục.

“Đại diện công ty cho rằng việc thu phí này là một “thỏa thuận dân sự” và khi phụ huynh ký đơn nhập học cho con em là đã đương nhiên đồng ý thỏa thuận, nhưng chúng tôi không đồng tình. Mọi thỏa thuận dân sự không thể trái luật. Chưa kể công ty này dường như né việc gặp mặt tập thể phụ huynh để trả lời, nhằm kéo dài thời gian đến sát hạn phải nộp học phí lẫn ký đơn nhập học, để thu cho bằng được khoản tiền trái luật này”.

“Trong giáo dục, mục tiêu lớn nhất là đào tạo con người và tạo ra một môi trường ngay thẳng - trung thực cho trẻ. Vì vậy, mặc dù chúng tôi có thể đóng một khoản học phí lớn cho con em theo học tại trường, nhưng chúng tôi cương quyết phản đối việc lạm thu bằng những thứ phí trái luật do Kinderworld tự ý đặt ra”, nội dung đơn viết.

Ngày 30/6, phụ huynh tiếp tục cung cấp văn bản trả lời vấn đề này của Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam. Theo văn bản, “khoản phí đặt cọc được căn cứ vào Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đã áp dụng phổ biến ở các trường quốc tế khác tại Đà Nẵng và Việt Nam. Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng bắt đầu áp dụng thu từ năm học 2017-2018. Khoản phí này dành cho học sinh mới nhập học và học sinh ở các bậc chuyển cấp trong hệ thống”.

Công ty vận hành ngôi trường còn cho rằng, mục đích của việc thu nhằm để đảm bảo phụ huynh sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình học tập của con em.

Cũng theo công KinderWorld Việt Nam, trong đơn đăng ký nhập học được ký bởi phụ huynh và Nhà trường trước đó đã có nhắc đến khoản phí đặt cọc. Từ đó, nhà trường cho rằng việc phụ huynh ký vào đơn đăng ký nhập học, đồng nghĩa đã đồng ý với các điều khoản quy định nhà trường đưa ra và cứ thế tiến hành.

Những trả lời trên của trường Quốc tế Singapore lập tức vấp phải những phản ứng dữ dội đến từ nhiều phụ huynh. “Ngôi trường này quá thiếu sự tôn trọng đối với phụ huynh chúng tôi. Những lý lẽ mà họ đưa ra trong thông báo ấy, chúng tôi đã nhiều lần nói rằng không hợp lý, nhưng họ vẫn cố bảo vệ. Chúng tôi yêu cầu tổ chức cuộc họp, làm việc với đầy đủ các thành phần chứ không phải kiểu thông báo này”. ông Trương Bảo, một phụ huynh học sinh, nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, người có 3 con đang theo học ở trường cho biết, khoản phí đặt cọc trên thực chất đã chiếm dụng tiền của phụ huynh thời gian dài với con số có thể lên đến tiền tỷ: “Đơn cử như lớp của con tôi theo học có 30 cháu, tính ra nhà trường đã chiếm dụng 240 triệu đồng cho cái “phí” vô lý này một thời gian dài”.

“Phụ huynh không đồng tình và quá thất vọng về cách ứng xử của trường Quốc tế Singapore tại Thành phố Đà Nẵng nên bất đắc dĩ mới phải làm đơn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng và Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị can thiệp. Để minh bạch, phụ huynh đề nghị có cuộc họp bốn bên gồm sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng, Nhà trường, các phụ huynh và các cơ quan báo chí”, ông Tuấn nói.

Trả lời phóng viên, đại diện Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng xác nhận, đơn vị đã nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh học sinh về sự việc. “Chúng tôi đã có yêu cầu nhà trường làm việc với phụ huynh, đồng thời có báo cáo gửi về Sở”, vị này nói.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/truong-quoc-te-singapore-tai-da-nang-bi-to-chiem-dung-von-phu-huynh-459399.html