Trưởng thành hơn nhờ phong trào 'Tiết kiệm phụ cấp'

Tiết kiệm phụ cấp gửi về cho gia đình không phải là hiếm, nhưng trở thành phong trào thi đua với 100% chiến sĩ tham gia là điều chúng tôi ghi nhận ở Đồn Biên phòng Lò Gò, BĐBP Tây Ninh. Số tiền tiết kiệm từ phụ cấp tuy ít ỏi, nhưng là những yêu thương đong đầy của những người lính trẻ gửi về hậu phương.

Chiến sĩ trẻ Đồn Biên phòng Lò Gò trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Lê Quân

2 năm qua, Đồn Biên phòng Lò Gò luôn duy trì phong trào “Tiết kiệm phụ cấp” đối với chiến sĩ trong đơn vị. Người khởi nguồn cho phong trào là Thượng tá Phạm Mạc Thuần, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lò Gò. Từng trải qua thời gian là chiến sĩ, Thượng tá Phạm Mạc Thuần thấu hiểu suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng trong thời gian thực hiện nghĩa vụ. Và ngày hôm nay, ở cương vị mới, anh cũng hiểu sự mong chờ ở hậu phương khi gửi gắm con em vào quân đội. Mỗi khi có chiến sĩ mới về đơn vị, ngoài việc gặp mặt động viên, giáo dục truyền thống về lịch sử đơn vị, Ban Chỉ huy đồn tìm hiểu cặn kẽ về hoàn cảnh gia đình của từng đồng chí, qua đó định hướng, dìu dắt người lính trẻ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thông qua những câu chuyện về Bác Hồ với đức tính giản dị và tiết kiệm, gợi ý cho chiến sĩ trong đơn vị liên hệ bản thân có thể làm gì để giúp đỡ được gia đình bớt khó khăn trong thời gian xa nhà.

Thượng tá Phạm Mạc Thuần chia sẻ: “Nhập ngũ nghĩa là gia đình mất đi một lao động, thế nhưng, trong thực tế, có chiến sĩ lại xin thêm tiền từ gia đình, trong khi mọi thứ đã được quân đội chi trả. Tôi đặt câu hỏi với các em, làm như vậy có nên không? Hãy thử nghĩ, nếu khi cha mẹ từ xa tới thăm, mình đưa cho cha mẹ 500 nghìn hay 1 triệu đồng, cha mẹ sẽ xúc động cỡ nào?". Những lời tâm sự của đồng chí Chính trị viên thật đúng mà không ai nghĩ ra. Đoàn Thanh niên được cấp ủy giao nhiệm vụ phát động và duy trì phong trào. Theo đó, mỗi đoàn viên sẽ đăng kí mức tiết kiệm. Hàng tháng, chi đoàn sẽ tổng kết và biểu dương những người đã thực hiện tốt, đặc biệt là những người “vượt định mức”. Có thể, đối với nhiều người, số tiền 500 nghìn hay 1 triệu đồng mỗi tháng không lớn, thế nhưng, khi biết nó được sử dụng cho mục đích, hoàn cảnh nào, người ta sẽ thấy vô cùng ý nghĩa.

Binh nhì Bùi Trung Hiếu (chiến sĩ Đội Tham mưu-Tổng hợp) quê ở xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ba mẹ chia tay, một mình mẹ Hiếu nuôi 2 chị em khôn lớn. Mấy năm trước, thấy căn nhà xuống cấp, mẹ vay tiền sửa lại để “có chỗ ra vào khi trời mưa nắng, chị gái lấy chồng cũng có nơi đàng hoàng cho thông gia đến thăm”.

Thương mẹ và chị, Hiếu xin đi làm công nhân, lương 6 triệu đồng mỗi tháng đều đưa hết cho mẹ. Là người đàn ông duy nhất trong gia đình, Hiếu thấy mình phải có trách nhiệm, bởi vậy, sau khi giúp mẹ trả hết nợ ngân hàng, Hiếu mới yên tâm nhập ngũ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Thực ra, ngay từ khi còn là chiến sĩ mới, Hiếu đã ý thức được việc tiết kiệm phụ cấp. Sau 4,5 tháng quân trường, tiết kiệm được 1,8 triệu đồng tiền phụ cấp với ý định “được nhiều nhiều gửi cho mẹ vì tháng 10 này, chị gái sẽ đi lấy chồng”. Bởi vậy, khi về Đồn Biên phòng Lò Gò, đơn vị phát động phong trào thi đua "Tiết kiệm phụ cấp", Hiếu cảm thấy rất vui vì có đồng đội cùng đồng hành.

