Trưởng thành qua từng bài viết

Dù quãng thời gian bước vào nghề báo của tôi còn khiêm tốn, chỉ khoảng 7 năm nhưng đây là thời gian rất quý báu với bản thân. Nó giúp tôi được trui rèn và trưởng thành hơn, đặc biệt thấy quãng thời gian tuổi trẻ của mình thêm ý nghĩa sau mỗi loạt bài, thấy mình học được nhiều điều trong nghề 'nguy hiểm'.

Suýt bỏ việc

Về báo Tiền Phong làm việc là một cơ duyên với tôi. Vào năm 3 Đại học, khi còn là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nghe lời giới thiệu của một người bạn, tôi đăng ký kiến tập tại Ban Quốc tế, báo Tiền Phong. Tôi vẫn nhớ như in bài viết đầu tay được đăng tải trên Tiền Phong liên quan đến vấn đề chính trị quốc tế “Sai lầm lớn nhất các đời Tổng thống Mỹ”. Cảm xúc lúc đó thật lâng lâng khó tả. Bởi với một sinh viên đang kiến tập đã lao ngay vào những vấn đề phức tạp, như người hướng dẫn lúc đó nhà báo Thu Loan nói “cơ hội để đăng được bài rất mong manh”.

Bài viết được đưa làm trung tâm số báo

Ra trường, tôi có dịp được nhà báo Đình Thắng - Trưởng ban Kinh tế giới thiệu về làm cộng tác viên. Thời gian cộng tác tại báo Tiền Phong là quãng thời gian tôi được trui rèn nhiều nhất. Với một người trẻ chập chững bước vào nghề báo, quả thật áp lực. Đó là việc tìm kiếm đề tài để có thể triển khai thành công và cạnh tranh được với các bài viết của những anh, chị đã có thâm niên, hay đó là vấn đề thu nhập khi trong thời gian đầu cộng tác chưa có lương. Nghề báo hiện không chỉ phải cạnh tranh với các ngành nghề khác, mà còn cạnh tranh trong chính nội bộ giữa các tờ báo trong ngành. Nếu môi trường tờ báo không đủ hấp dẫn hoặc động lực công việc không đủ lớn, những phóng viên trẻ dễ thấy chênh vênh.

Sau mỗi bài viết dù đối mặt với những áp lực vốn có của nghề báo, nhưng khi bài viết nhận được sự ủng hộ của bạn đọc hay sự thay đổi tích cực của những bên liên quan đó là niềm vui, động lực lớn nhất của phóng viên, như tiếp thêm động lực dấn thân vì nghề.

Thời gian đầu tôi cũng…suýt bỏ cuộc vì công việc khá khó nhưng may mắn được các lãnh đạo Ban Kinh tế nhiệt tình hướng dẫn nên tiếp tục có động lực. Trưởng ban Đình Thắng luôn quyết liệt, đeo đuổi đến cùng vấn đề và truyền lửa cho các phóng viên trong ban thực hiện những tuyến bài gai góc. Phó Ban Khánh Huyền rành mạch các vấn đề vĩ mô, giúp phóng viên nắm bắt nhanh sự việc. Phó Ban Phạm Tuyên luôn chặt chẽ, chi tiết và đòi hỏi “làm đậm” nên bài vở phóng viên được chỉn chu.

Trưởng thành hơn sau mỗi bài viết

Tôi đã từng nghe ở đâu đó nói rằng, Tiền Phong là môi trường đào tạo phóng viên tốt hàng đầu trong làng báo. Bởi nhiều nhà báo trưởng thành từ “lò” Tiền Phong đều được đánh giá cao trong lĩnh vực của mình. Dù thời gian của những phóng viên trẻ như tôi còn chưa thấm vào đâu so với các anh, chị tiền bối, nhưng trải nghiệm trong quá trình làm việc đã giúp tôi học hỏi nhiều điều.

Đó là những ngày ròng rã cả tháng trời để thu nhập tài liệu về tình trạng ngã giá tại phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tại 5 tỉnh thành. Khi bài viết đăng tải đã tạo ra hiệu ứng rất lớn. Trên trang nhất của Tiền Phong lúc đó còn để tiêu đề bài viết “Cán bộ không nhận tiền sẽ thiếu nhân văn”? gây xôn xao dư luận.

Phóng viên Dương Hưng tác nghiệp trong vụ việc “làm luật” như ảo thuật

Ngay sau đó, Bộ Công an thành đã lập đoàn công tác để xử lý các vi phạm của cán bộ nhưng để có căn cứ xử lý, họ triệu tập người dân trong clip phóng sự để củng cố hồ sơ. Song khi nhận được thông báo cùng với sự tác động của một số bên, không ít người lo ngại ảnh hưởng đến công việc nên yêu cầu báo gỡ hình ảnh họ bị vòi vĩnh trong clip xuống dù trước đó khi tác nghiệp, tôi đã xin phép và nhận được sự đồng ý. Thậm chí, vì bị gây sức ép, có ít người đề nghị báo viết đơn để đảm bảo an toàn. Tôi phải về tận nơi Bắc Ninh, Bắc Giang…để trấn an, động viên người dân.

Là một phóng viên trẻ, nói thật lúc đó tôi rất áp lực. Nhưng được sự hỗ trợ của Trưởng ban Kinh tế Đình Thắng, làm việc với các cơ quan chức năng liên tục nhiều ngày, may thay Bộ Công an nhanh chóng có kết luận nội dung báo Tiền Phong phản ánh đúng sự thực và 14 cán bộ bị xử lý, điều chuyển công tác. Tất cả thở phào!

Sau này, khi thực hiện loạt “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng”, nhóm phóng viên cũng rất cẩn trọng. Chỉ một câu nhận định “hàng trăm chiếc xe biếu tặng được bán tại các showroom” trên mặt báo, là bằng đúng số lần anh, em phải chứng minh được đầy đủ căn cứ về hành trình của một chiếc xe từ việc cấp phép, từ nước ngoài về cảng, quá trình vào nội địa, đường đi đến các showroom và đóng thuế bất thường một cách thuyết phục.

Sau mỗi bài viết dù đối mặt với những áp lực vốn có của nghề báo, nhưng khi bài viết nhận được sự ủng hộ của bạn đọc hay sự thay đổi tích cực của những bên liên quan đó là niềm vui, động lực lớn nhất của phóng viên, như tiếp thêm động lực dấn thân vì nghề.

Tôi còn nhớ khoảnh khắc vui sướng của hàng chục lao động nhận được số tiền của chính họ khi phải đi đòi ròng rã 2 năm, như thể vừa “trúng số” độc đắc, thông qua loạt bài điều tra sau 2 ngày đăng tải. Đó là câu chuyện các thanh niên trẻ từ các tỉnh thành như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,… mong muốn đi lao động ở nước ngoài để đổi đời nhưng bị các công ty môi giới giữ tiền. Không ít thanh niên…phải bám trụ ở Thủ đô cả năm trời, và trở thành những tài xế chạy xe ôm bất đắc dĩ để đi đòi tiền. Trong đại dịch COVID-19, sau tuyến bài đăng tải về tình trạng thu phí cách ly gấp nhiều lần so với quy định ngay từ những ngày đầu xuất hiện chuyến bay giải cứu vào 11/2020, nhiều lao động nghèo từ Nhật trở về đã được hoàn trả lại tiền trong sự xúc động.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truong-thanh-qua-tung-bai-viet-post1585419.tpo