Trường Sa - Chuyện kể từ hậu phương

Nếu như mỗi chuyến tàu đến với Trường Sa phần lớn mang theo sự háo hức của những người lần đầu ra với đảo, được đặt chân lên mảnh đất máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, thì với chúng tôi, song hành cùng cảm xúc đó còn là nỗi mong chờ được gặp người thân. Đến với đảo xa, nỗi nhớ được kéo gần hơn...

Đoàn thân nhân chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sỹ tại cột mốc

Đoàn công tác đặc biệt

Hai năm một lần, Quân chủng Hải quân tổ chức cho thân nhân đi thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác số 16 của chúng tôi vì thế cũng đặc biệt hơn các đoàn khách ra với Trường Sa dịp này bởi chuyến tàu KN 490 chở đầy tình yêu thương và nhớ mong của những người cha, người mẹ, người vợ ra với lính đảo.

Hành trình 18 ngày trên tàu KN 490, vượt qua hơn 1.200 hải lý, đã đưa 124 thân nhân đến thăm 8 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn. Ở mỗi đảo, sẽ có khoảng 20-25 thân nhân được lên thăm người thân, đảo chìm thì chỉ đón được 2-3 người.

Hải Yến - cô giáo viên mầm non đến từ Hải Dương ra đảo Sinh Tồn thăm chồng lúc nào cũng khư khư chiếc điện thoại trên tay, mắt lấp lánh niềm vui kể: “Anh Tuấn nhà em cứ nửa tiếng lại gọi điện hỏi tàu đi đến đâu rồi, và bảo trong mơ cũng không nghĩ được sẽ gặp vợ ở nơi này…”. Tuy nhiên, trước ngày lên tàu, đợt khám sức khỏe sàng lọc đã khiến hơn 10 thân nhân không có cơ hội ra thăm đảo vì không bảo đảm sức khỏe. Những giọt nước mắt lăn trên gò má của những người vợ, người mẹ khi tưởng đã được chạm tay vào yêu thương của mình mà lại tuột mất. Gửi vội túi quà cho cậu con trai tên Thanh đang công tác tại đảo Sơn Ca, cô Hạnh (Nghệ An) ngậm ngùi tiếc nuối: “Phấp phỏng mong chờ cả tháng để được gặp con, chuẩn bị đủ những món con thích vậy mà không được ra với đảo. Ai được đi thật may mắn quá!”

4 tháng, 8 tháng, một năm rồi 18 và thậm chí là 24 tháng là những con số mà chúng tôi được nghe nhiều trong các câu chuyện của những người thân khi hỏi thăm nhau trên hành trình ra đảo. Đây là khoảng thời gian mà những người vợ, người cha, người mẹ không được gặp chồng, con mình. Thái Ngân, đến từ Bình Thuận, cô gái 27 tuổi nhưng chỉ nhỏ như một học sinh cấp 2 ở cùng phòng với tôi trên tàu nói về chuyện xa chồng, chiến sĩ rađa đang đóng quân trên đảo Nam Yết, một cách đầy bình thản nhưng ẩn sâu trong lời kể lại là sự nhớ nhung đến thắt lòng. “Bọn em cưới nhau được 2 ngày thì anh ấy đi đảo, tới nay là tròn 24 tháng. Chưa có con nên càng thấy nhớ chồng hơn nhiều lần. Nhưng, đã đi làm nhiệm vụ của Tổ quốc thì phải gác lại tình riêng, chị ạ” - Ngân tâm sự.

Đếm từng ngày, từng tháng, tình cảm của đất liền ngóng ra ngoài đảo xa nên chuyến đi này không chỉ nặng tình mà còn “nặng” cả hành lý mang theo. Từ mớ rau, con cá, cân thịt đến hoa quả, bánh trái và thậm chí là cả gà, vịt còn sống cũng được đưa lên tàu. Tuy nhiên, như lời Đại tá Đào Giang Hải - Chính ủy Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân: “Ở đảo cái gì cũng quý, nhưng quý nhất là tình cảm từ đất liền”. Cũng bởi vậy mà đồng hành trên con tàu KN 490 còn có đội văn nghệ xung kích của Đại học Sư phạm Huế. Tiếng hát, điệu múa của những người con gái xứ Huế mang ra đảo chìm, đảo nổi đã làm dịu đi nắng rát, làm tươi hơn những nụ cười lính đảo và đặc biệt là khiến những cán bộ, chiến sĩ không có người thân ra thăm vẫn cảm nhận được hơi ấm đất liền.

