Trường Sơn năm tháng không quên

Ông Lĩnh kể lại những thành tích năm xưa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Theo giới thiệu của Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Phú Yên, chúng tôi tìm gặp các cựu chiến binh (CCB) Phạm Ngọc Lĩnh, Phan Ngọc Thạch, Phạm Thị Tuyến và nghe họ kể lại những năm tháng phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật gợi nhớ về những người lính Trường Sơn kiên cường, bất khuất, dũng cảm năm nào.

Hiến dâng tuổi xuân cho tuyến đường huyết mạch

Năm 1964, chàng thanh niên Phạm Ngọc Lĩnh (quê ở Thanh Hóa) cùng với hàng trăm thanh niên xung phong (TNXP) miền Bắc vào Nam chiến đấu. Đại đội 3, Binh trạm 14, Trung đoàn 67, Đoàn 559 của ông có nhiệm vụ mở, sửa chữa đường và xây dựng, bắc cầu phao tại bến phà Xuân Sơn (nằm ở sông Son thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Đồng thời đưa người, hàng hóa và xe sang sông cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 cùng vượt khẩu với đường 20 Quyết Thắng. Do nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam nên bến phà Xuân Sơn trở thành trọng điểm bị địch đánh phá rất khốc liệt. “Tôi còn nhớ hôm cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm 14 tập trung xuống hầm chữ A ở phía sau núi Cửu Giang dự đại hội thi đua thì bị địch thả bom. Bom không rơi trúng chỗ đại hội nên tất cả đều an toàn. Nhưng các đơn vị bộ đội, TNXP và nhà dân chung quanh, nhiều người bị thương và hy sinh”, ông Lĩnh kể.

Sang năm 1968, mức độ đánh phá của Mỹ càng dữ dội và khốc liệt hơn. Tuy vậy, để đảm bảo thông tuyến cho bộ đội ta vận chuyển hàng hóa qua sông chi viện miền Nam, các chiến sĩ, TNXP ngày đêm gấp rút phá bom mìn, sửa chữa đường, bắc phà. “Có hôm địch thả thủy lôi, ngư lôi từ động Phong Nha qua bến phà, dưới sông Xuân Sơn dày đặc bom. Thiếu tá Hoàng Trá và đồng chí chính ủy binh trạm kêu gọi đồng chí nào xung phong xuống sông chạy ca nô để phá bom mìn. Anh Nguyễn Trơn (quê Quảng Bình) tiên phong, sau đó đơn vị làm lễ truy điệu sống cho anh, ai cũng khóc. Anh Trơn cho ca nô chạy một vòng tròn trên sông, rồi vòng thứ hai đến vòng thứ ba bom nổ làm ca nô lật nhào. Ai cũng nghĩ là anh ấy đã hy sinh nên xuống sông tìm thi thể. Nhưng may mắn anh ấy vẫn còn sống và về sau được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, ông Lĩnh nhớ lại.

Năm 1969, địch liên tục thả bom xuống đường 20 Quyết Thắng, 15A, 15B. Sau khi địch ngừng thả bom, ông Lĩnh cùng hai đồng đội là Tý, Điển đi khảo sát những đoạn đường hư hỏng để gấp rút sửa chữa. Khi đến đoạn Hầm Bùn, nhìn thấy máy bay địch nhào đến thả bom, ông Lĩnh vừa dứt tiếng hô “vào hầm ngay” thì hầm đã sập. “Lúc ấy, mũ cối sắt úp vào nửa mặt, người không cựa quậy được, tôi chỉ nghe anh Tý ứ ứ rồi lặng luôn. Kêu tên anh ấy mãi mà không nghe trả lời và khi sắp ngạt thở thì tôi nghe có tiếng động, rồi có ai đó kéo cánh tay tôi tiêm mũi thuốc. Khi tỉnh lại, tôi cùng đồng đội bới tìm đưa thi thể anh Tý lên khỏi hầm”, ông Lĩnh kể mà mắt đỏ hoe.

Ông Phan Ngọc Thạch đọc báo, xem tin tức mỗi ngày Ảnh:KHÔI NGUYÊN

Còn thiếu tá Phan Ngọc Thạch (quê ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), nguyên Chủ nhiệm Quân y Trường Sĩ quan Đặc công nhớ lại những ngày tháng phục vụ cứu thương trên tuyến đường Trường Sơn đầy gian khổ: “Lúc ấy, tôi phụ trách đội cứu chữa thương binh của đơn vị đặc công thuộc Sư đoàn 305. Vì vậy, đơn vị đi chiến đấu ở chiến trường nào thì tôi theo sau để phục vụ cứu thương”. Ông bảo mình và các đồng đội ngày ấy chỉ có lòng quả cảm và ý chí kiên cường làm động lực vượt qua muôn vàn khó khăn với bệnh sốt rét rừng, thiếu cơm lạt muối để chiến đấu và hàng ngày phải hứng chịu mưa bom bão đạn của quân thù dội xuống trên con đường Trường Sơn. “Đội chỉ có 5-6 người, nhưng có những lúc tiếp nhận hàng chục thương binh. Cả bác sĩ, y sĩ, y tá đều làm việc luôn tay, ca nào nặng chuyển về tuyến sau. Có những đồng đội chưa kịp cấp cứu đã hy sinh”, ông Thạch nhớ lại trong bùi ngùi.

