Trường Sa vọng tiếng chuông chùa

Chúng tôi, những người lần đầu được ra Trường Sa, không thể diễn tả hết tâm trạng bồn chồn, ngóng đợi để được đến với các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trong chuyến hải trình hơn 1.000 hải lý đầy ý nghĩa này, chúng tôi được chứng kiến biết bao điều kỳ diệu, từ những công trình kỳ vĩ là hiện thân cho khát vọng Việt Nam; ý chí vượt khó, sự gian khổ, vất vả, hiểm nguy mà lính đảo ngày đêm đối mặt giữa trùng khơi đến những điều bình dị, thân thương tưởng chừng như chỉ có ở đất liền.

Chùa Sinh Tồn -Ảnh: M.H

Với riêng tôi, ước mong một lần được đến với Trường Sa đã cháy bỏng từ rất lâu bởi thế hệ chúng tôi chỉ biết Trường Sa qua lời kể, sách báo. Những chiến công và sự hy sinh trở thành bất tử của các anh hùng, liệt sĩ trên đảo đã đi vào sâu thẳm trái tim tôi cùng những người dân đất Việt.

Trường Sa giờ đây thật kỳ diệu! Vật chất đủ đầy đã đành, tinh thần cũng đầy đặn. Ti vi, điện thoại thông minh kết nối mạng 3G 24/24 giờ. Mùa nào, tháng nào cũng đều có các đoàn nghệ thuật ra phục vụ quân dân. Dường như Trường Sa giờ đây hiện hữu đầy đủ cảnh vật đất liền. Ngay khi hòn đảo đầu tiên là Song Tử Tây hiện lên trong tầm mắt, tôi đã ấn tượng với mái chùa cong vút, nghiêng nghiêng trên nền biển xanh biếc một màu. Dưới mái chùa, thấp thoáng bóng áo nâu sồng, rồi tiếng chuông chùa ngân vang, hòa tan vào biển trời Tổ quốc. Trong 6 ngôi chùa sừng sững hiên ngang ở Trường Sa, tôi vừa may mắn, vừa nuối tiếc khi được thành tâm hành lễ, đắm mình trong tiếng chuông của một nửa trong 6 ngôi chùa ấy. Nói là may mắn bởi không phải ai cũng có cơ hội được ra Trường Sa để hành lễ, để hàn huyên, tâm sự với các sư thầy nơi đảo xa. Nói là tiếc nuối vì không có sóng to gió lớn thì tôi đã có mặt tại 4/6 số chùa trên các đảo. Hành trình ra Trường Sa, điểm đến đầu tiên theo dự kiến là đảo Song Tử Tây, nơi mà chỉ huy tàu giới thiệu là có ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở Trường Sa nhưng sóng lớn khiến đoàn không thể lên đảo.

Như hiểu tâm trạng các đại biểu, chỉ huy tàu KN 491 cố gắng lái tàu vào gần đảo nhất có thể để mọi người thấy rõ ngôi chùa. Từ xa, chùa hiện ra theo phong cách truyền thống, có hai tầng với mái cong vút, nghiêng nghiêng dưới tán phong ba, bàng vuông. Mấy cô, mấy chị tiếc hùi hụi, chỉ mong đến thật nhanh các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn để thỏa nỗi ước ao, bởi hành lễ ở Trường Sa mới nghe đã thấy thiêng liêng làm sao.

Tĩnh lặng là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến mỗi ngôi chùa ở Trường Sa. Tĩnh lặng đến trang nghiêm nhưng lại ấm áp vô cùng. Ngồi dưới tán cây bàng vuông, phong ba, mù u, cảm nhận tiếng chuông chùa khiến một chiếc lá rơi, một làn gió nhẹ cũng có tâm tình. Chùa ở Trường Sa không rộn ràng người đến, không nhiều hương khói nghi ngút nên không khí trong lành và thoáng đãng. Chùa ở Trường Sa yên bình và nhỏ nhắn như thể một nho sĩ sống ẩn mình tránh xa ồn ào phố thị.

Chiều muộn, tôi cùng anh Lê Quang Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nghệ An thả bộ, lia ống kính trên đảo Nam Yết. Bỗng thấy bình yên đến lạ. Ráng hoàng hôn quyện lấy tiếng chuông chùa hòa cùng tiếng vỗ ì oạp của sóng biển. Hai anh em ngồi phịch xuống cát, đón từng hồi chuông trong niềm hân hoan tột độ. “Có thể chỉ một lần trong đời thôi chú à”, anh Dũng khẽ thì thầm với tôi như muốn “nuốt” trọn tiếng chuông thanh tịnh cứ ngân mãi…

Rảo bước chân, ngước lên thấy cờ Tổ quốc, cờ Phật lồng lộng trong gió “cõng” theo hơi mặn rít rát. Hồi chuông vừa dứt, tôi đã có mặt ở thềm chính điện chùa Nam Huyên. Thầy Thích Tâm Tri, trụ trì chùa, vai vác cuốc, áo đẫm mồ hôi vừa đi đâu về. Tôi hỏi: “Mệt lắm không thầy?”. Thầy đáp: “Thấy bộ đội vất vả, thầy giúp bộ đội vun đất mấy luống rau. Mệt gì đâu, rèn luyện sức khỏe ấy mà. Biết thầy ăn chay, nên anh em không để thầy thiếu rau, củ, quả”. Trò chuyện cùng thầy mới hay trước đây, thầy Tri ở chùa Tòng Lâm Lô Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa), năm 2013 thầy tự nguyện ra đây làm trụ trì chùa Nam Huyên cùng bộ đội canh giữ biển đảo quê hương.