Một tuần trên đảo Nam Yết

Nam Yết nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Cột mốc cũ do Hải quân Việt Nam dựng trên đảo ghi rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

Nam Yết mang đến cho chúng tôi sự bất ngờ bởi màu xanh tươi mát của những tán cây tra, mù u cổ thụ, sự an yên tiếng chuông chùa thong thả mỗi buổi sáng, chiều và tiếng gà trưa như khiến người ta liên tưởng đang ở xóm vắng quê nhà. Ở đảo có thư viện khang trang, có nhà văn hóa với phòng tập gym, phòng chiếu phim tư liệu, phòng sinh hoạt văn nghệ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Một tuần làm “công dân” trên đảo đã cho chúng tôi có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống nơi đây, về những khó khăn gian khổ mà mỗi người lính phải vượt qua. Đã vào mùa mưa nên thiếu nước không còn là nỗi ám ảnh với lính đảo nhưng gian khổ, vất vả thì vẫn còn nhiều, nhất là nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân. Gió, cát và mặt trời là bạn đồng hành trong sinh hoạt hàng ngày, trong những giờ huấn luyện chiến đấu khiến mọi người đều chung một nước da đen bóng. Nhưng mỗi giọt mồ hôi của lính đảo rơi xuống lại khiến mầm xanh nảy lên nhiều hơn trên cát trắng, giúp lợn, gà trong chuồng mau lớn, và đặc biệt, bình yên trên biển và đất liền được giữ vững.

Đảo Nam Yết rợp bóng mát dưới những tán cây cổ thụ

Thực đơn của lính đảo chủ yếu là đồ hộp. Rau xanh và thực phẩm tươi các đơn vị phải tự tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Vì thế, sau mỗi giờ luyện tập, những vườn rau trên đảo đều thấp thoáng bóng áo lính bắt sâu, nhổ cỏ. Mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau muống rồi bầu, bí, đu đủ, bất chấp nắng gió và đất cát cứ xanh mởn để trả công tâm sức vun trồng của chiến sĩ.

Trung tá Hoàng Minh Sơn - đảo trưởng đảo Nam Yết - cho biết, vất vả, gian khổ nhưng các chiến sĩ ở đảo tiền tiêu vẫn luôn vững vàng trong sinh hoạt, rèn luyện. Từ đầu năm đến nay, hoạt động huấn luyện chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết đều đạt thành tích cao, được cấp trên ghi nhận. Đặc biệt, Bệnh xá đảo Nam Yết do kíp quân y của Bệnh viện 103 phụ trách đã thực hiện được hai ca đại phẫu, cứu sống ngư dân và chiến sĩ trên đảo đều bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. “Chúng tôi ở đây vất vả, thiếu thốn thật nhưng vẫn không sánh được sự hy sinh của những người vợ ở nhà. Họ vừa phải làm mẹ, làm cha trong nuôi dạy con cái, vừa đảm bảo việc nhà, việc nước, thật quá sức với những bờ vai gầy” - Trung tá Hoàng Minh Sơn nói.

Tàu rời Nam Yết vào một ngày biển động. Trong lòng cả người về và người ở lại đều chung một nỗi yêu thương và sự đồng cảm. Hành trình đến với Trường Sa đã giúp chúng tôi hiểu rằng, mỗi mảnh ghép chứa đựng sự hy sinh và tình yêu thương của lính đảo và người thân sẽ góp phần làm nên bức tranh bình yên của Tổ quốc.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truong-sa-chuyen-ke-tu-hau-phuong-88726.html