Cùng làm nhiệm vụ mở đường trên tuyến lửa Trường Sơn, bà Phạm Thị Tuyến (quê ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) công tác ở Tiểu đoàn 71, Trung đoàn 34 trên cung đường 9 Nam Lào, kể: “Năm 1973, chúng tôi vào chiến trường với tinh thần tất cả tập trung phục vụ cho việc giải phóng miền Nam, nên không khí làm việc rất khẩn trương và gấp rút. Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm để đảm bảo thông tuyến cho bộ đội hành quân, chở hàng chi viện vào Nam. Tuy vất vả, nhưng từng đoàn xe, bộ đội đi qua khí thế bừng bừng đã làm cho chúng tôi quên hết mệt nhọc. Thanh niên chúng tôi hồi ấy vô tư không sợ và không nghĩ đến chuyện sống chết đâu. Cả làng nô nức lên đường, có người chưa đủ tuổi thì khai tăng, người nhẹ ký thì bỏ thêm đá vào túi cho đủ cân để được đi bộ đội”.

Hơn ba năm phục vụ trên tuyến đường huyết mạch, chỉ trừ lúc ăn và ngủ, thời gian còn lại đơn vị bà luôn có mặt trên đường làm nhiệm vụ. Nhiều người đã ngã xuống vì bom, đạn, bệnh sốt rét, bị thổ phỉ bắn... “Có lần, tôi cùng một chị trong đơn vị đi vào rừng hái rau. Gặp đồng đội chỉ hỏi nhau vài câu xong là chị ấy trúng mìn hy sinh. Một hôm có chị lên cơn sốt rét, tôi nằm ôm chị ấy vào lòng cho đến khi cơn sốt hạ xuống... Nghĩ lại những lúc san sẻ với đồng đội từng miếng cơm, củ khoai lại thấy bùi ngùi”, bà Tuyến bồi hồi nhớ lại.

Tự hào Trường Sơn

Trở về từ chiến trường mang theo những vết thương, năm 1977, ông Lĩnh công tác ở Ban Xây dựng 67 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 ngày nay) phục vụ mở đường từ Hà Tĩnh vào phía Nam. Năm 1981, ông cùng gia đình chuyển vào TP Tuy Hòa sinh sống và công tác cho đến năm 1993 nghỉ hưu. Với đồng lương hưu ít ỏi, ông Lĩnh lên nông trường Sơn Thành thuê đất trồng tiêu, cà phê, cây ăn trái. Nhờ vậy, gia đình ông có thu nhập khá, các con học hành thành đạt. “Những gian khổ của Trường Sơn đã tôi luyện con người nghị lực hơn, vì vậy khó khăn trong cuộc sống thời bình không cản được bước chân tôi”, ông Lĩnh tâm sự.

Nay ở tuổi 90, mái tóc bạc trắng, những năm tháng phục vụ kháng chiến cũng đã dần quên theo tuổi tác nhưng ông Phan Ngọc Thạch vẫn luôn tự hào là người lính Trường Sơn năm xưa. Ông bộc bạch với niềm tự hào: “Những ai đã từng tham gia chiến đấu thì không thể nào quên những tháng ngày ở chiến trường, khó khăn nguy hiểm đến cùng cực, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Và người nắm giữ một phần ranh giới đó là những người thầy thuốc, bác sĩ như chúng tôi có trách nhiệm, không ngừng cố gắng để níu giữ sự sống cho đồng chí, đồng đội mình”.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Phạm Thị Tuyến công tác tại bộ phận thông tin ở Đông Hà, Quảng Trị. Sau đó, bà chuyển về làm việc tại Công ty Thực phẩm nông sản Hà Nam Ninh cho đến năm 1993 nghỉ hưu. Đến nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn bươn chải để lo cho đứa con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam - dioxin. Tự hào là người lính Trường Sơn, bà ước ao được một lần thăm lại chiến trường xưa với bao kỷ niệm hào hùng của một thời thanh xuân sôi nổi mà kiêu hãnh.

Chị Phạm Thị Tuyến, mặc dù chồng mất sớm nhưng một mình vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống và rất nhiệt tình với công tác hội. Còn ông Phạm Ngọc Lĩnh là người luôn sát cánh đồng hành cả tinh thần lẫn vật chất để xây dựng hội phát triển. Ông Phan Ngọc Thạch là người con Phú Yên có mặt sớm nhất trên tuyến đường Trường Sơn, đã cống hiến sức trẻ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời bình, không chỉ vẹn tròn việc xã hội, ông còn là người cha, người ông gương mẫu trong việc nuôi dạy con, cháu chăm ngoan, thành đạt.

Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/276391/truong-son-nam-thang-khong-quen.html