Trường Sa - Thế đứng hiên ngang

Lần thứ ba được ra thăm Trường Sa, tôi cảm nhận được thế đứng của Trường Sa ngày càng hiên ngang, vững chắc. Dấu ấn in đậm trong tôi ở các điểm đảo chính là sự yên bình, cây cối xanh tươi như bao làng quê Việt Nam khác. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và người dân được biết, nơi đây, ngoài huấn luyện, giữ chắc tay súng bảo vệ vùng biển, mỗi đảo còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám ngư trường.

Chung sức vì biển đảo quê hương

Yên bình nơi đảo xa

Có lẽ, nhiều người ở đất liền khi nhắc đến Trường Sa chỉ nghĩ đến đá san hô, nắng gió, thiếu thốn đủ thứ, liên lạc khó khăn,… nhưng thực tế đời sống vật chất, tinh thần ở đây đã được nâng lên rõ rệt so với trước. Cây xanh phủ kín các đảo nổi. Trường học vang tiếng trẻ thơ tại Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn. Các ngôi chùa hiện hữu phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân. Mạng viễn thông phát triển, thuận lợi cho liên lạc với đất liền. Đặc biệt, các bữa ăn của bộ đội được bảo đảm hơn qua việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi tại đảo. Bệnh xá cũng được nâng cấp, chăm sóc tốt sức khỏe cho quân, dân trên đảo và ngư dân vươn khơi bám biển.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây chăm sóc rau xanh.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây chăm sóc rau xanh.

Trung tá Nguyễn Văn Làm, công tác ở đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Có chăng, khó khăn lớn nhất ở đảo là điều kiện thời tiết nắng nhiều, mưa ít. Sau 5 tháng khô hạn kéo dài từ cuối năm 2018, vừa rồi mới có trận mưa, khiến bộ đội vui mừng khôn xiết".

Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Làm, mạng viễn thông phát triển giúp việc liên lạc với người thân, gia đình thường xuyên hơn, song vẫn không thể trực tiếp giải quyết công việc của gia đình do điều kiện địa lý cách trở. "Tại đảo Song Tử Tây năm 2018, có 7 trường hợp người thân của cán bộ, chiến sĩ qua đời nhưng anh em không thể về chịu tang, do đó, đơn vị đã lập bàn thờ để mọi người cùng thắp hương tưởng nhớ, chia sẻ với mất mát của đồng đội…" - Trung tá Nguyễn Văn Làm kể.

Trung úy Hoàng Văn Huê, nhân viên quân lực đảo Sơn Ca cho biết, hiện nay ở các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xây dựng các ngôi chùa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trên đảo. Chị Vi Thu Trang, người dân sống ở đảo Song Tử Tây nói: "Vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, người dân đến chùa khấn Phật cầu bình an, mưa thuận, gió hòa nên mọi nếp sinh hoạt chẳng khác ở quê nhà…".

Trụ trì chùa tại đảo Nam Yết, thầy Thích Tâm Tri chia sẻ, ngôi chùa chính là hồn quê Việt Nam, là chốn thanh tịnh, tĩnh tâm cho mọi người. Hằng ngày, nhà chùa đều hành lễ cầu cho đất nước được hòa bình; cầu bình an cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã nâng lên rõ rệt về mọi mặt. Những công trình, thiết bị, vật dụng thiết yếu mà các đoàn công tác của trung ương, các tỉnh, thành phố cả nước tặng đã hỗ trợ thiết thực quân, dân trên đảo. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn, đã tiếp thêm sức mạnh để quân, dân huyện đảo Trường Sa trụ vững nơi tuyến đầu, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Vùng biển Trường Sa nói chung, khu vực biển quanh các điểm đảo Việt Nam đang làm chủ có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên. Vì thế, đối với các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn…, việc có âu tàu đã tạo thuận lợi cho ngư dân tránh trú bão an toàn, sửa chữa, tiếp nhiên liệu và chăm sóc sức khỏe khi cần…

Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, nhiều năm qua, ngư dân các tỉnh ven biển mỗi khi ra khơi đánh bắt hải sản bất ngờ có bão, hoặc ốm đau, bệnh tật đều vào các đảo tạm tránh trú, được cấp cứu, điều trị, đồng thời tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh. Từ năm 2018 đến nay, đảo đã thăm khám, cấp thuốc cho hơn 100 ngư dân, để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về mối quan hệ quân, dân gắn bó.

Ở Sinh Tồn, ngoài giúp ngư dân tránh trú bão, đảo còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Kể về những hoạt động của đơn vị, Thiếu tá Trần Văn Bỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết, đơn vị có nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu, cứu hộ cứu nạn, cung cấp dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm. Ngư dân có thể mua dầu với mức giá ngang bằng như trong đất liền; sửa chữa tàu có hỗ trợ công lao động, chỉ tính vật tư thay thế nếu có. Cũng từ việc hỗ trợ tích cực trên, đơn vị luôn là địa chỉ tin cậy của ngư dân và đã có nhiều trường hợp nhận được sự hỗ trợ đặc biệt. "Tháng 7-2018, một tàu cá của tỉnh Phú Yên mắc cạn, bị rách mũi tàu, nước tràn có nguy cơ bị chìm. Khi nhận được thông tin, đơn vị đã đưa phương tiện lai dắt vào âu tàu để sửa chữa trong 3 ngày. Sau đó, tàu tiếp tục đánh bắt; toàn bộ hải sản trước đó vẫn bảo quản tốt, không gây tổn thất. Khi vào bờ, anh em trên tàu cá đã gọi điện ra cảm ơn chúng tôi...”, Thiếu tá Trần Văn Bỉnh bộc bạch.

Cùng với Sinh Tồn, âu tàu tại đảo Song Tử Tây có sức chứa khoảng 100 tàu, được ghi nhận lớn nhất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây cũng là địa chỉ tin cậy, an toàn cho ngư dân. Đảo cũng có một trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu cá với giá thành bằng giá trong đất liền và cấp nước ngọt miễn phí. Trung tá Phạm Xuân Bình, công tác tại đảo Song Tử Tây cho biết, có thời điểm âu tàu đã đón 700 ngư dân vào tránh trú bão cùng lúc... 10 năm trước thì đây là điều không thể thực hiện được, cho thấy thế đứng vững chắc, hiên ngang của Trường Sa giữa đại dương mênh mông.

Không chỉ ở đảo nổi, tại các đảo chìm như: Cô Lin, Đá Lớn C, Đá Nam, Đá Thị, Đá Đông A…, ngoài sẵn sàng chiến đấu, bộ đội cũng tham gia hỗ trợ ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống. Thượng úy Đoàn Văn Nam, Chính trị viên đảo Đá Thị cho biết, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuyên truyền ngư dân về ngư trường an toàn, chấp hành tốt các quy định về đánh bắt cá.

Có thể thấy, hiện nay, các đảo đã làm tốt hoạt động hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, để phát triển mạnh nghề đánh bắt xa bờ, tận dụng được những lợi thế, ngành chức năng cần nghiên cứu phát triển cơ sở chế biến hải sản trên các đảo nổi. Qua đó, vừa tạo việc làm cho các hộ dân sinh sống trên đảo, vừa thúc đẩy phát triển bền vững ngành kinh tế biển, tạo thêm thế trận vững chắc cho quần đảo Trường Sa.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/933026/-truong-sa---the-dung-hien-ngang