“Ở đâu cũng tu hành, có đi xa, khổ hạnh, mới thấu tâm can lời Phật dạy về kiếp người. Ngư dân quanh năm bám biển, 6 ngôi chùa ở Trường Sa làm cho đất liền luôn hiện hữu trong tâm trí, trở thành điểm tựa tâm linh, để họ không cảm thấy cô đơn, nên mỗi khi có dịp lên đảo là họ đến chùa thắp hương, mình thì tụng kinh niệm phật mong trời yên, biển lặng để bà con làm ăn may mắn, chứ biển giã khó lường. Còn bộ đội hằng tuần lại giúp thầy vệ sinh chùa, ở đây thân thiết như một đại gia đình vậy”, thầy Tri chia sẻ.

Tôi hỏi thời gian thỉnh chuông, thầy nói: “Ngày hai lần, 5 giờ và 18 giờ, còn ngày rằm và ngày mồng 1 thỉnh lúc 9 giờ. Quân dân trên đảo nghe tiếng chuông thấy thanh tịnh, thư thái. Trường Sa hội tụ mọi miền quê nên tiếng chuông ở đây cũng hội tụ âm sắc của vùng chiêm trũng Bắc Bộ, qua miền Trung nắng gió đến Nam Bộ sông nước hoa trái, dường như thu gọn dải đất hình chữ S vào âm vọng, cộng hưởng với gió biển, với lòng người, để hết thảy đều chắp tay nguyện cầu bình an cho mọi nhà, hoan hỉ cho mọi người, để đất nước nguôi đi sóng to gió lớn, thái bình thịnh trị”.

Xin chữ sư thầy trụ trì chùa Trường Sa Lớn -Ảnh: M.H

Ông cha ta có câu “an cư mới lạc nghiệp”, từ ngàn xưa, ở đâu mà người Việt an cư, lạc nghiệp thì ở đó có đình, có chùa. Đình, chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng bình an. Với người dân ở Trường Sa cũng vậy, thành tâm nơi cửa Phật không chỉ để cầu may, tìm sự bình an mà còn hướng về cội nguồn dân tộc. Ở đây cũng hội tụ đầy đủ những nét văn hóa tâm linh đặc sắc như đi lễ hội chùa đầu năm, ngày rằm, xin chữ sư trụ trì chùa… Không đúng dịp lễ hội nhưng chúng tôi may mắn được thầy Thích Tuệ Nhân, trụ trì chùa Trường Sa Lớn tặng những nét thư pháp uốn lượn, bay bổng. Theo thầy Thích Tuệ Nhân thì xin chữ, cho chữ là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa, ở giữa trùng khơi, quân dân Trường Sa lại càng trân quý giá trị con chữ. Dù là hai thực thể, “đơn vị đo” khác nhau nhưng tiếng chuông chùa trầm bổng, thanh tịnh trên chùa cứ như hòa quyện, tan loãng vào nét chữ uốn lượn tài hoa trên viên đá của thầy trụ trì.

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc tại trung tâm đảo Trường Sa Lớn, nằm trong quần thể với Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt, đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đại đức Thích Tuệ Nhân vừa được tái bổ nhiệm làm trụ trì sau khi phát nguyện tiếp tục ở lại làm phật sự. Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Thích Tuệ Tâm chia sẻ: “Chuông là một pháp khí quan trọng trong nghi thức Phật giáo. Phần nào khác với tiếng chuông chùa ở đất liền, vốn thâm trầm giữa náo nhiệt, ngân nga giữa bể dâu để thức tỉnh những khách trọ trần gian còn mãi theo đuổi danh lợi, gọi thế nhân đang mê đắm nơi bể khổ trở về cõi an nhiên thì tiếng chuông chùa ở Trường Sa vang vọng trong thinh không giống như hơi thở thường nhật, “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với quân dân nơi đây. Ngoài bổn phận thờ Phật, các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có bàn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Cứ vào 5 giờ và 18 giờ, tiếng chuông chùa và tụng kinh niệm Phật của sư thầy lại vang vọng cả một vùng đảo thanh bình như cầu nguyện cho anh linh các anh hùng dân tộc được siêu thoát nơi miền cực lạc”.

Khi tiếng chuông chùa điểm, những sinh hoạt thường nhật lại bắt đầu. Chú gà trống vươn mình đập cánh gáy o o; “anh nuôi” thức dậy nhóm bếp thổi lửa nấu cơm; toàn doanh trại rộn ràng tiếng hô các bài tập thể dục sáng của bộ đội; sân chùa vọng tiếng chổi quét lá xào xạc của sư thầy; ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ cho một ngày “cá bạc đầy khoang”; bộ đội ra thao trường huấn luyện, công nhân xây dựng đảo chuẩn bị vào ca, trẻ em tung tăng đến trường… Cuộc sống cứ thế yên bình trôi đi. Tiếng chuông chùa vẫn ngày ngày gắn liền với quân dân Trường Sa trong những thói quen thường nhật.

Lên tàu rời đảo, thấy tăng ni phật tử đang chuẩn bị cho lễ chùa đầu năm, chúng tôi thấy biển trời Trường Sa đang chộn rộn vào xuân!

Mạnh Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155398