Trưởng thành trong kháng chiến

Tôi may mắn biết nhà thơ Thanh Tịnh từ nhỏ. Ông vốn là bạn, là đồng hương miền trung với cha tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Đến năm 1983, khi Viện Văn học tổ chức làm tập sách Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, được làm việc với ông, tôi mới có dịp hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của nhà thơ.

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9

Nhà thơ Thanh Tịnh (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Nhà thơ Thanh Tịnh (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Qua hồi ký Độc tấu và hành trình theo kháng chiến tôi ghi lại theo lời kể của ông, chúng tôi hiểu điều gì khiến cho một thi sĩ lãng mạn nổi danh từ thời tiền chiến như Thanh Tịnh đến với Cách mạng, hòa nhập và gắn bó hết lòng với thực tế kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ. Đó chính là tình yêu đối với con người, với quê hương đất nước, là sự nhạy cảm bản năng của người nghệ sĩ. Cũng trong thời gian này ông khai sinh ra thể loại độc tấu, một thể loại mới, kết hợp giữa thơ và kịch, vừa đi vừa viết vừa diễn, bộ môn nghệ thuật được coi là khinh binh và xung kích, phát triển trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Độc tấu đã gắn liền với tên tuổi nhà thơ Thanh Tịnh trong suốt thời gian chống thực dân Pháp ở núi rừng Việt Bắc. Bài độc tấu đầu tiên của Thanh Tịnh là bài Bắn cả hai, làm ở gần chùa Trầm vào đầu năm 1947. Về công tác ở vùng này, Thanh Tịnh được nghe bà con kể câu chuyện một anh du kích xã Tây Mỗ lập mưu đến gần tên lính Pháp gác kho súng đạn, rồi bất thần xông vào quật ngã hắn. Tên giặc to lớn chống cự quyết liệt, ôm ghì anh du kích lăn lộn trên mặt đất. Anh du kích thứ hai vội chạy đến tiếp ứng. Anh lăm lăm khẩu súng trong tay muốn bắn tên giặc nhưng sợ trúng phải bạn. Nếu để chậm trễ sẽ lỡ mất thời cơ, anh du kích đang vật tên giặc liền hét to ra lệnh: “Bắn cả hai”. Thế là "đoàng, đoàng", tên giặc và anh du kích đều bị thương, nhưng dân quân bố trí bên ngoài xông vào phá tan kho vũ khí của giặc.

Câu chuyện đơn giản nhưng khiến cho nhà thơ Thanh Tịnh vô cùng cảm kích và xúc động. Ông ao ước được đi kể lại ngay cho nhiều người khác cùng nghe. Sau đó, mỗi chuyến công tác, ông đều chịu khó nghe, hỏi quần chúng, tiếp xúc với thực tế, thu thập tài liệu để sáng tác thêm hàng loạt bài độc tấu mới: Anh hùng liên lạc, Chiến thắng sông Lô, Trận địa lôi cây số 7 đường Hà Tuyên, Lão dân quân Đông Bắc… Nhà thơ có đủ “vốn liếng” để đảm đương cả một chương trình độc tấu mấy giờ đồng. Dần dần, độc tấu trở thành hiện tượng của nền văn nghệ kháng chiến.

Tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (họp từ ngày 23 đến 25-7-1948) tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, độc tấu của Thanh Tịnh đã được đưa ra bàn luận. Một số ý kiến phản đối nhưng cũng có nhiều ý kiến cổ vũ và khẳng định việc sáng tác độc tấu của Thanh Tịnh. Cũng tại hội nghị này, bản tham luận của Thanh Tịnh về độc tấu được trình bày. Nhà thơ nói rõ: “Với tư cách một người làm thơ, nếu có thể làm được gì cho quần chúng công, nông, binh - những người đảm đương chủ chốt cuộc kháng chiến thần thánh và vô cùng gian khổ hiện nay - phấn khởi cười vui năm, mười phút thôi, thì việc đó có kém gấp mười lần tiếng hề tôi cũng sẵn sàng làm và coi đó là một vinh dự".

Thực tế, quần chúng ngày đó rất hoan nghênh độc tấu. Họ ủng hộ, khuyến khích nhà thơ. Họ kể những chiến công, những sự tích anh hùng của làng xóm, đơn vị và yêu cầu nhà thơ viết thành độc tấu. Độc tấu làm thay đổi con người nhà thơ, cho ông niềm hạnh phúc thấy những sáng tác của mình được quần chúng ưa thích. Sáng tác, biểu diễn độc tấu giúp nhà thơ gần gũi với quần chúng, chan hòa được vào suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của họ.

Trước Cách mạng Tháng Tám, tên tuổi Thanh Tịnh gắn liền với những tập truyện ngắn. Nhưng trên con đường nghệ thuật của mình, nơi ông thử sức đầu tiên lại thuộc về lĩnh vực thơ ca. Thơ Thanh Tịnh nhẹ nhàng, êm ái. Cái đặc sắc nằm ở những lời, những ý đậm đà hương sắc, cảnh vật làng quê Việt Nam. Thơ ông có nhiều câu gần gũi với âm hưởng ca dao, thế mạnh đó ngày càng được phát huy.

Tên tuổi của nhà thơ Thanh Tịnh được biết đến rộng rãi hơn khi tập truyện ngắn Quê mẹ của ông ra đời vào năm 1941. Từ khi xuất hiện cho đến nay Quê mẹ đã gắn liền với cuộc đời Thanh Tịnh, trở thành một dấu ấn quan trọng trong hành trình nghệ thuật của ông. Là một nhà thơ lãng mạn, Thanh Tịnh mang vào truyện ngắn chất trữ tình sâu lắng. Tập Quê mẹ man mác tình quê hương, tình người. Từng trang viết thấm đượm hương vị làng quê, một làng quê miền trung với những vẻ đẹp thanh bình, êm ả nhưng cũng không hiếm những cảnh đời khổ đau, ngang trái.

Phải chăng, hai thế mạnh của thơ và truyện ngắn giúp ông khai sinh thể độc tấu, làm nên hiện tượng độc đáo của văn nghệ kháng chiến? Điều lớn lao hơn, ông vượt lên những quan niệm văn chương thông thường, miễn là được phục vụ cho những người đang đảm đương cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Thanh Tịnh sinh năm 1911. Ông mất vào mùa hè năm 1988 tại Hà Nội, ba năm sau ông được đồng nghiệp ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đưa về an nghỉ trên đồi thông tĩnh lặng bên sườn núi Thiên Thai, phía tây thành phố Huế. Nhà thơ đã thật sự trở về trong lòng Quê mẹ.

PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33814502-truong-thanh-trong-khang-chien.html