Binh nhất Thạch Thương Tín (chiến sĩ Đội Vũ trang) là người dân tộc Khmer, nhà ở ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tín là anh trai cả, nhà còn em gái mới học lớp 1. Trước khi nhập ngũ, Tín đi làm công nhân cạo mủ với mức lương 7 triệu đồng/tháng, phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Tín bảo, ở nhà, bố mẹ cũng đi cạo mủ cao su cho người ta, nếu thời tiết khô ráo được khoảng 7 triệu đồng, nhưng nếu trời mưa nhiều thì gần như không có thu nhập.

Nhập ngũ, nguồn thu của gia đình giảm, Tín thương bố mẹ, thương em nhiều lắm. Vậy nên, khi nhận phụ cấp 1.388.000 đồng, Tín để riêng 1 triệu đồng gửi Thiếu tá Trương Văn Lực, Đội trưởng Kiểm soát hành chính; số dư còn lại để mua nước uống sau mỗi chiều chơi thể thao. “Em rất vui khi mọi người cùng tham gia phong trào “Tiết kiệm phụ cấp”. Biết rằng số tiền gửi về gia đình không nhiều, nhưng em vẫn muốn phụ giúp bố mẹ được chút nào hay chút đấy” - Binh nhất Thạch Thương Tín chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Tấn Bạc, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh của các chiến sĩ vừa về nhận nhiệm vụ tại đơn vị. Ảnh: Lê Quân

22 tuổi nhập ngũ, bởi vậy, Binh nhất Nguyễn Quang Lý được coi là anh cả đối với các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Lò Gò. Từ ngày tham gia phong trào “Tiết kiệm phụ cấp”, mọi người không chỉ nể Lý vì số tiền tiết kiệm mỗi tháng, mà còn bởi Lý là người sống rất tình cảm. Hôm trước, thấy Lý nhận hàng từ shipper, bên ngoài ghi mặt hàng là váy, túi xách, ai cũng trêu chàng lính trẻ tâm lý với người yêu. Thế nhưng, câu chuyện không phải như vậy. Mỗi tháng, sau khi lĩnh phụ cấp, Lý đều nhờ quản lý đơn vị chuyển khoản 1 triệu đồng về cho mẹ. Số tiền còn lại, Lý dùng mua kem đánh răng, xà phòng, cắt tóc và tiết kiệm tiếp để mua quà cho mẹ.

Lý thương mẹ nhiều lắm, giờ chỉ còn 2 mẹ con vì bố và anh trai đã mất nên những việc làm này là để “an ủi, động viên mẹ” khi mình đi xa. Cũng chỉ còn mấy tháng nữa, Lý sẽ hoàn thành thời gian quân ngũ, thế nên, khi biết hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được nhận khoản tiền không nhỏ từ chế độ bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp một lần khi xuất ngũ và chế độ trợ cấp tạo việc làm, Lý vui lắm. Chàng lính trẻ đã lên kế hoạch, cùng với số tiền tiết kiệm mỗi tháng và tiền nhận được khi xuất ngũ đưa cho mẹ sửa nhà cửa và sẽ đi học lái xe để có thu nhập ổn định lo cho tương lai của mình và phụng dưỡng mẹ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh) là mẹ của Binh nhất Nguyễn Duy Đăng (Đội Vũ trang) hiện mở quán ăn vỉa hè trên đường Lê Lợi, thành phố Tây Ninh. Chia sẻ về con trai mình, bà Thủy cho biết: “Ở nhà, cái chén Đăng cũng không biết rửa, thế nên khi con mới nhập ngũ, cả nhà tôi ai cũng lo. Thế mà đến giờ, cái gì con cũng biết làm. Không những thế, con còn biết lo cho gia đình bằng việc tiết kiệm tiền phụ cấp gửi về cho mẹ. Thấy con mình trưởng thành hơn nhờ đi bộ đội, tôi yên tâm và tự hào về con trai mình. Con đi bộ đội, gia đình tôi mất đi một lao động, nhưng sự trưởng thành của con là động lực để tôi vượt qua khó khăn trước mắt”. Có thể thấy, “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” là những điều mà phong trào “Tiết kiệm phụ cấp” đã mang lại, bởi vậy, cần lắm sự lan tỏa rộng rãi hơn vì không chỉ xây dựng ý thức, trách nhiệm cho người lính trẻ, mà còn ngày càng có thêm nhiều yêu thương gửi về hậu phương.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/truong-thanh-hon-nho-phong-trao-quottiet-kiem-phu-cap-post465099.html